Phóng viên (PV): Chị nghĩ sao khi nhiều người cho rằng văn học trinh thám là thể loại văn học giải trí-cao cấp?

Nhà văn Di Li: Văn học nói chung có tính giải trí, chỉ là nhiều hơn hay ít hơn. Trinh thám là thể loại có tính giải trí cao, nhưng là sự giải trí trí tuệ. Bởi độc giả trinh thám thường là người rất thông minh, nếu không đọc, một lúc là rối tinh cả lên. Bản chất trinh thám là đi giải câu đố, với hàng tá dữ liệu và mấu chốt. Đôi khi tác giả chỉ tung ra một tình tiết nhỏ xíu nên nếu độc giả có trí nhớ không tốt, óc phân tích và tổng hợp hạn chế, lười suy luận và tư duy logic không cao thì đọc xong một lúc là "tẩu hỏa nhập ma".

Tôi cũng bắt gặp cả những tác giả trinh thám (nước ngoài) viết trước quên sau, nhầm lẫn lung tung hết cả. Trinh thám ngoài việc là một trò chơi trí tuệ thì còn truyền tải nhiều giá trị nhân văn và hiện thực cũng như chứa đựng nhiều hàm lượng kiến thức. Thế kỷ trước, chúng ta thường phân tách giá trị nghệ thuật dựa trên thể loại. Ngày nay thì một tác phẩm văn học đoạt giải thưởng lớn cũng sẽ là một cuốn sách bán chạy, một tác phẩm điện ảnh hàn lâm cũng có thể được số đông ưa chuộng. Với thị hiếu ngày càng khó tính của công chúng và quỹ thời gian hạn hẹp, người ta bắt đầu yêu cầu ngày càng nhiều những sản phẩm hai trong một, giống như một chiếc điện thoại thông minh đa chức năng vậy. Vì thế, một tác phẩm văn học vừa phải mang giá trị nhân văn, tư tưởng sâu sắc, vừa phải có tính giải trí cao.

PV: Văn học trinh thám ở Việt Nam đã xuất hiện nhen nhóm từ gần một thế kỷ trước, lượng người đọc cũng đông đảo hơn, tuy nhiên vì sao đến nay, thể loại này vẫn còn quá ít người viết, thưa chị?

Nhà văn Di Li: Có rất nhiều lý do để thể loại văn học trinh thám chưa thực sự phát triển tại Việt Nam như là những yếu tố tác động từ văn hóa, lịch sử, giáo dục; thực tế đời sống xã hội; công nghệ, kỹ thuật hình sự và thu nhập của nhà văn... Ví như, thu nhập của một nhà văn trinh thám ở phương Tây rất cao, xứng đáng để họ bỏ sạch các công việc khác mà viết sách một cách chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp là ngoài sự sáng tác đều đặn thì còn cần đầu tư công sức, thời gian, tiền bạc để nghiên cứu tư liệu.

leftcenterrightdel
Nhà văn Di Li 

Để viết cuốn trinh thám thứ 3 đây, tôi phải sang Hàn Quốc tới mấy lần và đi Châu Đốc (An Giang) hai lần để tìm kiếm tư liệu và cảm hứng. Chưa kể tôi phải mất rất nhiều thời gian để nghiền ngẫm các loại tư liệu. Viết 3 dòng thì đọc mất 3 ngày, Đông Tây kim cổ. Đọc sách tôn giáo, lịch sử, pháp luật, kỹ thuật điều tra, kỹ thuật hình sự, khám nghiệm tử thi, tâm lý tội phạm học... Vì thế 7 năm tôi mới viết được một cuốn. Trong khi các thể loại khác có thể một năm ra mấy cuốn. Thôi thì cũng là một sự đầu tư trước ngày hái quả. Riêng tìm kiếm tư liệu là một nỗi “khổ” với người viết, thứ nhất là cần huy động công sức, thời gian, sự kiên trì mà nếu không có niềm đam mê trinh thám, văn chương, đam mê đi vào địa hạt kiến thức... sẽ không làm được. Đó cũng là một hạn chế, cản trở với những nhà văn muốn đi vào lĩnh vực này.

PV: Văn học trinh thám dường như phù hợp hơn với tư duy người phương Tây. Và dường như nhiều người viết của Việt Nam hiện nay cũng chịu ảnh hưởng không ít bởi văn học trinh thám phương Tây. Thể loại văn học này ở Việt Nam nói riêng, văn hóa phương Đông nói chung cần chú ý đến những vấn đề gì để phù hợp với độc giả, thưa chị?

