Đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên rất nghèo và thiếu thốn trăm bề. Vùng có bộ đội đóng quân, số bản dân rất thưa thớt, đa phần là bản nhỏ làm tạm, dựng lên sau những lần chạy bom đạn. Thương đồng bào theo cách mạng một lòng, qua nương bản của dân nhìn thật xác xơ, bộ đội B3 cảm thấy lấy một củ sắn hay một bắp ngô của dân cũng là điều tội lỗi.

Cái đói của bộ đội ở chiến trường Tây Nguyên có thể dùng mọi từ ngữ để diễn tả đều được. Đói dài, đói quay quắt, đói vàng mắt, đói lay lắt, đói quặn người... chẳng biết từ nào chính xác hơn. Vì thế, bộ đội ngoài lúc đánh nhau, ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu, một ước mong thường trực là được ăn. Cứ hở ra là ngó trước ngó sau, nhìn khắp rừng, khắp suối để tìm cái ăn. Ăn gì cũng được, không cần ngon, chỉ cần no. Thứ đưa vào miệng miễn dụ được cái dạ dày là thứ để ăn, không chết là được. Có trận đánh vây ép cứ điểm địch, kế hoạch là 5 ngày mà khẩu phần ăn của mỗi người chỉ là 5 quả chuối xanh luộc và một khúc sắn dài bằng gang tay. Trận ấy không đánh được căn cứ, sau 3 ngày là quân ta phải rút lui vì chui trong hầm ngập tới vài chục phân nước, lúc pháo cối của địch câu ra, người cứ bệt ra, nhăn nhúm và nhão nhoét.

Chiến trường Tây Nguyên B3 khốn khổ vì cái ăn như vậy cho đến hết năm 1972. Về sau, toàn mặt trận tìm ra nguồn cứu đói lâu dài và hữu hiệu nhất là trồng sắn. Cử hàng tiểu đoàn vượt biên giới sang đất bạn xin sắn, đào sắn thái lát phơi khô cứu đói trước mắt, sau đó là xin cây sắn gánh về phát rẫy nhỏ, chặt ra làm "hom" trồng sắn. Một chủ trương đề ra, bất cứ đơn vị nào dừng chân ở đâu dù chỉ được vài tuần, phát được khoảnh đất từ trăm mét vuông trở lên là phải tổ chức trồng sắn. Chỉ tiêu mỗi đầu người là 1.000 gốc sắn. Đơn vị nào cũng trồng để đâu đâu cũng có nương sắn. Sau này khi có củ, đơn vị nào ở gần thì thu hoạch sắn làm lương thực cho bộ đội. Gạo của cấp trên cấp xuống chỉ được hai, ba lạng một ngày, có thời gian không cung cấp kịp phải ăn sắn dài ngày. Nhưng như thế còn may là không bị đói, còn đủ sức để đánh trận.

Đầu năm 1974, đơn vị chúng tôi về tác chiến ở khu vực Chư Nghé, phía tây Pleiku (nay thuộc tỉnh Gia Lai). Nơi này mấy tháng trước còn là căn cứ lớn của một tiểu đoàn biệt động quân Việt Nam Cộng hòa, mới bị ta đánh chiếm nên chưa có đơn vị nào kịp phát nương trồng sắn ở đây. Chúng tôi được ăn 3 lạng gạo một ngày và cứ mươi ngày lại cử một tiểu đội đi về phía sau, tới vùng có nương sắn bộ đội để đào sắn đem về bổ sung cho bữa ăn thêm no.

