Dẫn chứng sinh động
Phóng viên (PV): Thưa ông, độc lập, tự chủ của một quốc gia đòi hỏi phải xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Ở nước ta, điều này được thể hiện như thế nào?
GS, TSKH Nguyễn Mại: Nói một cách dễ hiểu, nền kinh tế độc lập, tự chủ là nền kinh tế có khả năng ứng phó hiệu quả nhất với những biến động từ bên ngoài. Xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ là mục tiêu xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn khác nhau, quan điểm độc lập, tự chủ về kinh tế cũng có thay đổi nhất định.
Nếu giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc đòi hỏi phải giành được chính quyền, độc lập, tự chủ về chính trị rồi mới có điều kiện xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ. Bởi không có đất nước nào trong sự đô hộ, bảo hộ của nước khác mà có thể độc lập, tự chủ về kinh tế được. Tới giai đoạn đổi mới được cho là chủ trương phù hợp và là yêu cầu bắt buộc khi lúc này, toàn cầu hóa đã vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhờ nền tảng về công nghệ, vận tải.
Trong đó chúng ta xác định hai nội dung cơ bản không tách rời: Thứ nhất là đổi mới toàn bộ nền kinh tế từ tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thứ hai, từng bước hội nhập quốc tế, bắt đầu là hội nhập về kinh tế, rồi chính trị, ngoại giao, tăng cường hợp tác song phương, đa phương theo phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa theo nguyên tắc cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng độc lập, tự chủ, chủ quyền lãnh thổ.
PV: Đến nay, chúng ta có thể khẳng định, đổi mới là chủ trương phù hợp và là yêu cầu bắt buộc để bảo đảm sự phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ trong thời kỳ mới, thưa ông?
GS, TSKH Nguyễn Mại: Đặc điểm của kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa là các nước có cơ hội như nhau nếu khai thác được lợi thế nguồn lực trong nước và tận dụng được nguồn lực quốc tế để phát triển đất nước theo mô hình hiện đại. Sau hơn 30 năm đổi mới, rõ ràng diện mạo đất nước ta đã thay đổi rất nhiều, đời sống, thu nhập của người dân được nâng lên. Tôi chỉ xin đưa ra một vài dẫn chứng để thấy nền kinh tế độc lập, tự chủ mà chúng ta đã xây dựng thời gian qua đã đạt được.
Năm 1995, khi gia nhập ASEAN, Việt Nam là nền kinh tế đứng thứ 6. Đến nay, chúng ta là nước có GDP đứng thứ 3, chỉ kém Indonesia (do đông dân số hơn, nhưng thu nhập bình quân đầu người thấp hơn nước ta) và Thái Lan, tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng đầu ASEAN trong 10 năm (2010-2020), dự đoán khả năng cao năm 2022 vẫn đứng đầu. Sau 10 năm gia nhập, Việt Nam đã trở thành nước thành viên có vị thế cao trong khối ASEAN, với những sáng kiến, đóng góp lớn không chỉ với cộng đồng mà còn trong việc giải quyết những xung đột giữa các nước thành viên.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam hiện đứng thứ 18 thế giới; đặc biệt, tổng giá trị xuất nhập khẩu năm nay dự đoán vượt 500 tỷ USD, đứng thứ 13-14 thế giới, gấp hơn 100 lần so với năm 1991. Dự trữ ngoại tệ năm 1991 là 150 triệu USD/65 triệu dân, đến nay là 110 tỷ USD/100 triệu dân. Quy mô nền kinh tế tăng hơn 10 lần lúc mới đổi mới. Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam là nước có thể thực hiện sớm nhất Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo thành công.
Theo nhận định của tôi, Việt Nam có quan hệ song phương tốt đẹp về kinh tế và chính trị với hai nền kinh tế lớn ở khu vực châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là hai nước viện trợ ODA, đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất, về chính trị và kinh tế luôn luôn hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam. Các đời tổng thống, thủ tướng của hai nước đều đến thăm Việt Nam và lãnh đạo cao cấp Việt Nam đã đến thăm hai nước này.
