Thực tế khốc liệt mang lại vốn sống và cảm xúc mãnh liệt
Phóng viên (PV): Nguyễn Đức Mậu được biết đến là một trong những nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Không ít tác phẩm nổi tiếng được ông cho ra đời khi còn rất trẻ. Chắc hẳn ông đến với thơ không phải chỉ là cái duyên?
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: Tính ra thì tôi làm quen với văn chương từ khá sớm. Năm 14 tuổi, tôi đã bộc lộ sự yêu thích với thơ và may mắn được thầy giáo đưa đến giới thiệu với nhà thơ Nguyễn Bính. Ông đã hướng dẫn, chỉ bảo tôi những đường nét đầu tiên về văn chương, về cách cấu trúc một bài thơ, rồi giúp biên tập những bài thơ tôi gửi đến. Thỉnh thoảng, tôi được ngồi nghe chuyện của ông với những bạn văn, rất thú vị. Những lần như thế giúp tôi học hỏi được nhiều. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ khá chi tiết những câu chuyện và cả những bài thơ thời ấy. Sau này đi bộ đội, tôi càng nhận thấy mình có say mê sáng tác, cộng với vốn sống thực tiễn ở chiến trường và cảm xúc mãnh liệt của tuổi trẻ đã giúp tôi có những vần thơ và may mắn được bạn đọc nhớ đến.
|
|
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Ảnh: DƯƠNG THU |
PV: Những năm tháng ở chiến trường, ông làm thế nào để thỏa niềm say mê sáng tác của mình?
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: Giai đoạn chiến tranh, ai nấy đều hy sinh niềm riêng cho cái chung dân tộc. Giới văn nghệ sĩ cũng sẵn sàng vượt qua những khó khăn, gian nan để đóng góp sức mình vào công cuộc giải phóng dân tộc. Các đoàn văn công, những cô gái chân yếu tay mềm mang theo những đồ nghề, hành quân hàng tháng trời, vượt qua bom đạn, những cơn sốt rét rừng... để đến các mặt trận biểu diễn phục vụ bộ đội.
Ngẫm ra thì người làm thơ như chúng tôi, sáng tạo mang tính cá nhân, tương đối độc lập nên ít nhiều vẫn có những thuận lợi hơn. Thời ấy tôi tuổi trẻ đầy khát vọng, lại mê thơ và ham viết. Thêm may mắn được làm ở tờ tin trung đoàn, không lo thiếu giấy bút viết như nhiều nhà thơ, nhà văn ở chiến trường lúc bấy giờ. Nhưng thời gian sáng tác thì luôn phải tranh thủ. Tôi làm thơ trên đường hành quân, làm thơ dưới hầm sâu, trong hang đá... Cứ có thời gian, có tứ thơ là tranh thủ viết.
Chính những khó khăn, gian khổ, thực tế khốc liệt của chiến tranh đã cho người trẻ như tôi vốn sống quý báu và cảm xúc mãnh liệt để sáng tác. Thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều tác giả nổi lên từ khi tuổi trẻ. Và mỗi người có một “vùng đất” riêng của mình. Chẳng hạn, Phạm Tiến Duật là con đường Trường Sơn huyền thoại với “Gửi em, cô thanh niên xung phong”, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”; Hữu Thỉnh gắn với Binh chủng Tăng thiết giáp với “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, trường ca “Đường tới thành phố”...
Những kỷ niệm nhức nhối
PV: “Nấm mộ và cây trầm”-một bài thơ của ông được nhiều bạn đọc biết đến đã ra đời trong những ngày tháng ấy?
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: Hồi đó tôi 22 tuổi, là lính ở Trung đoàn 165, thuộc Sư đoàn 312, nhận nhiệm vụ chiến đấu ở khu vực Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng, nước bạn Lào. Đơn vị tôi mới vào "thử lửa" được mấy tháng, quân số bị thương vong khá nhiều. Người chết vì quần nhau với giặc, chết vì bom mìn, người chết vì sốt rét...
