Những ngày kháng chiến chống Mỹ, tôi ở cùng Đại đội 6 với anh. Lúc tôi vào đơn vị thì anh đang là Tổ trưởng Tổ nuôi quân của đại đội. Một đồng đội, một người anh nhập ngũ trước tôi 4 năm, dáng người dong dỏng, gầy nhưng khỏe và nhanh nhẹn. Anh có nụ cười rất hiền và thân thiện, nói vừa đủ. Điều đặc biệt khiến tôi chú ý tới anh vì anh là một trong hai người lính mù chữ của đại đội. Tất cả đều do nhà nghèo, cha mẹ mất sớm, là con cả phải lo nuôi hai em nên chịu cảnh thất học. Mù chữ nhưng cái chất và bản lĩnh con người thì anh Kĩnh chẳng thua kém ai. Lúc tôi vào đơn vị thì anh Kĩnh đã có thâm niên 4 năm làm anh nuôi rồi.

Trong chiến trường mấy khi được ở hậu cứ. Ra tuyến trước cũng chuyển địa điểm tác chiến liên tục. Những khi ấy bếp ăn được chia ra, mỗi anh nuôi đi theo một trung đội. Tất cả mọi thứ của anh nuôi, từ ba lô đến soong nồi đưa lên vai gánh. Đi trong rừng rậm, lên xuống dốc và lội qua suối sâu liên tục, gánh gồng vất vả hơn rất nhiều so với lính tráng chúng tôi đeo ba lô, vác súng. Bữa cơm phổ biến chỉ có cơm và muối vừng. Gọi là muối vừng cho sang chứ có khi cả năm mới có một lần là muối lạc thật, còn toàn là muối rang không, mà có đủ muối ăn cũng đã là quý rồi. Lúc ở hậu cứ, chúng tôi còn đi cải thiện kiếm ít rau rừng chứ khi luồn sâu, chốt giữ hay lùng sục thì chịu. Cũng có khi rau do anh nuôi kiếm. Anh nuôi phải là người tháo vát, nhanh và chịu khó, lại thương lính thì mới có rau. Đó là khi anh Kĩnh vặt vội được nắm rau tàu bay, mớ lá chua rừng nấu canh hay bẻ được mấy cái hoa chuối rừng ven suối làm nộm. Đáng nể nhất mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn phục anh Kĩnh là khi hành quân dưới trời mưa tầm tã trong rừng, đoạn dừng chân, trong lúc chúng tôi ướt lướt thướt, cóm róm che tấm ni-lông cho bớt mưa thì chỉ một giờ sau, anh Kĩnh đã nấu xong cơm nóng và canh lá chua cho đơn vị. Một mình căng tấm tăng, đào bếp kiểu "nửa Hoàng Cầm" và kiếm được củi khô giữa rừng để nhóm bếp nấu cơm. Củi được tìm từ những cây khô chết đứng trong rừng, chặt chẻ ra lấy lõi khô ở giữa nhóm bếp, những mảnh củi ướt thì xếp xung quanh cho khô dần...

Sau này khi Trung đoàn 9 chúng tôi chuyển hướng chiến trường về B3 Tây Nguyên, anh Kĩnh được đưa lên làm anh nuôi cho tiểu đoàn bộ. Vào thời điểm ấy, nhiều người cùng nhập ngũ với anh đều được ra quân. Không biết tiểu đoàn trưởng "gạ" bùi tai thế nào mà anh Kĩnh đồng ý vẫn ở lại đơn vị và theo về chiến trường B3, ở thêm một thời gian nữa rồi mới ra quân, sau khi miền Nam giải phóng.

Mới đây, chúng tôi về thăm nhà anh Kĩnh ở thôn Đại Sơn, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ngày xưa rất quý mến anh, ngày nay tôi lại càng cảm phục và kính nể anh vô cùng khi nghe những câu chuyện về anh sau khi xuất ngũ. Bây giờ anh vẫn không biết chữ, có không ít hạn chế vậy mà làm được rất nhiều thứ. Nếu anh mà biết chữ, tôi nghĩ, "thì sự anh hùng há bấy nhiêu?".

Anh Kĩnh ra quân cuối năm 1975, lúc Trung đoàn 9 chúng tôi lên Buôn Ma Thuột làm nhiệm vụ tiễu trừ FULRO. Hành trang lúc trở về nhà của anh sau hơn 8 năm quân ngũ thật quá đơn sơ. Không có khung xe đạp, chẳng có đài hay đồng hồ lẫn con búp bê biết nhấp nháy mắt và khóc "oe oe"... Vài chục đồng tiền đủ loại từ các khoản được thanh toán ra quân là số tiền ban đầu mà anh Kĩnh đem về làm kế sinh nhai.

