Phóng viên (PV): Trong xã hội hiện đại, việc nhìn nhận về người tài khá phức tạp, có nhiều khác biệt. Tùy theo nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ có những định nghĩa khác nhau về nhân tài. Vậy theo ông, chúng ta cần có cách nhìn nhận thế nào là người tài?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Quả thực, đang tồn tại những quan niệm và cách nhìn nhận khác nhau về người tài. Tuy nhiên, đa số các ý kiến đều cho rằng người tài là người có tài năng và có đạo đức. Nghĩa là vừa phải có tài và vừa phải có tâm. Đây là quan niệm chung. Còn có một quan niệm mang ý nghĩa thực tiễn và dễ ứng dụng hơn là: Người tài là người có năng lực vượt trội, xuất chúng trong một lĩnh vực nào đó. Ví dụ, một họa sĩ tài năng thì có năng lực vượt trội trong lĩnh vực hội họa; một chính trị gia tài năng thì có năng lực vượt trội trong lĩnh vực chính trị... Rất hiếm khi tồn tại một người tài chung chung, một người tài có năng lực vượt trội trong tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội.
Năng lực được cấu thành từ 3 phần: 1. Kiến thức; 2. Kỹ năng; 3. Thái độ. Chính vì vậy, một người tài phải có kiến thức vượt trội về lĩnh vực chuyên môn của mình; phải có kỹ năng điêu luyện để làm tốt nhất những công việc có liên quan; phải có sự đam mê công việc, có tinh thần tận hiến cho xã hội.
|
|
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng. Ảnh: LIÊN VIỆT |
PV: Thực tế hiện nay xuất hiện những vấn đề điển hình như hàng loạt vụ bê bối diễn ra từ cấp cơ sở trở lên, rồi tiêu cực, tham nhũng..., tình trạng nhiều công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, hoạt động không hiệu quả tạo rào cản hạn chế giới trẻ, có những người tài không thích vào khu vực công. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Đây quả thực là một thực trạng rất đáng băn khoăn. Có vẻ như chất lượng của một số cán bộ, công chức đang có vấn đề và sức hấp dẫn của nền công vụ cũng đang có vấn đề.
Về chất lượng, mặc dù đất nước ta vẫn đang có khá nhiều những cán bộ, công chức tài giỏi, liêm chính, nhưng số lượng những người bất tài, kém đức cũng không phải ít. Bất tài thì chỉ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, nhận lương Nhà nước mà chẳng làm được gì đến nơi đến chốn. Kém đức thì tham nhũng, chạy chọt, bè phái, lũng đoạn...
Những người có tài không thích vào khu vực công do một loạt các nguyên nhân. Dưới đây là một vài nguyên nhân cơ bản nhất: Lương bổng, đãi ngộ nói chung là thấp; cơ hội phát huy năng lực sở trường không nhiều; việc thăng tiến nhiều khi phải dựa vào quan hệ, vào khả năng chạy chọt hơn là vào năng lực chuyên môn; uy tín xã hội của khu vực công đang suy giảm trông thấy...
Trên thực tế, những người có tài không thích vào khu vực công mới chỉ là một phần của vấn đề. Một phần không kém phần quan trọng khác là số lượng những người có tài tìm cách rời bỏ khu vực này cũng đang ngày một tăng lên. Đây là một thực trạng rất đáng lo ngại. Nếu xu thế này không nhanh chóng bị đảo ngược, trong vòng 15-20 năm nữa, chất lượng của nền hành chính-công vụ sẽ sa sút hết sức nghiêm trọng. Không có một nền hành chính-công vụ, chuyên nghiệp và hiệu năng, đất nước ta không thể nhanh chóng phát triển và trở nên hùng cường được. Kinh nghiệm lịch sử không chỉ của một quốc gia, mà của cả thế giới này cho thấy, không một đất nước nào có thể vươn lên trở thành cường quốc mà không có một nền hành chính-công vụ chuyên nghiệp và tài giỏi.
PV: Vậy theo ông, muốn thu hút được đội ngũ trí thức giỏi thì phải có thay đổi như thế nào về chính sách đãi ngộ vật chất, tiền lương?; quan trọng hơn là điều kiện, môi trường làm việc, phương pháp để phát huy tối đa thế mạnh của mỗi người?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Muốn thu hút được người tài thì rõ ràng phải trả lương xứng đáng. Trong một nền kinh tế thị trường, bạn trả cho thứ bạn mua. Bạn trả rẻ thì bạn phải chấp nhận mua hàng kém chất lượng. Nhiều doanh nghiệp tư nhân, như Tập đoàn Vingroup chẳng hạn, vẫn đang thu hút được những người rất tài năng. Họ thu hút được vì họ trả lương rất cao cho những người này.