Tôi có người bạn thân, hy sinh trong trận đánh ở quả đồi mà chúng tôi gọi là Mâm Xôi, cạnh Xiengkhuang. Đêm mùa đông năm 1969, nơi nghĩa trang biên giới, bom giặc thả xuống, ánh sáng đèn dù treo lơ lửng, lúc nhập nhoạng, lúc bùng lên trên các lùm cây, ngọn đồi. Những cây thông bị cháy chĩa thẳng lên trời như những nén nhang lớn. Dưới tàn lửa của những cây thông, tôi cùng một số anh em trong tổ vận tải tranh thủ đào huyệt, khâm liệm và chôn cất đồng đội. Tứ thơ hiện lên từ khung cảnh bi tráng ấy. Cây thông được thay thế bằng hình tượng cây trầm thay cho nén nhang thắp lên mộ bạn. Đất đắp mộ Hùng gom trộn lẫn/ Cây trầm cháy dở thay nén nhang...
Tôi viết bài thơ “Nấm mộ và cây trầm” ở ngay trong hang đá giữa núi rừng Lào, dưới ánh sáng từ chiếc đèn được làm bằng vỏ đồ hộp. Tôi viết những câu thơ sau khi chôn thi thể bạn trở về, viết trong tâm trạng xót xa, thương tiếc.
Thực ra hồi đó tôi chưa phải là người viết có tay nghề, hay nói đúng hơn tôi vẫn còn chập chững những bước đi ban đầu trong sáng tác, thỉnh thoảng mới có một bài thơ in báo. Nhưng trong sáng tác, mọi yếu tố thường bổ sung cho nhau. Có lẽ do cảm xúc mạnh, tứ thơ vững đã tạo đà cho cách diễn đạt liền mạch, câu nọ nối câu kia, đoạn này nối đoạn khác... Bài thơ được viết rất nhanh, không chỉ viết về sự hy sinh của bạn mình mà còn khái quát về sự hy sinh lớn lao của người chiến sĩ. Tôi đọc cho đồng đội nghe, sửa chữa thêm và chép lại vào sổ tay.
Vài năm sau, tôi mới gửi in ở Tạp chí Tác phẩm mới. Tôi không ngờ “Nấm mộ và cây trầm” được dư luận khen, được Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trao giải thưởng chính thức về đề tài thương binh-liệt sĩ. Cho đến tận bây giờ, bài thơ vẫn thường gợi lại cho tôi kỷ niệm nhức nhối khó quên về người đồng đội đã hy sinh.
Gia đình cũng phải hy sinh
PV: Tôi từng được nghe kể câu chuyện về nhà văn Xuân Thiều, biền biệt ra mặt trận, vợ chồng cũng vì thế mà lấy nhau 9 năm mới có con. Đến khi về Hà Nội đoàn tụ, cả nhà ở nơi bãi sông Hồng, năm nào cũng phải bế con chạy lụt, bản thảo trên gác mái cũng ướt nhẹp. Hoàn cảnh ấy chắc cũng không xa lạ với các nhà văn, nhà thơ thế hệ ông. Ông có khi nào nghĩ đến điều được-mất khi theo nghiệp văn chương?
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: 25 tuổi tôi lấy vợ, rồi lại rong ruổi đi chiến trường. Vợ con ở quê nhà, cũng như bao gia đình khác, phải rất khó khăn để lo cho cuộc sống. Kể cả sau này khi cuộc sống đã ổn định, nhưng người chủ gia đình như tôi lại theo đuổi đam mê văn chương của riêng mình thì gia đình cũng chịu ảnh hưởng nhất định. Nếu xét về kinh tế, theo nghiệp viết đơn thuần khó mà giàu được. Tôi và hầu hết người cầm bút thế hệ tôi cũng không nghĩ đến chuyện làm giàu, tất nhiên vợ con, gia đình cũng sẽ phải hy sinh, chịu thiệt thòi.