Ở quê nhà, anh Kĩnh chỉ còn hai người em trai đã có gia đình riêng, ở trên mảnh đất cũ từ thời các cụ để lại, diện tích chưa được trăm mét vuông. Ở nhà thời gian ngắn, anh quyết định xin một góc đầm xa phía ngoài thôn. Ngày đó ở xã anh có cái đầm nước bỏ hoang rất to, cỏ lác và lau lách mọc um tùm. Nó chẳng nông, cũng không sâu nên chẳng trồng cấy gì được, mà thả cá cũng không xong. Nơi ấy lại liền khu nghĩa địa của xã nên heo hút và lạnh lẽo đến rợn người lúc đêm đông. Làm đơn xin khai hoang là xã đồng ý ngay. Thế là ngày ngày anh đào đắp, vượt đất dưới đầm để vừa có đất làm nền nhà, vừa khơi sâu một góc đầm thành ao. Anh còn chịu khó đào đất ở mấy cái gò mả phía xa chở về. Cơm ăn thì giật tạm nhờ gia đình hai người em, hoặc thỉnh thoảng đi làm thuê kiếm chút tiền. Gian nan như vậy mất mấy năm, anh Kĩnh cũng có được mảnh đất cạnh đầm, rộng đến mấy trăm mét vuông, cất tạm căn nhà tre làm chỗ che thân. Rồi anh cũng lấy vợ, một cô gái nghèo trong làng nhưng chịu thương chịu khó.

Anh Kĩnh kể, cái gian nan, vất vả bây giờ nhìn lại thấy nó ghê lắm, nhưng ngày ấy vợ chồng cứ lao vào mà làm, chẳng kể gì. Có nhà, có đất rồi thì làm vườn, trồng rau. Anh không nhận đất ruộng của xã để cấy lúa theo nhân khẩu như người khác, dù anh có đủ tiêu chuẩn là người gốc địa phương, lại hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về. Anh không làm ruộng mà vẫn tiếp tục xin xã khai khẩn vùng đầm hoang. Lúc ấy nơi này tít ngoài rìa làng, vẫn hoang vu, toàn đỉa và muỗi nên cũng chẳng ai muốn mò ra đấy. Anh Kĩnh trồng rau, bắt tôm, bắt cá kết hợp với vợ chịu khó chạy chợ, cuộc sống cũng đủ để lần hồi qua tháng qua ngày. Rồi cuộc sống khá dần lên. Có thể là trời cũng thương anh, nên cái đầm nước cạnh nhà có rất nhiều tôm tép và các loại cá tự nhiên. Sau một thời gian đánh bắt tép đem bán hằng ngày ngoài chợ huyện, anh nghĩ ra cách khác hiệu quả hơn, đó là làm mắm tép. Anh đi học nghề, rồi mày mò tìm hiểu và thử thêm mọi cách theo truyền thống dân gian. Cuối cùng, anh Kĩnh đã thành công với sản phẩm mắm tép đồng. Mắm tép của anh bán ra khắp tỉnh và các vùng lân cận.

leftcenterrightdel
Anh Phạm Công Kĩnh (ngoài cùng, bên phải) và tác giả (ngoài cùng, bên trái) cùng đồng đội tại nhà riêng. Ảnh: CÔNG VŨ    

Khi tôi đến thăm thì anh đã có một cơ ngơi mà nhiều người mơ ước. Anh Kĩnh có 3 người con, 2 trai 1 gái, tất cả đều đã có gia đình riêng. 3 ngôi nhà xây 3 tầng với đầy đủ tiện nghi hiện đại của 3 bố con anh nằm quây lấy nhau thành một quần thể đủ cả sân vườn trên một khu đất rộng vài trăm mét vuông. Đầm nước vẫn còn, nhưng mép nước đã bị san lấp và lùi ra rất xa mấy ngôi nhà của anh. Đại gia đình anh có cả một xưởng làm mắm tép nổi tiếng khắp vùng Kinh Bắc. Con trai lớn của anh còn mở đại lý bán hàng ở Hà Nội. Anh bảo, ngày trước cái đầm nước ở xã tép nhiều vô kể, đánh bắt làm mắm quanh năm không hết. Nay nguồn thủy sản đó cũng vơi, con anh phải đặt nguồn tép tận Hà Nam về để làm mắm mới đủ.

Vẫn khuôn mặt gầy gầy, đen đen của một lão nông, nhưng nụ cười của anh thì thật rạng rỡ. Anh Kĩnh pha trà, ấm trà đặc và ngon. Chén trà uống chát nhưng một lúc lại thấy ngọt giọng. Anh Kĩnh vẫn thích uống trà đặc, dù ngày xưa trong chiến trường phải tự hái búp và sao chè, và không phải lúc nào cũng có. Nhưng cứ khi nào có là pha đặc chứ không uống loãng. Người không quen, uống trà anh Kĩnh pha phải mất ngủ tới hai đêm liền. Nhìn bộ ấm chén của anh Kĩnh là loại gốm sứ Bát Tràng rất đẹp. Chợt nhớ ra, tôi hỏi anh: 

      - Anh bây giờ đã biết uống cà phê chưa?