Nhà văn Di Li: Rất may tôi tự thấy mình là một người lý tính, tư duy logic tốt. Từ năm 13 tuổi, tôi đã sống một mình. Trước đó thì nhà chỉ có mẹ, còn cha tôi đi công tác suốt. Điều đó nói lên rằng tôi khá tự do về tư duy, không bị bó buộc bởi một khuôn phép hay chuẩn mực có sẵn nào cả. Đó là một lợi thế lớn cho người sáng tạo. Người phương Đông, nhất là người Việt Nam trọng tình cảm, có lý rồi phải có tình nữa. Nên trong trinh thám người Việt nói riêng, mối quan hệ, thân phận của nhân vật sẽ rất khác trinh thám phương Tây. Những câu chuyện trong tác phẩm của tôi thuần chất Việt Nam, nên có lẽ độc giả thích sách của tôi vì điều đó.

PV: Nhà văn trinh thám người Na Uy Oystein Torsrud có chia sẻ, văn học trinh thám rất phổ biến ở Na Uy và một số nhà văn thành công có thể giàu có nhờ bán hàng triệu, chục triệu cuốn sách. Chị thấy sao khi nhiều người nhận định ở Việt Nam, chị là nhà văn thành công ở thể loại này với hai cuốn sách nổi tiếng đã xuất bản, nhất là “Trại hoa đỏ” đã được chuyển thể thành kịch bản phim phát trên Truyền hình K+ và sắp tới là “Câu lạc bộ số 7”?

 Nhà văn Di Li: Nói chung tôi cũng đủ sống nhờ viết văn. Còn để làm giàu được thì trên thế giới dễ có được mấy người. Nhà văn ở đâu cũng thế, cơ bản là nghèo và phải làm nhiều việc một lúc. Lúc nào rảnh ra thì ngồi sáng tác. Nếu sống được nhờ nghề văn cũng là điều may mắn lắm rồi.

leftcenterrightdel

Một số sách văn học trinh thám trên thị trường Việt Nam hiện nay. Ảnh: THU HÒA

PV: Trong tọa đàm về văn học trinh thám mới đây, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã phát biểu rằng, những trao đổi trong tọa đàm sẽ gợi mở nhiều hướng đi cho các tác giả với văn học trinh thám. Tại đó cũng có các ý kiến tin tưởng sự phát triển của thể loại văn học này trong tương lai, dù sẽ còn nhiều khó khăn. Theo chị, văn học trinh thám Việt Nam cần một hệ sinh thái như thế nào để phát triển?

Nhà văn Di Li: Như tôi đã nói, văn chương nói chung và văn học trinh thám nói riêng muốn đi đường dài cần nhiều yếu tố. Nhưng đầu tiên, người viết phải tâm huyết vì nó, đừng mơ mộng đến danh tiếng, tiền bạc và ngày hái quả vội mà hãy cống hiến trước. Cống hiến là một sự hy sinh. Khác với kinh doanh, người ta bỏ đồng vốn ra thì tính hòm hòm được lợi nhuận thu lại, còn viết văn thì phải đầu tư rất nhiều, không chỉ ngồi gõ ra chữ không mà có thể mất mát nhiều thứ, thu lại thì mơ hồ, nên nói chung vẫn là sự tận hiến. Nếu không chịu đi, chịu đọc, chịu trải nghiệm thì nhìn vào trang viết sẽ biết ngay tác giả lười dụng công.

Thêm nữa, cũng cần sự cổ vũ khách quan. Ở các nước phát triển thì họ có hẳn hội nhà văn trinh thám sinh hoạt riêng, các đại hội văn học trinh thám và những giải thưởng vô cùng cao quý. Nhà văn cũng là con người, chỉ cho đi mãi chứ không nhận lại thì cũng nản. Nếu có những trại viết dành riêng cho văn học trinh thám, những giải thưởng vinh danh riêng chứ không gộp chung với giải “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”... thì nhà văn sẽ có thuận lợi hơn để sáng tác.

PV: Trân trọng cảm ơn chị!

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: "Văn học trinh thám là thể loại văn học không phải chỉ có tính giải trí, mà đầu tiên nó đi qua ranh giới giải trí, tiếp cận đời sống và trong những bí mật của câu chuyện, vụ án trong nó còn chứa đựng những bí ẩn của đời sống, góc khuất bên trong con người".
Nhà văn Oystein Torsrud (Na Uy): "Có thể nói rằng hiện tại, dòng tiểu thuyết trinh thám ở Bắc Âu đang phát triển ở mức cao nhất mọi thời đại. Người Na Uy rất yêu thích sách trinh thám. Các số liệu ở thư viện cho thấy việc các đầu sách trinh thám được mượn chiếm vị trí áp đảo so với các thể loại sách khác. Các cửa hàng sách cũng vậy. Sách trinh thám Na Uy và nước ngoài cũng được tiêu thụ với số lượng lớn. Các tác giả trinh thám nước ngoài bán sách ở Na Uy nhiều hơn trên các thị trường khác. Độc giả Na Uy thích diễn biến của các nhân vật, họ cảm thấy có sự gắn bó với họ, thậm chí các địa danh trong câu chuyện cũng được độc giả biết đến. Một cuốn sách trinh thám luôn kể cho bạn rất nhiều điều. Và sách trinh thám thì phù hợp với mọi tầng lớp".

DƯƠNG HÒA (thực hiện)