Cuộc đời mỗi người đều có sự được-mất, nhưng nghề cầm bút, tôi thấy mình được nhiều hơn. Được thỏa niềm say mê, được những tác phẩm để lại, nó bù đắp, khích lệ mình trong đời sống tinh thần. Nhưng để có được những điều ấy thì chúng tôi đã phải trải qua thực tế khốc liệt, bom đạn, tuổi thanh xuân... thậm chí đổ máu, hy sinh cả tính mạng mình để làm nên những "Dáng đứng Việt Nam" của Lê Anh Xuân; "Cuộc chi ly màu đỏ" của Nguyễn Mỹ... Hay đó là những câu chuyện về chính các nhà thơ, nhà văn ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội nơi tôi công tác, mà trong bài thơ “Hà Nội, chiều nay...” tôi có viết:
Nơi tôi ở vắng Thâm Tâm, Trần Đăng, Thôi Hữu, Nguyễn Thi. Lớp nhà thơ, nhà văn một thời đi kháng chiến. Trang bản thảo nằm trong ba lô, những nhân vật câu thơ là mẫu quặng. Căn hầm thay phòng viết, ngọn đèn thắp bằng nhựa cây cháy sáng mặt trời. (Những nhà thơ, nhà văn ăn khẩu phần lính trận, ngủ gối đầu rễ cây, bao gạo. Đường kháng chiến hiểm nghèo đèo dốc. Đường văn chương bạc tóc đêm dài. Cây bút và khẩu súng. Các anh quên mình đã có một thời trai).
Những trận sốt rừng, những viên đạn giặc, đã tràn vào trang viết dở dang. Nhà văn hy sinh, nhường khát vọng đời mình cho nhân vật. Máu thấm đất, máu chảy vào trang viết, máu thay cho đoạn kết không lời. Nhà thơ hy sinh như ngọn lửa cháy hết mình để tự hóa thân. Trên vuông đất bia khô cằn đá sỏi, những câu chữ như hạt cây sót lại, ngôn ngữ cỏ xanh tự chắp nên vần.
|
|
Ký họa "Hoa xuân trên cáng thương" của Huỳnh Phương Đông được sáng tác trực tiếp trên chiến trường miền Nam giai đoạn 1954-1975. |
PV: Bởi vậy mà hầu như thơ ông chỉ viết về chiến tranh, sự hy sinh của người lính?
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: Đã đi qua chiến tranh, chiến tranh thấm vào máu, thú thực, kể cả khi cuộc sống yên bình nhất tôi vẫn bị quá khứ ám ảnh, đánh thức để viết về đề tài chiến tranh, thương binh-liệt sĩ. Đó là bao người lính Ra đi từ đó không về để rồi Dòng tên anh khắc vào đá núi trong “Thời hoa đỏ” (bài thơ được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc và thống nhất với tác giả thơ lấy tên ca khúc là "Màu hoa đỏ"); là người lính Sau bốn mươi năm báo tử. Ông về/ Thấy ảnh mình trên bàn thờ trong “Người ngồi trước mộ mình”; đó là những đứa trẻ sinh ra trong Đêm chiến tranh. Nhà sập, bom rơi/ Có đứa bị trao nhầm cho người mẹ khác/ Hai mươi năm, ba mươi năm sau/ Khi xét nghiệm ADN, mới biết... trong "ADN"...
Mỗi người sáng tác đều có thế mạnh, có tạng riêng, nhưng cũng cần hòa nhập với đời sống, viết về cuộc sống đương đại, mà hòa nhập với cái mới, dòng chảy hiện đại là điều khó vô cùng. Nghiệp văn chương của một người thường đi từ những bản năng, năng khiếu ban đầu rồi đến sự tự giác theo đuổi có ý thức, chủ đích. Sẽ qua giai đoạn tập tành, bỡ ngỡ đến giai đoạn viết khỏe, nhanh, cảm xúc dồi dào, rồi đến đoạn viết chắc, chậm lại. Và nếu như giai đoạn non trẻ về nghề nhưng được bù lại cảm xúc dồi dào, tươi mới như lúc tôi viết “Nấm mộ và cây trầm”, thì khi càng có tuổi, càng thấy mình có nhiều cái đỉnh cần vượt qua, mà con đường văn chương càng đi càng thấy xa...
Điều quan trọng nhất là bản thân giữ được niềm say mê như thuở ban đầu. Bởi không có niềm say mê thì tâm hồn sẽ buồn tẻ, cằn cỗi, đi vào ngõ cụt, sẽ lười nhác mà đa ngôn tự huyễn hoặc, dễ thỏa mãn với hào quang quá khứ mà giẫm vào dấu chân của chính mình. Với sáng tạo, ấy là thất bại.
PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
DƯƠNG HÒA (thực hiện)