Những chuyển mình tích cực

Phóng viên (PV)Thưa ông, liên tục các liên hoan với chủ đề, loại hình sân khấu khác nhau được tổ chức thời gian qua cho thấy bức tranh nghệ thuật sân khấu Việt Nam ra sao?

Tiến sĩ, nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương: Riêng trong năm 2024, cả nước diễn ra 5 cuộc liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp: Liên hoan kịch nói toàn quốc, Liên hoan cải lương toàn quốc, Liên hoan sân khấu Hà Nội mở rộng và Liên hoan sân khấu TP Hồ Chí Minh lần thứ nhất. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng.

leftcenterrightdel

Tiến sĩ, nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương. Ảnh: HUY QUANG

Các liên hoan thu hút 94 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài công lập tham gia với 109 vở diễn đã phần nào chứng tỏ được tinh thần trách nhiệm, khát khao sáng tạo và mong muốn được cống hiến của người làm sân khấu trước những thách thức đương thời nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả hôm nay. Từ các tác phẩm gần đây có thể thấy, phần lớn lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật đã thay đổi tư duy, nhận thức, chú trọng đầu tư về mọi mặt trong quy trình lựa chọn, dàn dựng tác phẩm, đặt chất lượng nghệ thuật lên trên tất cả. Chính điều đó đã làm cho sân khấu mất dần những vở diễn tập trung khai thác chuyện tình tay ba, chuyện ma mị kinh dị, những cảnh nóng hay câu chuyện cười rẻ tiền...; nhường chỗ cho kịch chính luận, tâm lý xã hội, kịch luận đề, các câu chuyện về lịch sử, danh nhân, dân gian... Trong đó cũng ghi nhận sự chuyển mình của các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa đã tạo ra sản phẩm đạt chất lượng về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật và cả giá trị kinh tế để có nguồn lực dành cho tái đầu tư sáng tạo. Đây là điều mà nhiều đơn vị nghệ thuật công lập cần nghiên cứu, học tập trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay.

PV: Sân khấu gần đây được cho là có tín hiệu đáng mừng khi xuất hiện những vở diễn mới về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng. Là tác giả quan tâm tới đề tài trên, ông đánh giá như thế nào về việc này?

Tiến sĩ, nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương: Gần đây, sân khấu xuất hiện một số tác phẩm về đề tài lịch sử, danh nhân, chiến tranh cách mạng đạt chất lượng cao về tư tưởng, nội dung và nghệ thuật, tạo nên cảm xúc và sự rung động mạnh mẽ cho người xem. Qua tác phẩm, khán giả hôm nay, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc hơn về quá khứ hào hùng của một dân tộc anh hùng, về lịch sử bi tráng của cha ông trong quá trình chống giặc ngoại xâm, về khát vọng hòa bình, về cội nguồn văn hóa và các giá trị cốt lõi của con người Việt Nam... để từ đó khơi dậy và hun đúc thêm tinh thần yêu nước, phấn đấu vì một đất nước hùng cường, thịnh vượng. Nói cách khác, một số tác phẩm đã hoàn thiện khá tốt các chức năng cơ bản của nghệ thuật sân khấu, đó là tính dự báo, chức năng nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ. Chỉ tiếc rằng, số lượng tác phẩm như thế này chưa nhiều, nếu không muốn dùng từ còn quá ít, vô cùng ít so với hàng trăm vở diễn đã được các đơn vị nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp dàn dựng và biểu diễn mỗi năm.

Tác phẩm chất lượng cao còn ít

PVThưa ông, có phải sân khấu hiện nay vẫn thiếu vắng tác phẩm phản ánh những vấn đề đương đại nóng hổi mà khán giả mong đợi?

Tiến sĩ, nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương: Đúng thế! Trong hơn 100 vở diễn tham dự 5 cuộc liên hoan sân khấu năm 2024 thì chỉ có hơn 10% đề cập đến đời sống xã hội và con người đương đại. Thực tế nhiều năm qua, sân khấu đang vô cùng thiếu vắng tác phẩm đề cập về đề tài đương đại, về những vấn đề nóng bỏng đang tác động nhiều mặt, làm thay đổi đời sống xã hội và con người trong thời kỳ hội nhập. Qua gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn. Nhưng có vẻ như nghệ thuật sân khấu rất ít đề cập đến thực tiễn đang diễn ra sôi động, tác động mọi mặt đến xã hội, con người và làm mới hơn các hệ giá trị. Phải chăng, đội ngũ sáng tạo chưa thực sự đi sâu vào những vấn đề của thời đại và con người hôm nay nên khoanh tay bó gối trước hiện thực đời sống đang ngồn ngộn chất liệu, cuồn cuộn trôi đi từng ngày?

leftcenterrightdel

Cảnh trong vở chèo "Đất liền và biển cả" của Nhà hát Chèo Quân đội. Ảnh: HUY QUANG 

Đây có lẽ là nguyên nhân cơ bản khiến nghệ thuật sân khấu chưa kéo được khán giả tới rạp. Bởi vì người xem đang cần nghệ thuật sân khấu đưa ra những thông điệp, bằng thủ pháp nghệ thuật để chuyển tải niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc, đắng cay của con người trong đời sống hiện đại, nhân rộng lên những điều đẹp đẽ, nhân văn, gạt bỏ bớt những gì đang trở thành chướng ngại vật, cản đường cho sự phát triển.

