Phóng viên (PV): Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thêm một lần nữa nhấn mạnh việc chú trọng phát hiện, bồi dưỡng kết nạp đoàn viên ưu tú vào Đảng, đồng chí đánh giá như thế nào về ý nghĩa của chủ trương này?

TS Trần Bách Hiếu: Phải khẳng định đây là chủ trương được Đảng ta xác định xuyên suốt từ trước đến nay chứ không chỉ riêng ở Nghị quyết của Đại hội XIII.

Đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) là đội dự bị tin cậy, là cánh tay phải của Đảng. Quá trình đào tạo, học tập về tri thức, rèn luyện về đạo đức, bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng với đoàn viên là vô cùng cần thiết và cần được thực hiện từ sớm. Cũng không phải chỉ trong Tháng thanh niên chúng ta mới nhắc đến việc này mà thực tế các chương trình, nội dung trong đào tạo và bồi dưỡng đối với ĐVTN đã được triển khai, thực hiện thường xuyên, nhiều năm qua.

leftcenterrightdel
TS Trần Bách Hiếu. 

Có thể khẳng định, chưa bao giờ công tác phát triển Đảng lại ngày càng đặt ra những thách thức mới như hiện nay. Trong bối cảnh thế giới và trong nước có những sự biến đổi, đặc biệt là tác động của cách mạng khoa học công nghệ, các làn sóng giao thoa văn hóa, tư tưởng rất rộng rãi và mạnh mẽ. Khi thế hệ trẻ là đối tượng dễ dàng tiếp cận các luồng thông tin, văn hóa ngoại lai tác động tới nhận thức, tư tưởng, chúng ta càng cần chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục bồi dưỡng, rèn luyện ĐVTN bằng cách tiếp cận phù hợp, hiệu quả hơn. Từ đó công tác phát triển Đảng sẽ ngày càng được làm tốt hơn.

PV: Công tác bồi dưỡng, phát triển Đảng với riêng đối tượng sinh viên đã và đang được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

TS Trần Bách Hiếu: Sinh viên là lực lượng có trình độ, là chủ nhân tương lai của đất nước nên quá trình phát hiện, bồi dưỡng các em trở thành những hạt nhân ưu tú vừa "hồng", vừa "chuyên" là vô cùng quan trọng.

Thời gian qua, các trường đại học, cao đẳng đã có rất nhiều hoạt động đặt sinh viên ở vị trí trung tâm, đặc biệt thông qua tổ chức đoàn thanh niên, hội sinh viên, tạo môi trường phát triển toàn diện cho lực lượng này. Qua đó phát hiện, bồi dưỡng những đoàn viên-sinh viên ưu tú giới thiệu kết nạp vào Đảng. Qua quan sát của tôi, cụ thể là ở ĐHQGHN, các hoạt động như: Tuần sinh hoạt công dân-sinh viên, giáo dục truyền thống, chào tân sinh viên, cho đến tất cả ngày kỷ niệm, các chương trình, sự kiện được tổ chức rất bài bản, thường xuyên. Thông qua các hoạt động cũng như qua các bài giảng của thầy cô giáo đều lồng ghép giúp sinh viên có môi trường lành mạnh để học tập, phấn đấu, có đạo đức, có tri thức, có lý tưởng.

PV: Từng là Bí thư Đoàn nhiều năm, cũng là giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị và qua kinh nghiệm thực tiễn, theo đồng chí, công tác giáo dục, bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho sinh viên đang đặt ra những vấn đề gì?

TS Trần Bách Hiếu: Tôi muốn kể một câu chuyện thực tế từ công việc của tôi thế này. Tôi đã tham gia giảng dạy những lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và một câu hỏi tôi đã đặt ra trước khi giảng dạy, đó là: “Trong các bạn ở đây, có bạn nào thực sự bị động, chưa muốn đi học nhưng vì có tên trong danh sách được cử mà phải đi?”. Vậy mà, trung bình mỗi một lớp tôi dạy sẽ có khoảng 10% sinh viên trả lời chưa thực sự muốn tham gia lớp học với những lý do khác nhau.

Mục đích khi tôi đặt ra vấn đề như thế là làm thế nào để sau khóa học bồi dưỡng nhận thức về Đảng, các bạn sinh viên sẽ thực sự có hiểu biết đúng đắn về Đảng, rồi mới tin yêu Đảng, muốn đi theo Đảng, đặc biệt ở 10% sinh viên chưa thực sự muốn tham gia lớp học trước đó. Chính vì thế, cần phải thay đổi cách làm để tất cả sinh viên thực sự có nhu cầu tự thân, tự nguyện tham gia tìm hiểu về Đảng. Như tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhiều năm qua tổ chức các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng rất chất lượng, trước hết lựa chọn sinh viên là đoàn viên ưu tú phải dựa trên tinh thần tự nguyện rồi mới xét đến những yếu tố khác như thành tích học tập, tham gia hoạt động đoàn-hội, sự tín nhiệm...