      - Chưa, và anh vẫn không thích uống cà phê.

Ra thế. Cà phê là thứ đồ uống tự kiếm quý như chè của lính. Trong khi người đồng hương của anh là quản lý Thiết uống cà phê thành thần thì anh Kĩnh khi đó không bao giờ đụng đến một giọt. Bây giờ vẫn vậy. Con người ta đúng là mỗi người một vẻ và có khi đặc biệt như vậy.

Anh Kĩnh chỉ kể chuyện gây dựng cuộc sống và nói chuyện ngày hôm nay. Chúng tôi khen tài anh nuôi của anh, anh bảo: Anh chỉ làm anh nuôi, quanh năm cơm nước cho chúng mày đánh nhau, ngoài ra có làm gì khác đâu... Anh không tự kể chuyện, nhưng khi tôi nhắc lại chuyện xưa thì cái gì anh cũng nhớ. Vùng đất nào, hậu cứ nào có cái gì hay, anh đều không quên. Từ chuyện anh nhặt hạt dẻ về rang và chia cho tôi đến lần đầu tiên anh cho tôi ăn món chả rắn rồi đố là thịt gì mà tôi đoán mãi không ra, anh đều nhớ cả. Lúc ấy anh cười rất hiền lành và nét mặt chợt trẻ lại hệt như hồi còn ở chiến trường.

Có chuyện này anh Kĩnh không kể, mà là Đại đội trưởng Chèo, người cùng thôn với anh Kĩnh nói lại. Do đi lên từ cái nghèo với hai bàn tay trắng nên anh Kĩnh rất thương người và đồng cảm với những đồng đội CCB trong thôn. Chỉ làm hội viên Hội CCB, nhưng khi đã có chút kinh tế, anh Kĩnh rất nhiệt tình trong việc đóng góp giúp đỡ hội viên còn khó khăn. Không chờ vận động mà khi thấy đồng đội khó khăn, anh chủ động đề nghị cả chi hội giúp đỡ, trong đó phần anh giúp bao giờ cũng nhiều hơn. Ngay cả sau này, khi địa phương làm con đường liên xã qua cạnh khu đầm dẫn đến khu công nghiệp mới trong huyện, anh Kĩnh trả lại cả khu đầm đã khai hoang, kể cả một khu đất rộng do anh bồi đất đắp nhiều năm để xã làm nhà văn hóa và vườn hoa, sân chơi cho thiếu nhi. Anh cũng đóng góp một phần tiền đáng kể vào các công trình công cộng đó. Về chơi nhà anh, nghe tôi tỏ lời thán phục, các anh CCB ở đó cười vang: "Đến chúng tao cũng cảm phục và trân trọng, nói gì tới chúng mày".

Lúc chia tay, anh Kĩnh tặng tôi hai chai mắm tép đỏ au đựng trong vỏ chai Lavie loại nhỏ. Anh bảo mày muốn ăn kiểu gì thì tùy, còn yên tâm về chất lượng. Mắm tép anh làm càng để lâu càng ngon nhé. Tôi đem về, đến mùa đông lấy mắm tép ra chưng với thịt ba chỉ thái hạt lựu và hành khô thì ăn tốn cơm quá. Chỉ món đó thôi mà tôi ăn tới 4 bát cơm, gần bằng với thời ăn trong lính lúc đủ đầy. Ăn và lại nghĩ đến anh Kĩnh.

Có đủ mọi thứ, đủ điều kiện nhưng trông anh vẫn rất giản dị. Nếu lần ấy anh không đưa về nhà chơi, thì tôi không thể nghĩ rằng cuộc sống của anh đã khá như vậy. Anh vẫn dùng chiếc điện thoại "con dế" hiệu Nokia, sau này ngẫm ra, tôi mới nhớ là anh vẫn chưa biết chữ. Thế thì dùng chiếc điện thoại thông minh cũng bằng thừa, có khi còn khó sử dụng nữa là khác. Nhưng như vậy cũng chẳng sao. Chiếc điện thoại chẳng qua chỉ là phương tiện dùng để liên lạc với người khác thôi mà. Nhìn anh cầm cái điện thoại "con dế" ấy, thấy nó gần gũi với anh, gần với hình ảnh "anh Kĩnh anh nuôi" một thời trong lòng tôi hơn.

Nhà văn VŨ CÔNG CHIẾN