PVNói đến sân khấu thì yếu tố quyết định đến chất lượng và cũng đang là vấn đề nan giải nhất đó là đội ngũ tác giả, ông nghĩ thế nào về điều này?

Tiến sĩ, nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương: Đang có rất ít vở diễn hay vì sân khấu đang vô cùng khan hiếm kịch bản hay. Chính vì vậy, các đơn vị nghệ thuật phải chấp nhận dàn dựng lại kịch bản cũ, thậm chí là kịch bản cách đây nhiều thập kỷ. Thực trạng này bộc lộ rõ nền sân khấu của chúng ta đang bị khủng hoảng, khủng hoảng một cách trầm trọng đội ngũ tác giả, một thành phần sáng tạo vô cùng quan trọng. Đội ngũ tác giả sân khấu hiện tại thiếu về lượng và có phần nào chưa đáp ứng yêu cầu về chất. Vấn đề này đã diễn ra nhiều năm nhưng các cơ quan quản lý nhà nước và hội chưa tìm ra giải pháp để khắc phục.

leftcenterrightdel

Cảnh trong vở "Đại đội trưởng của tôi" của Nhà hát Chèo Quân đội. Ảnh: HUY QUANG 

Mười mấy năm qua, các cơ sở đào tạo nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không tuyển sinh được sinh viên theo học ngành biên kịch sân khấu. Trước thực trạng đó, cách đây 3 năm, tôi đã đề xuất Ban Chấp hành hội báo cáo các cơ quan chức năng xin cơ chế đặc thù để Nhà nước tài trợ thực hiện đề án bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ tác giả sân khấu. Nhưng đến hôm nay vẫn chưa thực hiện được.

Để trở thành nhà biên kịch sân khấu thực sự thì năng khiếu bẩm sinh, sự đam mê, kinh nghiệm làm nghề, trải nghiệm cuộc sống, bản lĩnh nghề nghiệp mới chỉ là những yếu tố cần; kỹ năng, phương pháp, thủ pháp của nghệ thuật biên kịch mới là yếu tố đủ. Nếu chúng ta không khẩn trương giải quyết bài toán nan giải này, ít năm nữa muốn thực hiện cũng sẽ rất khó, bởi những người thầy về lý luận kịch, những nhà biên kịch có khả năng truyền đạt kinh nghiệm, kỹ năng trong nghệ thuật biên kịch đang dần thưa vắng.

PV: Chúng ta có nhiều vấn đề đặt ra cho sự phát triển của sân khấu, cụ thể trong bối cảnh hiện nay, theo ông đâu là vấn đề cần quan tâm?

Tiến sĩ, nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương: Một năm trước, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ hỏi tôi: Tại sao không đưa ra các kiến nghị, đề xuất giải pháp để khắc phục những tồn tại, yếu kém của nghệ thuật sân khấu Việt Nam? Kiến nghị và đề xuất giải pháp đã được nêu ra rất nhiều lần, không chỉ ở các hội nghị do hội tổ chức mà còn ở nhiều diễn đàn khác nữa, tuy nhiên, đó là câu chuyện không thể giải quyết một sớm một chiều và của riêng một đơn vị, tổ chức nào.

Cuối năm 2024, Quốc hội đã thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Bên cạnh đó, cả nước đang triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là cơ hội lớn cho văn học-nghệ thuật phát triển cùng đất nước. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang thực hiện sáp nhập Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam thành Trung tâm Nghệ thuật truyền thống. Nhiều địa phương cũng đang triển khai sáp nhập các đơn vị nghệ thuật.

Thời cơ đan xen thách thức, khó khăn đang ở phía trước. Nhưng mong rằng sau khi sáp nhập, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị nghệ thuật đừng để tình trạng diễn viên kịch nói diễn chèo, diễn viên chèo diễn tuồng, diễn viên ca múa diễn cải lương... giống như một số đơn vị nghệ thuật đã và đang làm trong những năm gần đây. Bởi điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta đang tạo nên con đường ngắn nhất để đưa nghệ thuật sân khấu về điểm xuất phát.

PVTrân trọng cảm ơn ông!

DƯƠNG THU (thực hiện)