Nếu khu vực công không trả lương đủ cao thì sự méo mó về động lực rất dễ bị kích hoạt. Đây quả thực là rủi ro khu vực tư ít phải đối mặt hơn. Người ta vẫn đi làm là để tìm kiếm những lợi ích vật chất phù hợp, nếu lương thưởng không mang lại điều đó, thì quyền năng hoàn toàn có thể mang lại. Đây là lý do tại sao khát vọng có được chức quyền lại lớn đến như vậy, và tham nhũng lại phổ biến đến như thế!
Để trả lương xứng đáng cho những người tài, ngoài nhận thức, quan trọng là phải cải cách sâu rộng hơn nữa để cắt giảm biên chế và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức. Một người làm việc bằng 10 người thì trả lương gấp 10 là hoàn toàn xứng đáng.
Ngoài lương bổng thì cách thức sử dụng nhân lực cũng rất quan trọng. Con người ta ai cũng có sở trường và sở đoản. Bắt một người phải từ bỏ sở trường mà chuyên tâm sở đoản thì công việc không thể hanh thông được. Như vậy, làm lãnh đạo là phải nhận biết sở trường, sở đoản của mỗi cán bộ, công chức để phân công công việc cho phù hợp.
Các kỹ năng quản trị nhân lực khác cũng rất quan trọng. Trong đó có việc truyền cảm hứng, các chỉ số KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả công việc) để đo đếm kết quả công việc, hệ thống cất nhắc, đề bạt dựa trên thành tích thực tế...
PV: Để thu hút, trọng dụng nhân tài phải tập hợp nhiều giải pháp, vai trò người đứng đầu biết sử dụng người có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Người đứng đầu có vai trò rất quan trọng ở đây. Trước tiên, đây cũng phải là một người tài. Ở cấp chính trị, thì đây phải là một chính khách tài giỏi; ở cấp điều hành, thì đây phải là một nhà quản trị tài năng.
Một chính khách tài giỏi thì phải có tầm nhìn, phải có năng lực xác lập ưu tiên và thúc đẩy chính sách. Ngoài ra, một chính khách giỏi còn phải biết truyền cảm hứng cho cán bộ, công chức, viên chức của mình. Một nhà quản trị giỏi thì phải có kiến thức và kỹ năng về quản lý điều hành, biết phân công công việc và kiểm tra, đánh giá công việc của cấp dưới...
|
|
Trao giấy khen cho sinh viên xuất sắc trong Lễ tốt nghiệp của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (tháng 5-2022). Ảnh: THU HÀ |
PV: Phát hiện nhân tài đã khó, theo ông, làm thế nào để việc chọn lựa cán bộ công tâm, khách quan, không vì riêng tư, không vì yêu người này ghét người kia, càng không vì phe phái, lợi ích nhóm, “cánh hẩu” với nhau mà đưa người hợp với mình vào bộ máy, còn người thực đức, thực tài thì bị loại ra?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Có lẽ không có một công thức chung cho việc lựa chọn cán bộ và công chức ở đây.
Lựa chọn cán bộ khác với lựa chọn công chức. Luân chuyển cán bộ để lựa chọn những người đưa được các địa phương, các ngành phát triển nhanh hơn, đột phá là cách làm rất phù hợp.
Đối với đội ngũ công chức thì tổ chức thi tuyển quốc gia để lựa chọn là rất quan trọng (giống như truyền thống khoa bảng trước đây của cha ông). Ngoài ra, cần áp đặt chế độ trách nhiệm rất khắt khe về việc phải hoàn thành công việc cho những người đứng đầu. Đây là áp lực cần thiết để những người này bắt buộc phải lựa chọn người tài. Không lựa chọn được người tài, không thể hoàn thành công việc.
Ngoài ra, cũng cần quan tâm áp dụng các quy phạm phù hợp của Luật hồi tỵ (luật được ban hành đầu tiên dưới thời vua Lê Thánh Tông có quy định: Quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; cũng như không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà ở nơi mình làm quan lớn, không được dùng người cùng quê làm người giúp việc, cũng như các quy tắc chống lại xung đột lợi ích để bảo đảm sự công tâm của cán bộ, công chức).
PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
PHẠM TUẤN - HẢI LÝ (thực hiện)