Và một điều nữa cũng rất cần được quan tâm là ở người giảng dạy. Tôi cho rằng, công tác giáo dục chính trị nói chung cũng như công tác bồi dưỡng nhận thức về Đảng nói riêng bên cạnh việc cần các thầy, cô phải thực sự có bản lĩnh chính trị, trình độ sư phạm với cách truyền đạt hấp dẫn còn cần phải là tấm gương về đạo đức cách mạng, lối sống. Bởi đây là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, cần có các thầy, cô giáo không chỉ có tài mà cần thực sự có tâm, có tầm mới giảng dạy, chia sẻ, thuyết phục được người học.

PV: Trong bối cảnh hiện nay khi hình thức học tập cũng như môi trường số tác động rất nhiều tới suy nghĩ, tình cảm của sinh viên, chúng ta cần thay đổi trong cách tiếp cận với sinh viên như thế nào, thưa đồng chí?

TS Trần Bách Hiếu: Trong thời đại số, sinh viên tiếp xúc nhiều với thế giới mạng và hàm chứa trong đó rất nhiều điều khó kiểm soát. Nếu như trước đây, khi mạng xã hội chưa thực sự phát triển, thông qua các hoạt động văn nghệ, tình nguyện, nghiên cứu khoa học, học tập ngoại khóa trực tiếp, thông qua các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm, chúng ta có nhiều điều kiện để nắm bắt cũng như quản lý sinh viên về mọi mặt. Còn hiện nay, rất nhiều hoạt động thực hiện trực tuyến trên không gian mạng dẫn đến khó nắm bắt, quản lý sinh viên, nhất là các vấn đề về tư tưởng, lối sống. Mà sinh viên là đối tượng thường bị các thế lực thù địch nhắm đến để lôi kéo vì họ chưa thật sự trưởng thành. Điều đó đòi hỏi cán bộ đoàn ở các nhà trường không chỉ làm việc mang tính chất trực tiếp ở trường, lớp, mà còn phải biết tương tác trên không gian mạng để nắm bắt tư tưởng, nhu cầu, tâm lý của thanh niên, sinh viên thường xuyên, kịp thời. Từ đó có phương pháp định hướng, tổ chức hoạt động phù hợp.

Bên cạnh đó, vấn đề quản lý đảng viên cũng như đoàn viên ưu tú đã học cảm tình Đảng cần phải sát sao, thiết thực hơn nữa. Ví dụ sinh viên sau khi học cảm tình Đảng, chi bộ phải phân công đảng viên hướng dẫn, bồi dưỡng để sinh viên phát triển, hoàn thiện bản thân.

leftcenterrightdel

Sinh viên Thủ đô Hà Nội biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (tháng 12-2024). Ảnh: PHƯƠNG HÀ 

PV: Theo đồng chí, trong việc giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị nói chung, về Đảng nói riêng cho sinh viên hiện nay cần phải quan tâm đến những vấn đề gì?  

TS Trần Bách Hiếu: Với nhiều năm tham gia công tác đoàn, tôi thấy rõ sự khác biệt giữa các bạn trẻ hiện nay so với 5, 10 năm trước. Chẳng hạn các hoạt động, tuyên truyền về quyền lợi, trách nhiệm khơi gợi đam mê, lý tưởng của thanh niên trước đây khá dễ, nhưng ở hiện tại không dễ chút nào. Cần phải thay đổi cách tiếp cận trong giáo dục, rèn luyện sinh viên để đi vào thực chất, hiệu quả bằng cách thay đổi phương pháp tổ chức, lồng ghép khéo léo các quan điểm, chủ trương của Đảng, làm cho sinh viên có trình độ, bản lĩnh, sức đề kháng nhận diện và chống lại hiệu quả những quan điểm sai trái, thù địch. Điều này chúng ta đã và đang thực hiện nhưng cần phải có những chiến lược cụ thể hơn nữa đối với phát triển Đảng trong bối cảnh hiện nay.

Muốn vậy, không phải chỉ bằng băng rôn, biểu ngữ, khẩu hiệu mà phải làm sao để thu hút, thuyết phục bằng các sản phẩm truyền thông về giáo dục chính trị, tư tưởng, lịch sử, văn hóa dân tộc một cách gần gũi, cuốn hút với người trẻ. Chẳng hạn, chúng ta phải có cách tiếp cận mạnh mẽ, lan tỏa hơn tới sinh viên trên không gian mạng với những KOLs của chính sinh viên. Lực lượng này trước hết phải thực sự thấm nhuần quan điểm, đường lối của Đảng, có sức ảnh hưởng rộng rãi, giỏi về truyền thông, có khả năng nắm bắt xu hướng và đưa thông điệp nhanh chóng, hiệu quả đến người trẻ. Theo tôi, người trẻ giáo dục, truyền cảm hứng cho chính người trẻ sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Chúng ta cần thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là những điều liên quan mật thiết tới sinh viên. Đó cũng chính là những cách làm tốt nhất để cho các bạn ĐVTN, sinh viên tin tưởng, yêu và phấn đấu theo Đảng.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

 DƯƠNG THU - PHƯƠNG NHI (thực hiện)