Vì mục tiêu ý nghĩa

Phóng viên (PV): Thưa ông, có ý kiến cho rằng Làng được Nhà nước đầu tư kinh phí lớn nhưng hoạt động chưa hiệu quả, gây lãng phí tiền bạc?

Ông Trịnh Ngọc Chung: Làng được khởi công từ năm 1999, chính thức đi vào đầu tư xây dựng năm 2007, đến nay một số hạng mục công trình đã hoàn thành đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả tích cực. Với trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, tôi khẳng định việc đầu tư xây dựng Làng là chủ trương lớn, hết sức có ý nghĩa của Đảng, Nhà nước nhằm bảo tồn, gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Thời gian qua các hoạt động của Làng được tổ chức trong bối cảnh vừa đầu tư vừa vận hành khai thác nên chưa phát huy hết hiệu quả như mục tiêu đề ra. Hiện tại ở Làng vẫn còn nhiều công trình đang dở dang.

leftcenterrightdel

Ông Trịnh Ngọc Chung. 

Đầu nhiệm kỳ này, chúng tôi đã tham mưu với lãnh đạo Bộ VHTTDL, các ban, bộ, ngành liên quan rất quyết liệt; mạnh dạn khẳng định trách nhiệm của mình trong tiếp tục triển khai dự án này. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ban, bộ, ngành cũng thấy đây là dự án hết sức ý nghĩa, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh quan tâm tới công tác văn hóa. Chính phủ đã đồng ý tiếp tục gia hạn 3 dự án dở dang của Làng được sử dụng ngân sách trung hạn 2021-2025. Nếu điều đó được thực hiện thì chúng tôi khẳng định sau năm 2025, khi các hạng mục đầu tư đã hoàn thiện, đồng bộ, mà hoạt động của Làng vẫn không hiệu quả thì chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm.

Hơn nữa, cũng cần hiểu rằng đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho tương lai, không thể như lĩnh vực kinh tế có thể tính toán xem sau bao lâu thì có lợi nhuận. Đó là đầu tư tốn kém, khó thấy hiệu quả trước mắt. Nhưng ngày hôm nay chúng ta không quan tâm đầu tư cho văn hóa thì thiệt thòi chính là thế hệ tương lai.

PV: Hiện tại, mục tiêu trở thành trung tâm hoạt động văn hóa-du lịch quốc gia với việc tái hiện, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em; đồng thời đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần cho người dân đặt ra cho Làng những yêu cầu gì?

Ông Trịnh Ngọc Chung: Đó là một mục tiêu quan trọng. Nhưng một mục tiêu ý nghĩa, to lớn hơn là qua hoạt động văn hóa của Làng hình thành sợi dây gắn kết thêm khối đoàn kết cộng đồng các dân tộc để bồi đắp, hun đúc tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Để làm được điều đó, đầu tiên là Làng phải được đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong các văn bản trước đó.

Thứ hai, Làng phải được tạo điều kiện để có những cơ chế, chính sách đặc thù. Rõ ràng hiện nay chưa có ưu tiên cho doanh nghiệp, cá nhân đầu tư cho văn hóa. Chúng tôi đã có báo cáo Bộ VHTTDL đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho Làng cơ chế đặc thù, vận dụng trong phát huy hiệu quả đầu tư công và kêu gọi xã hội hóa. Bởi chúng tôi xác định ngoài nguồn lực đầu tư Nhà nước về cơ sở hạ tầng mang tính thiết yếu, định hướng, nguồn lực xã hội hóa mới là yếu tố mang tính quan trọng cho việc phát triển của Làng sau này.

Thứ ba, triển khai, phát huy có hiệu quả quy chế phối hợp giữa Bộ VHTTDL và địa phương trong việc huy động bà con các dân tộc về hoạt động tại Làng; tổ chức hoạt động của các địa phương tại Làng để giới thiệu những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc.

Cùng với đó, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, động viên, khuyến khích nghệ nhân, già làng, trưởng bản-những người nắm giữ tri thức của các dân tộc để họ có điều kiện phục dựng, trao truyền, tổ chức, tái hiện các giá trị văn hóa, và chính họ là chủ thể giới thiệu về văn hóa dân tộc mình. Thậm chí phải đầu tư cơ sở vật chất để giúp các dân tộc lưu giữ những giá trị đó cho thế hệ sau.

Ngoài ra, Làng sẽ phải sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy, đào tạo nâng cao nguồn nhân lực hiện tại để đáp ứng yêu cầu mà quá trình phát triển đặt ra.

Khó khăn để huy động đồng bào tới Làng

PV: Một nhiệm vụ ông vừa đặt ra, cũng là nét đặc trưng của Làng chính là hoạt động của đồng bào các dân tộc với chủ trương “để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình” đã được thực hiện ở Làng những năm qua. Việc này đã mang lại những kết quả thiết thực nhưng cũng còn nhiều vấn đề đặt ra như: Nhiều dân tộc chưa có mặt ở Làng, việc thay đổi môi trường sống cũng là khó khăn với đồng bào...