Chúng ta cũng có quan hệ hợp tác kinh tế tốt đẹp với các nước Liên minh châu Âu (EU), gần đây thể hiện rõ nhất qua hai hiệp định EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU) và EVIPA (Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU), trong đó EU đã dành cho Việt Nam nhiều ưu đãi hơn là Việt Nam dành cho EU. Theo nhận định của đại diện EU tại Hà Nội thì chưa có một nước nào ký FTA trước đó nhận được ưu đãi cao như Việt Nam.
Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ cũng được tăng cường. Tổng giá trị xuất nhập khẩu ở thị trường Mỹ hiện nay là hơn 100 tỷ USD/năm, tăng trưởng hằng năm hai con số. Ngoài ra, Việt Nam cũng tăng cường sự hiện diện trên trường quốc tế khi có đầu tư ở hơn 10 nước.
Thích ứng với thế giới
PV: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng mọi mặt, nhất là kinh tế như hiện nay đặt ra yêu cầu gì với nền kinh tế Việt Nam để thích ứng và phát triển, thưa ông?
GS, TSKH Nguyễn Mại: Cách mạng công nghiệp 4.0 thực hiện chuyển đổi số làm cho thế giới ngày càng thu nhỏ, không có dân tộc nào kể cả nước mạnh như Mỹ, Trung Quốc... có thể đơn thương độc mã phát triển nếu không hội nhập thế giới. Điều đó đòi hỏi các nước phải điều chỉnh chiến lược đối ngoại trên cơ sở xác định đúng quan điểm về độc lập, tự chủ với 3 nội dung chính:
Thứ nhất là lợi ích toàn cầu và lợi ích dân tộc. Nói một cách cụ thể, giai đoạn đầu hội nhập, ta có nhiều chính sách ưu đãi về thuế, đất, lợi nhuận... để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Nếu soi lại thì thấy, giai đoạn đó chính sách có thể không bảo đảm lợi ích quốc gia nhưng trong tình trạng ta không có nhiều vốn, công nghệ, nhân lực chất lượng cao thì nhờ chính sách ưu đãi đầu tư ấy mà ta đã huy động được nhiều vốn, công nghệ hiện đại (như trong khai thác dầu khí, công nghệ thông tin), thu hút nhân tài, học tập kinh nghiệm... Cần hiểu rằng, đó là đặc điểm của toàn cầu hóa trong phân chia lợi ích, hoàn toàn không phải là đánh đổi, không phải là mất độc lập, tự chủ về kinh tế.
Từ năm 2000, khi nước ta bắt đầu phát triển thì chính sách thu hút đầu tư đã có điều chỉnh, có chọn lọc hơn, chú trọng đến lĩnh vực công nghệ, giá trị gia tăng, dịch vụ hiện đại nhiều hơn... Vì quy mô thị trường lớn, vị thế Việt Nam được nâng cao, có chính phủ ổn định, chính trị ổn định, kinh tế ổn định, phát triển tốc độ cao nên doanh nghiệp vào Việt Nam tăng, việc phân chia lợi ích cho Việt Nam cũng gia tăng.
Thứ hai là về mặt nhà nước. Nếu như trước đây, ở thời kỳ phong trào độc lập dân tộc, độc lập, tự chủ về chính trị mở đường cho độc lập, tự chủ về kinh tế thì hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, độc lập, tự chủ về kinh tế quyết định độc lập, tự chủ về chính trị, quyết định đường lối đối ngoại, quan hệ quốc tế. Chúng ta đã mở rộng quan hệ đầu tư với 132 nước, mở rộng quan hệ thương mại với 185 quốc gia và có quan hệ đối tác chiến lược với nhiều nước trên thế giới. Việt Nam đang có vị thế ngày càng cao trong khu vực, châu lục và trên trường quốc tế mà trong giải quyết các vấn đề quốc tế, khu vực, trong chừng mực nhất định không thể không quan tâm đến Việt Nam. Nếu không có nền kinh tế mạnh, địa vị mạnh thì không thể có quan hệ với các nước ngày càng tốt đẹp như vậy.
