Từ “cây sáng kiến” ở  Tây Nguyên...

Cuối năm 2010, tôi được Ban biên tập Báo Quân đội nhân dân cử đi công tác ở Sư đoàn 470-sư đoàn đầu tiên của Quân đội ta từ một đơn vị anh hùng trong chiến đấu trở thành đơn vị anh hùng trong lao động sản xuất. Sư đoàn có tên gọi là Công ty Xây dựng 470 đứng chân tại Tây Nguyên. Vào thời điểm trước năm 2010, có rất nhiều công trình xây dựng ở Tây Nguyên mà các doanh nghiệp ngoài Quân đội "sợ" không dám thi công, thậm chí “bỏ của chạy lấy người”. Những công trình như vậy được địa phương “giao lại” cho Sư đoàn 470 đảm nhiệm và đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, điển hình là Nhà máy Thủy điện Đray H'linh ở Đắk Lắk.

Tại Đại hội Thi đua Quyết thắng của Sư đoàn 470 năm ấy, tôi ấn tượng nhất với bản báo cáo thành tích của Đại úy Nguyễn Hữu Ngọc, Trưởng phòng Quản lý kỹ thuật thi công. Không chỉ vì người báo cáo có cấp bậc quân hàm thấp lại đảm nhiệm chức vụ cao mà là phong thái đĩnh đạc, giọng nói khúc chiết của người cán bộ trẻ này. Đến khi ra hiện trường thi công, tôi còn ngạc nhiên hơn bởi anh Ngọc đọc vanh vách các số liệu kỹ thuật của từng hạng mục công trình thủy điện mà không cần dùng đến sổ sách. Đồng đội của Nguyễn Hữu Ngọc ở Sư đoàn 470 năm ấy gọi anh là “cây sáng kiến” bởi anh đề xuất rất nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật và được áp dụng trong thi công, mang lại hiệu quả cao về kinh tế cho đơn vị và ý nghĩa xã hội lớn.

Trò chuyện với Nguyễn Hữu Ngọc, tôi còn được biết, anh sinh ra và lớn lên ở một vùng đất nổi tiếng kiên cường trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, đó là xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cạnh đường Trường Sơn huyền thoại. Cự Nẫm được mệnh danh là “làng chiến đấu kiểu mẫu” và cũng là một trong số rất ít địa phương của Việt Nam được hai lần tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau chuyến công tác đó, tôi đã viết bài về gương điển hình tiên tiến Nguyễn Hữu Ngọc, đăng trên Báo Quân đội nhân dân. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn sau khi đọc được bài viết này, ông gọi điện ngay cho Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung, Tư lệnh Binh đoàn 12 thời đó đề nghị xác minh lại bài báo, nếu đúng thì Binh đoàn nên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Nguyễn Hữu Ngọc.

Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung là người thận trọng, ông chủ động gọi điện cho tôi hỏi về quá trình lấy tư liệu viết bài, đồng thời yêu cầu Sư đoàn 470 kiểm tra xác minh, rồi đích thân Tư lệnh vào Tây Nguyên gặp Nguyễn Hữu Ngọc. Sau đó, ông báo cáo lại với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên rằng, bài báo viết đúng, Nguyễn Hữu Ngọc là "cây sáng kiến" và là cán bộ kỹ thuật có phẩm chất, năng lực tốt của Sư đoàn 470.