Ông Trịnh Ngọc Chung: Quả thực việc này cũng là một khó khăn với chúng tôi. Hiện nay, nhiều nhóm dân tộc chưa có mặt ở Làng như: Brâu, Pa Cô, Giẻ Triêng, một số nhóm dân tộc Nam Bộ... Việc huy động đồng bào về sinh hoạt thường xuyên tại Làng gặp khó khăn và mất thời gian hơn, nhất là những dân tộc đặc biệt ít người. Và vì chưa đầu tư xong hạ tầng một số công trình tại Làng, chưa có cơ chế hấp dẫn đồng bào. Bên cạnh đó, ở nhiều dân tộc, thế hệ trẻ không nắm giữ được văn hóa truyền thống; vận động bà con cao tuổi thì khó vì họ không muốn rời bản làng, con cháu. Hiện ở Làng có chưa đến 1/3 nhóm cộng đồng có người trẻ, nếu có thì phần đa chưa hiểu biết nhiều về văn hóa dân tộc mình, những già làng, nghệ nhân, người cao tuổi lại phải trao truyền lại. Nhưng một thời gian khi về quê, họ cũng không có điều kiện để phát huy nên lại mai một dần.

leftcenterrightdel

Hoạt động của đồng bào các dân tộc tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: PHẠM HƯƠNG 

Trong năm 2022, chúng tôi huy động và duy trì từ 13 đến 16 nhóm cộng đồng hoạt động thường xuyên hằng ngày tại Làng. Nguồn hỗ trợ cho bà con do Làng chủ động đề xuất từ nguồn thu của Làng. Mà mức vé dịch vụ vào cổng 30.000 đồng với người lớn, 10.000 đồng với sinh viên, học viên, 5.000 đồng với học sinh, thì nguồn thu không thể bù vào các khoản chi khác, nên chúng tôi cũng rất khó khăn để cân đối hỗ trợ bà con. Hiện tại, Làng hỗ trợ bà con mỗi tháng 2 triệu đồng/người. Ngoài ra, nếu mỗi nhóm cộng đồng làng (khoảng 18-20 người) trong tháng phục dựng lễ hội, nghề thủ công sẽ hỗ trợ thêm 5-7 triệu đồng/nhóm làng.

Ngoài động viên tinh thần, quan tâm hỗ trợ bà con từ việc đi lại, nơi ăn chốn ở, sinh hoạt hằng ngày, Làng có cơ chế tạo điều kiện cho bà con tự làm dịch vụ nếu khách du lịch có nhu cầu, như phục vụ ẩm thực dân tộc, bán sản phẩm nghề thủ công... 

Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các địa phương từ cấp tỉnh, huyện, xã trong tuyên truyền, vận động bà con đến Làng. Hầu hết bà con là người có uy tín, xác định đến Làng là đi thực hiện nhiệm vụ của địa phương, đi để quảng bá, gìn giữ văn hóa dân tộc mình. Thật mừng là hiện nay một số tỉnh có hỗ trợ bà con như: An Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Gia Lai... bằng các cách khác nhau.

Thời gian tới, chúng tôi đề xuất với Bộ Tài chính về việc hỗ trợ bà con ngoài từ nguồn thu để lại của Làng, Nhà nước sẽ chi trả phần còn lại để bà con được hỗ trợ ở mức bằng lương tối thiểu vùng.

PV: Như ông nói, đa số bà con đến Làng-người nắm giữ tri thức tinh hoa văn hóa dân tộc mình là người cao tuổi, số này cũng sẽ dần ít đi. Thật khó để bà con rời bản làng, con cháu đến Làng. Dù có tăng mức hỗ trợ, cũng chỉ là cách trước mắt, thưa ông?

Ông Trịnh Ngọc Chung: Tất nhiên, đó chỉ là những giải pháp tạm thời. Về lâu dài, sau khi Nhà nước đầu tư hoàn thiện, đồng bộ, chúng tôi nghiên cứu đề xuất cho Làng cơ chế riêng, sẵn sàng tự chủ nhằm không chỉ cải thiện đời sống đồng bào, mà nếu thuận lợi có nguồn thu tốt chúng tôi còn hỗ trợ đồng bào bản địa. Làm sao để chính từ thôn, bản là cái nôi, cái gốc văn hóa để từ đó có nguồn nhân lực, các sản phẩm phục vụ việc tái hiện, bảo tồn các giá trị văn hóa 54 dân tộc anh em tại Làng. Tức là đầu tư từ gốc.

Vừa rồi khi chúng tôi đi công tác tại tỉnh Kon Tum, vào hai làng người Giẻ Triêng và Brâu thấy không còn nhà truyền thống nữa. Nghề dệt của người Brâu, Giẻ Triêng cũng không còn. Thanh niên đi làm ở khu công nghiệp nơi khác, không còn gắn bó với làng nữa vì làng đã không tạo cho họ có đời sống tốt. Tôi có suy nghĩ, hướng tới Làng không chỉ là trung tâm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa mà trở thành nơi lan tỏa giá trị cho các cộng đồng văn hóa ở mỗi địa phương để họ yên tâm phát triển tại bản làng của họ, giữ gìn được giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào bản địa; góp phần nâng cao ý thức, trình độ, trách nhiệm của cộng đồng các dân tộc thông qua hỗ trợ và hoạt động của Làng.

Cũng từ thực tế ấy, sau giai đoạn 1 thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào vận hành, khai thác Làng, đã đi vào sử dụng và phát huy hiệu quả, chúng tôi đang đợi phân bổ vốn để thực hiện giai đoạn 2 chuyển đổi số. Qua ứng dụng công nghệ thông tin, thiết bị thông minh, du khách có thể trải nghiệm những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc. Đặc biệt, khi đó số hóa còn tích hợp, bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc trên không gian số như một kho dữ liệu văn hóa, giúp các cấp, các ngành tham khảo, nghiên cứu, đánh giá, nhận định, đưa ra những giải pháp bảo tồn có hiệu quả hơn. Chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo về nội dung, các hạng mục, cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ... để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ này.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

DƯƠNG HÒA (thực hiện)