Phóng viên (PV): Các anh chị có thể chia sẻ về việc ra đời cũng như sự tham gia của anh/chị trong vở nhạc kịch “Khát vọng đỏ”?
Nhạc sĩ ĐỖ BẢO: Từ vài năm trước, Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị (TCCT), khi đó là Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã chia sẻ với tôi về mong muốn làm vở nhạc kịch có tầm vóc tôn vinh hình tượng Bộ đội Cụ Hồ. Cuối năm 2023, hàng loạt hoạt động trong đó có việc xây dựng những tác phẩm văn học, nghệ thuật chào mừng 80 năm thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam được triển khai.
Bắt được xu hướng cũng như yêu cầu, gắn với nhiệm vụ chính trị nhà trường, chúng tôi đã làm việc với Tiến sĩ, nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương xây dựng kịch bản, sau đó được chuyển thể nhạc kịch “Khát vọng đỏ”. Vở diễn mang ý nghĩa đặc biệt, có tầm vóc, quy mô lớn với lối trình diễn sân khấu nhạc kịch mới mẻ, hấp dẫn. Cốt truyện sâu sắc, tính tư tưởng cao, truyền tải thông điệp về mặt xã hội người lính hôm nay trong các mối quan hệ.
Ngoài mang lại cho công chúng, bộ đội món ăn tinh thần thì “Khát vọng đỏ” còn cụ thể hóa chủ trương của Bộ Quốc phòng, TCCT trong việc tăng cường đầu tư sáng tác các tác phẩm âm nhạc có tính tư tưởng cao, giá trị nghệ thuật đặc sắc.
Nhà văn PHẠM THỊ VÂN ANH: Tác phẩm lấy bối cảnh câu chuyện của gia đình Thiếu tướng, GS, TS Hoàng An, nguyên Phó giám đốc Học viện Quân y, với những vấn đề mới nảy sinh trong xã hội hiện đại đầy biến động.
Kịch bản văn học “Khát vọng đỏ” là thể loại tâm lý, sự hiện diện của người lính không nhiều. Với định hướng hướng đến nhiều giai tầng khán giả; kịch bản, lời thoại, âm nhạc đòi hỏi đủ độ chín chạm tới lớp khán giả có trải nghiệm. Đây là nhan đề không dễ giải. Chúng tôi đã xin phép kết cấu lại kịch bản, vẫn giữ được tinh thần hồn cốt và tạo nên các lớp diễn, bằng âm nhạc để nghệ sĩ thể hiện, tỏa sáng qua ca từ trên sân khấu. Và làm thế nào để xây dựng chân dung người lính!
Chúng tôi muốn tôn vinh người lính một cách giản dị nhất, nhẹ nhàng, tình cảm lãng mạn nhưng vẻ đẹp, sự hy sinh thầm lặng đó vẫn được đẩy cao lên để khán giả cảm nhận được bằng rung cảm trái tim trước nhịp điệu, lời thủ thỉ của âm nhạc.
NSƯT ÁNH TUYẾT: Nhạc kịch là môn nghệ thuật có từ lâu trên thế giới, nhưng ở Việt Nam chưa nhiều người biết đến. Đó là bộ môn nghệ thuật sân khấu mà trên đó kể câu chuyện bằng âm nhạc, ngôn ngữ hình thể, diễn xuất của nghệ sĩ; đòi hỏi kỹ năng về chuyên môn cao và kỹ thuật thanh nhạc. Với khán giả Việt, nhạc kịch, nhất là cổ điển còn rất mới mẻ.
Từ vở nhạc kịch đầu tiên “Cô Sao” của Đỗ Nhuận đến nay đã có bước tiến rất lớn nhưng vẫn là loại hình mới, tiếp cận được số ít khán giả và nhiệm vụ của chúng tôi-những nghệ sĩ yêu thích bộ môn này đang làm là đưa nhạc kịch đến gần với khán giả bằng hơi thở của hôm nay.
PV: Việc thực hiện vở nhạc kịch trong thời gian ngắn có những thách thức, khó khăn gì với các anh chị?
Nhà văn PHẠM THỊ VÂN ANH: Việc chuyển thể nhạc kịch từ kịch bản văn học có lẽ cũng là cuộc cách mạng với chính tôi. Đó không đơn thuần là sáng tạo cá nhân mà còn phải thúc đẩy các cá nhân trong tập thể cùng sáng tạo, làm mới mình. Tôi có thuận lợi hơn bởi phần kịch bản cơ bản là sáng tạo độc lập, tôi chỉ tự đấu tranh với mình làm sao cho hay. Ngoài kịch bản tôi còn viết toàn bộ lời ca khúc, phân đoạn hát nói để nhạc sĩ sử dụng lời vào phần âm nhạc thành ca khúc. Chúng tôi phải thống nhất rất kỹ với nhau từng phân đoạn, phân cảnh để có sự đồng điệu.
Nhưng mấu chốt nhất là chúng tôi đều mong muốn tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, tri ân, tôn lên vẻ đẹp người chiến sĩ, vì thế, chúng tôi dễ gặp nhau, dù có lúc xung đột, tranh luận gay gắt. Chúng tôi cũng luôn nghĩ “Khát vọng đỏ” không chỉ thể hiện khát vọng của người lính mà của cả chúng tôi, những văn nghệ sĩ luôn muốn cống hiến cho khán giả những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao.
|
|
Cảnh trong vở nhạc kịch "Khát vọng đỏ". Ảnh: THÚY HÀ |
Nhạc sĩ ĐỖ BẢO: Thời gian viết một vở nhạc kịch với tầm vóc quy mô như thế thường cần 2-3 năm, nhưng anh em tôi có 4 tháng viết xong phần âm nhạc để các thành phần khác làm việc, tập luyện. Đây quả là giai đoạn làm việc đáng nhớ nhất của tôi, không kể đêm, ngày để xong hơn 1.000 trang tổng phổ. Cùng với đó, ngôn ngữ âm nhạc cho vở nhạc kịch này cũng là một thách thức chuyên môn lớn.