... đến một Tư lệnh năng động, quyết đoán

Sau cuộc kiểm tra của Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung, Tư lệnh Binh đoàn 12 tại Sư đoàn 470 năm ấy, Nguyễn Hữu Ngọc được điều động ra Hà Nội, đảm nhận trọng trách Phó trưởng phòng Kinh tế-Kỹ thuật của Binh đoàn 12. Đây là phòng chủ lực của Binh đoàn trong việc tìm kiếm việc làm, đấu thầu xây lắp, xây dựng phương án, giải pháp kỹ thuật thi công. Tôi đã được đi cùng anh nhiều chuyến công tác ở Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long... Khác với nhiều cán bộ kỹ thuật ở các cơ quan có thói quen chỉ đạo bằng “định hướng”, anh Ngọc luôn có mặt tại thực địa. Ở Thủy điện Bản Chát (Lai Châu), tôi thấy kỹ sư Nguyễn Hữu Ngọc chỉ từng chi tiết cho người công nhân buộc cốt thép để đúc bê tông. Tại công trường nâng cấp Quốc lộ 1, có lần tôi chứng kiến anh tranh luận quyết liệt với kỹ sư tư vấn giám sát. Sau đó vị kỹ sư già bắt tay kỹ sư trẻ và phải thừa nhận anh Ngọc đã đúng.

 Vừa làm vừa tranh thủ học, Nguyễn Hữu Ngọc đã làm luận văn thạc sĩ rồi nghiên cứu sinh, trở thành tiến sĩ. Tôi luyện qua thực tiễn và được đào tạo khá bài bản, Nguyễn Hữu Ngọc trở thành trưởng phòng trẻ nhất của khối cơ quan binh đoàn, rồi Phó tư lệnh Binh đoàn 12. Tháng 3-2020, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký quyết định bổ nhiệm Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc giữ chức Tư lệnh Binh đoàn 12, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, khi đó anh mới 45 tuổi .

Vẫn với tác phong xông xáo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám đổi mới sáng tạo, vị tư lệnh trẻ tuổi này luôn có mặt tại những công trình trọng điểm, cùng với tập thể Đảng ủy, chỉ huy các đơn vị tháo gỡ khó khăn để đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc thăm và làm việc với Hội truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam (tháng 7-2023). Ảnh: TRƯỜNG SƠN 

Đầu năm 2023, tôi cùng đoàn công tác của Binh đoàn 12 do Tư lệnh Nguyễn Hữu Ngọc dẫn đầu đến kiểm tra tiến độ thi công các công trình trọng điểm ở miền Trung và dự lễ phát động thi đua chào mừng kỷ niệm 64 năm Ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn anh hùng (19-5-1959 / 19-5-2023). Điều gây ấn tượng đối với chúng tôi không phải là phần “chính lễ” ký kết giao ước thi đua mà lại là phần khảo sát tại công trường trước khi phát động thi đua. Tại đây, Tư lệnh Nguyễn Hữu Ngọc cùng Đại tá Vũ Phúc Hậu, Bí thư Đảng ủy, Phó tư lệnh Binh đoàn 12, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã đi dọc tuyến, nghe Thượng tá Lê Đức Hào, Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 2 cùng các nhà thầu báo cáo về tiến độ, những khó khăn, “điểm nghẽn” và đề xuất các giải pháp, kiến nghị... trên công trường.

Tất cả ý kiến, đề xuất, kiến nghị và các “điểm nghẽn” đó đã được bổ sung ngay vào nội dung báo cáo chỉ tiêu thi đua. Chính vì thế mà buổi lễ phát động thi đua tại công trường không hề có pa-nô, khẩu hiệu lớn, không có văn nghệ chào mừng nhưng lại đem đến những kết quả thiết thực, hiệu quả. Phát biểu của Tư lệnh Binh đoàn và đại diện các cơ quan, đơn vị đều rất ngắn gọn, tập trung vào việc thi đua tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự hợp tác để xây dựng công trình có tiến độ thi công nhanh nhất, chất lượng tốt nhất và đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Tư lệnh Binh đoàn yêu cầu các cơ quan, đơn vị sau “phát” phải thường xuyên “động”, có khen, có thưởng, có phạt. Bộ tư lệnh Binh đoàn giao cơ quan chính trị theo dõi thường xuyên phong trào thi đua, đề xuất các hình thức khen thưởng phù hợp. Riêng Tư lệnh Binh đoàn sẽ có hình thức khen thưởng đột xuất dành cho các tập thể, cá nhân làm tốt nội dung thi đua cũng như xử phạt nếu chưa làm tốt.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc rất ngại nói về thành tích của bản thân, nhưng theo ý kiến của Đại tá Vũ Phúc Hậu, Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 12, nhờ sự năng động, sáng tạo và quy tụ sự đoàn kết của người chỉ huy mà hai năm qua, tốc độ tăng trưởng của Binh đoàn có sự bứt phá rất mạnh. Giá trị sản xuất, doanh thu, giá trị công trình trúng thầu xây lắp và tiền lương bình quân của người lao động năm 2022 tăng từ 10 đến 25% so với năm 2021. Nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của Binh đoàn hoàn thành xuất sắc...