Trong điều kiện ấy, cần phải hài hòa lợi ích nhà nước dân tộc với nhà nước toàn cầu. Nhà nước dân tộc phải bảo vệ lợi ích quốc gia trong quan hệ quốc tế và chia sẻ lợi ích với các nước đối tác, cũng như họ phải chia sẻ lợi ích với chúng ta; do đó, sẽ không nảy sinh mâu thuẫn nếu đặt nhà nước dân tộc trong khuôn khổ nhà nước toàn cầu.
Thứ ba, khi nói về hội nhập kinh tế thế giới là ở nhiều cấp độ hợp tác: Song phương, đa phương, bao trùm. Chúng ta đã tham gia tích cực vào quá trình này và buộc phải điều chỉnh luật pháp, quy định để phù hợp.
Nền kinh tế độc lập, tự chủ giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay, chỉ một biến động bên ngoài cũng tác động tức thì đến trong nước, buộc ta phải thích ứng để phát triển.
PV: Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hiện nay, theo ông, Việt Nam cần phải chú trọng những vấn đề cốt lõi gì?
GS, TSKH Nguyễn Mại: Với những kết quả đã đạt được, chúng ta cần tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế thị trường hiện đại. Hiện nay, các nước đều phải ứng xử linh hoạt với thế giới. Thời gian tới, ngoài việc tăng cường hợp tác cùng phát triển, Việt Nam cần quan tâm đến 4 vấn đề quan trọng, cũng là những vấn đề của thế giới, để bảo đảm nền kinh tế độc lập, tự chủ cũng như tăng cường thế và lực của đất nước. Đó là: Biến đổi khí hậu và sự tồn vong của loài người khi Việt Nam là một trong 5 nước có nguy cơ tác động tiêu cực lớn nhất tới biến đổi khí hậu; nguy cơ khủng bố quốc tế; xung đột giữa các nước trên thế giới, vấn đề vũ khí hạt nhân; nạn đói, dịch bệnh, thiên tai.
Trong bối cảnh ấy, chúng ta cần gia tăng năng lực của quốc gia như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, tăng cường quốc phòng và an ninh nhằm ứng phó kịp thời và có kết quả với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới.
Tất nhiên, để có năng lực ứng phó linh hoạt thì câu chuyện đầu tiên là tăng cường hơn nữa công nghệ thông tin, hệ thống dự báo, cảnh báo. Bởi trong chuyển đổi số, tài nguyên lớn nhất là tài nguyên thông tin Big data. Trong khi dự báo kinh tế thế giới hiện nay thay đổi theo tuần, chúng ta phải thu thập, xử lý, cập nhật thông tin, có nguồn lực vật chất để sẵn sàng các kịch bản kịp thời ứng phó.
Câu chuyện thứ hai là về dự trữ quốc gia, nhất là năng lượng, lương thực. Hiện tại chúng ta có lợi thế về lương thực nhưng nếu biến đổi khí hậu làm mất vựa lúa lớn ở Nam Bộ thì đã có thể đe dọa về an ninh lương thực. Vừa rồi, Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo dự trữ quốc gia về xăng dầu thì hiện chúng ta chỉ dự trữ được từ 5 đến 7 ngày cung ứng cho thị trường, đó là một lượng dự trữ quá thấp. Quốc hội và Chính phủ đã đề ra chủ trương xây dựng kho dự trữ và tăng lượng dự trữ xăng dầu quốc gia để ứng phó với biến động và tác động của thế giới.
Cùng với đó, việc chuyển sang nền kinh tế không carbon, khai thác lợi thế năng lượng xanh, bền vững, vừa giúp chống biến đổi khí hậu, vừa khai thác tốt tiềm năng trong nước. Những vấn đề đó với chiến lược phát triển phù hợp, đầy đủ sẽ cho Việt Nam sức mạnh ứng phó, bảo đảm cho sự phát triển của nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
DƯƠNG HÒA (thực hiện)