Tôi muốn hạn chế sự hô hào, tăng lên âm nhạc mang tính cảm xúc, đời hơn, gần gũi hơn, hướng đến cả khán giả ngoài Quân đội, nhất là giới trẻ, làm sao cho âm nhạc có màu sắc đương đại, hấp dẫn, giao thoa quốc tế, pha trộn âm nhạc đang thịnh hành, có thể nói lên tâm tư con người hôm nay. Vì thế khán giả sẽ thấy những đoạn âm nhạc hành khúc nhưng mang màu sắc hiện đại. Có thể nói, đây là cơ hội cho tôi được chia sẻ, đóng góp cho tác phẩm tôn vinh đồng đội, cũng là cơ hội nghề nghiệp hiếm hoi của tôi.
NSƯT ÁNH TUYẾT: Kịch bản ban đầu gần như không thấy sự xuất hiện của người lính, nhưng càng làm, càng đào sâu suy nghĩ tôi nhận thấy tác giả có lý do khi không để sự xuất hiện của người lính quá nhiều. Có người nghĩ thời bình đâu cần bộ đội nhưng thực tế sau sự bình yên ấy là hy sinh thầm lặng của các anh hằng ngày. Vì thế, chúng tôi đi vào những câu chuyện rất dung dị, đời thường của gia đình, vợ chồng, trong vòng xoáy cuộc sống, thông qua đó làm nổi lên hình ảnh phía sau, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong quá khứ và hiện tại.
Việc phối hợp giữa âm nhạc cổ điển và hiện đại, giữa một dàn nhạc cổ điển thính phòng và dàn nhạc điện tử cũng là một thách thức lớn. Bởi có nhiều nghệ sĩ là ca sĩ trình diễn chưa từng diễn xuất, vào vai nên bản thân các nghệ sĩ đã phải vượt qua chính mình. Chúng tôi cũng phải tìm hiểu, đáp ứng lẫn nhau theo đúng cách họ mong muốn để điều chỉnh cách diễn cho hợp lý nhất.
PV: Đâu là điều các anh chị tâm đắc, muốn gửi gắm qua tác phẩm này?
NSƯT ÁNH TUYẾT: Vở nhạc kịch thành công là kết quả sau cả quá trình làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của các nghệ sĩ. Chúng tôi mong sân khấu nhạc kịch có nhiều người đến hơn, để chúng tôi được thỏa sáng tạo đam mê giới thiệu tới khán giả những tác phẩm mới. Với riêng tôi, thành công nhất chính là đã vượt qua thử thách những “lần đầu tiên” khi làm tác phẩm “Khát vọng đỏ”. Là cựu sinh viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, trong tôi luôn giữ tinh thần một nghệ sĩ-chiến sĩ. Quãng đường nghệ thuật của mình, tôi mong sẽ được sáng tạo thêm nhiều tác phẩm tri ân bộ đội, bởi dù thời nào các anh cũng là hình ảnh luôn được nhân dân yêu mến, trân trọng.
Nhà văn PHẠM THỊ VÂN ANH: Tôi rất thích nhân vật Hoàng Sơn trong vở diễn. Hoàng Sơn đại diện thế hệ thanh niên mới của đất nước, được sinh ra lớn lên trong hòa bình, hưởng nền giáo dục ưu tú, có trách nhiệm, nỗ lực vươn lên học giỏi, được đi du học. Và dù có nhiều lời mời hấp dẫn ở nước ngoài nhưng anh vẫn trở về nước. Ở nhân vật này có sự bốc đồng tuổi trẻ, có tham vọng, khát vọng tạo lập giá trị mới. Ban đầu, anh cho rằng những giá trị gia đình quân nhân mà bố anh theo đuổi, cống hiến là cũ kỹ, anh muốn bứt phát ra khỏi khuôn khổ đó. Nhưng khi được thấm thía giá trị Bộ đội Cụ Hồ, anh hiểu những điều ấy thật lớn lao, hơn cả giá trị vật chất tầm thường và đã quyết định nhập ngũ, tiếp bước cha ông. Qua Hoàng Sơn, tác phẩm muốn gửi gắm rằng, dù còn có lúc này, lúc khác nhưng chúng ta hãy tin tưởng vào thế hệ thanh niên hôm nay. Các em có tri thức, có ý thức trách nhiệm cao, mỗi người mỗi cách, ở các lĩnh vực khác nhau nhưng chỉ cần Tổ quốc cần, các em sẵn sàng gánh vác, là điểm tựa tin cậy của dân tộc.
Nhạc sĩ ĐỖ BẢO: Chúng tôi đã nương vào truyền thống cha anh, chiến công và câu chuyện có thật để làm vở nhạc kịch, như một sự tri ân thế hệ cha anh và đồng đội đang công tác trên khắp mọi miền Tổ quốc. Tôi tự hào mang trên mình bộ quân phục và muốn nói rằng, những chiến sĩ văn hóa luôn kề vai sát cánh với đồng đội trên các mặt trận, và mong qua những tác phẩm để góp thêm tiếng nói, tô đậm thêm bức tranh về người lính Cụ Hồ hôm nay.
PV: Trân trọng cảm ơn các anh chị!
DƯƠNG THU (thực hiện)