Ông là người dân tộc Tày, sinh ra từ miền núi Cao Bằng nhưng Trung đoàn 95 (Sư đoàn 2, Quân khu 5) là đơn vị ông gắn bó sâu nặng gần 20 năm từ khi là trung đội phó đến trung đoàn trưởng. Và Gia Lai, Kon Tum là vùng đất ông lăn lộn chiến đấu suốt 10 năm trong quãng đời trận mạc.

Sau khi đánh địch ở A Sầu, giải phóng một vùng đất rộng lớn tây Thừa Thiên, đơn vị ông được lệnh hành quân vào Tây Nguyên. Lúc này là tháng 6-1966. Trung đoàn nhận lệnh của Bộ tư lệnh Mặt trận B3 chuẩn bị đánh quân địch nống ra càn quét vùng Đi-na-mô, phía bắc sông Ia Drăng, Gia Lai. Trận thử sức đầu tiên ở đây, không chỉ chiến đấu cùng đơn vị, Trung đội trưởng Ma Thanh Toàn còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tải hết thương binh, liệt sĩ về phía sau, không bỏ sót ai ngoài trận địa. Chính tại Ia Drăng, ông đã được kết nạp vào Đảng.

Trận đánh “Cánh cửa thép” Chư Thoi là thử thách quan trọng nhất khi ông giữ cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1. Tiểu đoàn chỉ còn 80 tay súng, ông nói với Trung đoàn trưởng Huỳnh Nghĩ: “Anh còn quân bổ sung cho em một ít!”. Trả lời ông là cái lắc đầu của cấp trên: “Các tiểu đoàn đều như vậy cả”. Những lúc ngặt nghèo như thế, ông càng bộc lộ tố chất chỉ huy. Đại đội 1 đã luồn giữa đội hình địch tiêu diệt 14 xe tăng và xe thiết giáp. Nhiều lần địch tấn công nhưng trận địa vẫn được giữ vững...

Trung tướng Ma Thanh Toàn tự cho mình là người “hoài cổ”. Ông viết hồi ký mang tên “Từ những miền cao nguyên” dành phần lớn nội dung cuốn sách viết về Tây Nguyên máu thịt. Những địa danh như: Đèo Mang Yang, An Khê, Chư Thoi, Chư Pao, Chư Tút, Chư Rệt cứ luôn hiển hiện trong tâm trí ông bởi: “Tây Nguyên ai một lần qua đó. Suốt cuộc đời nghĩ lại vẫn thương nhau”. Ông nhớ đồng đội thiếu lương thực, đói lả, vậy mà khi địch tràn vào vẫn xung phong chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Có đồng chí bị thương nặng, biết không sống nổi đã nhường nắm cơm vắt cuối cùng trong ba lô cho đồng đội. Nhớ những lần vượt suối sâu, dốc thẳm, sống cùng muỗi, vắt, rắn rết, chia nhau bom đạn, chia nhau cái chết.

Về ý tưởng xây Đền tưởng niệm ở Mang Yang, ông tâm sự: “Chưa bao giờ mình thôi nhớ Tây Nguyên. Nhớ và biết ơn đồng bào các dân tộc ở đây đã nuôi nấng, giúp đỡ trung đoàn suốt cuộc kháng chiến. Cái tên Đoàn Mang Yang cũng là do đồng bào yêu mến đặt cho Trung đoàn 95. Tây Nguyên là quê hương thứ hai của tôi. Trung đoàn 95 là gia đình lớn của tôi”. Đi qua những nơi từng là chiến trận, bom đạn mịt mùng nay đã xanh ngắt màu của cà phê, cao su, hồ tiêu, lúa, khoai; những con đường uốn lượn đẹp như bức tranh, Trung tướng Ma Thanh Toàn, luôn tự hỏi đồng đội nằm đâu giữa thăm thẳm đại ngàn. Ước gì có một nơi để thắp nén nhang cho đồng đội. Ước gì có một chốn cho anh linh đồng đội đi về. Ông đem ý tưởng của mình bàn với Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 95, bàn với các tướng lĩnh, CCB của trung đoàn. Được mọi người đồng tình, ông bắt đầu đi gõ cửa xin đất, xin tiền và làm các thủ tục pháp lý. Thuận lợi lớn là ông được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai ủng hộ và bố trí vị trí đẹp nhất ở thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang. Có đất rồi ông tiếp tục gõ cửa khắp nơi để xin tiền. Hình ảnh một vị tướng già tóc trắng xóa lặn lội từ Bắc vào Tây Nguyên vận động để xây nơi thờ cúng cho 3.000 liệt sĩ đã lay động các Mạnh Thường Quân, và chỉ trong thời gian ngắn, ông đã vận động được hơn 9 tỷ đồng.

Tuổi đã 75, vậy mà từ Hà Nội, ông vào ra như con thoi để đôn đốc việc xây dựng. Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 95 đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho cả khu vực.

HỒNG VÂN