Kế tục xứng đáng truyền thống Bộ đội Trường Sơn

Nhiều lần cùng Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, lần nào tôi cũng được chứng kiến sự trân trọng quá khứ, sự tri ân với những anh hùng liệt sĩ và lời hứa danh dự phải kế tục xứng đáng truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng của anh.

 Tâm sự với tôi, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc cho biết, trên thị trường xây lắp hiện nay, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn tham gia một cách bình đẳng, đúng pháp luật. Thực tế các chủ đầu tư dự án ở các bộ, ngành, địa phương khi lựa chọn nhà thầu cũng không có sự phân biệt, ưu ái nào giữa doanh nghiệp Quân đội hay dân sự. Ai đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, tài chính thì được chọn. Nhưng truyền thống của Bộ đội Trường Sơn anh hùng đã cho doanh nghiệp một thương hiệu vô giá. Chủ đầu tư và các đối tác luôn tin tưởng bởi tính kỷ luật và quyết tâm cao trong lao động, sản xuất của doanh nghiệp Quân đội. Chính bằng kỷ luật nghiêm minh cộng với dân vận khéo ở những địa bàn đơn vị đứng chân giúp Binh đoàn 12-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn giải quyết nhanh, gọn những việc khó liên quan đến giải phóng mặt bằng và tiến độ thi công nhiều dự án. Dần dà những yếu tố đó đã tạo thành nét riêng thương hiệu “Trường Sơn”, một sự thuyết phục rất tự nhiên đối với các chủ đầu tư dự án. Bên cạnh đó, Binh đoàn vẫn mang mô hình tổ chức của một đơn vị Quân đội nên khi cấp trên yêu cầu nhiệm vụ đột xuất đơn vị đều sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ như phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn...

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc kể với tôi, vào thời điểm đầu Xuân Quý Mão 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đến thăm công trường thi công và Trung tâm điều hành thi công dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Cần Thơ-Hậu Giang của Binh đoàn 12. Tại đây, Thủ tướng làm việc trực tuyến với 7 điểm cầu ở trụ sở chính của Binh đoàn 12 và các điểm cầu tại những công trường trọng điểm mà đơn vị đang thi công. Sau khi nghe các điểm cầu báo cáo tình hình trực chiến đấu, lao động của đơn vị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương tinh thần lao động của Binh đoàn, xứng đáng với truyền thống của Bộ đội Trường Sơn anh hùng, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Thủ tướng ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của Binh đoàn 12, đồng thời mong muốn các đơn vị của Binh đoàn phát huy tinh thần “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”, tiếp tục thi công các công trình bảo đảm chất lượng, vượt tiến độ, bảo đảm kỹ-mỹ thuật; bảo vệ cảnh quan môi trường; thắt chặt tình quân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, người lao động...

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị của Binh đoàn 12 đã tập trung máy móc, trang thiết bị hiện đại, tổ chức thi công hợp lý, bảo đảm tiến độ những công trình trọng điểm quốc gia, bảo đảm an toàn tuyệt đối, được các chủ đầu tư khen ngợi. Các đơn vị còn làm tốt công tác dân vận, giúp đỡ nhân dân địa phương nơi đóng quân, góp phần tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận lao động sản xuất.

ĐỖ PHÚ THỌ