Lúc này, nghĩ về ăn và nói chuyện về ăn vẫn là một nội dung chính trong sinh hoạt của chúng tôi. Thời gian ở phía sau, hằng ngày chúng tôi phải đi cùi cõng đủ thứ từ vũ khí đến lương thực cho tuyến trước để phục vụ chiến đấu. Hôm nào được cử vào tốp lính đi cùi gạo thì thật là dịp may của mấy thằng lính đó. Bởi vì dù cho bị cán bộ phụ trách quản lý chặt đến đâu thì thể nào lính ta cũng tìm cách lấy trộm được một nắm gạo từ cái gùi gạo hơn hai chục cân đeo trên lưng. Giấu nắm gạo ấy trong bi-đông chứa một phần nước, đem về đổ ra là đủ để nấu cho cả tiểu đội ba, bốn người, mỗi người lưng ca cháo loãng húp lúc đêm.

leftcenterrightdel

Chiến trường Tây Nguyên năm 1972. Ảnh tư liệu 

Không ai bảo ai, nhưng ai cũng làm và tất cả đều im lặng không nói ra. Trong tiểu đội tôi, ai được cử vào tốp đi lấy gạo cũng phải cố mà hoàn thành phần trách nhiệm của mình với tiểu đội. Trong chiến trường, tất cả chúng tôi đều đã vứt vỏ cái ca bi-đông mà gò cho mình một cái bát ăn cơm nho nhỏ cho nó đoàn kết. Những cái bát to được mệnh danh "bát B-52" không có chỗ tồn tại trong lính. Nhưng để bí mật với chút cháo loãng húp đêm, chúng tôi hay kiếm những cái ống bơ nhỏ rửa sạch để đựng cháo và thường giấu kín trong hầm hay góc gậm giường. Bình thường thì không sao, nhưng một lần chúng tôi gặp phải sự cố đau lòng.

Lần ấy cậu Thành trong tiểu đội tôi bị ốm. Vẫn nằm tại lán hầm thùng của tiểu đội, hằng ngày y tá đến kiểm tra và cho thuốc vì chưa ốm nặng tới mức phải khiêng lên trạm xá trung đoàn. Thành bị viêm đường hô hấp, khạc nhổ có đờm. Để giữ lán sạch và không phải chạy ra ngoài, cậu ta lấy một cái ống bơ và nhổ đờm vào đó. Đờm đặc vàng khè, anh em chúng tôi phải đem đổ ra hố đất ngoài xa.

Cũng trong đợt ấy, một hôm tôi được cử vào tốp đi cùi gạo và đã kiếm được một nắm gạo to. Buổi tối, lúc chỉ còn chờ đến giờ gác, tôi chui tít vào ngách hầm lui cui nấu gô cháo cải thiện cho tiểu đội. Tiểu đội tôi lúc này chỉ có 4 người, tôi tiểu đội trưởng, cậu Thành đang ốm, ở nhà còn cậu Hiển. Chú em út xinh trai và trắng trẻo nhất tiểu đội là Lộc đi công tác cùng đại đội từ hôm trước sẽ về muộn. Xong gô cháo, chúng tôi múc ra bón cho cậu Thành ăn trước, sau đó tôi và Hiển cũng thưởng thức luôn phần của mình. Nhiều nhặn gì đâu, dù có húp rất nhẹ nhàng và chầm chậm thì loáng một cái cũng đã hết. Khuơ lưỡi liếm thêm ba cái nữa là đáy bát sạch như chùi. Để giữ bí mật gô cháo cải thiện, Hiển trút phần cháo của Lộc vào một cái ống bơ và đặt nó dưới một chân giường Thành nằm, còn cái gô thì rửa sạch cất vào ba lô. Cán bộ đại đội có đi kiểm tra thì chắc chẳng chú ý đến cái ống bơ đặt dưới chân giường người ốm làm gì.

Không ai ngờ chuyện không may xảy ra. Gần hết ca gác đầu, cậu Lộc em út tiểu đội mới về. Mệt và đói, nghe nói có ống bơ cháo cải thiện, vừa cởi bỏ cái cùi không và cất khẩu AK vào giá, Lộc thò tay xuống gậm giường nơi Thành nằm lôi ống bơ cháo ra đưa lên mồm ngửa cổ húp. Bỗng Lộc ú ớ như người bị nghẹn bóp cổ, người gập cong lại, đầu cúi xuống đất. Tôi và Hiển nhìn sang. Trong ánh lửa bập bùng nhỏ của đống lửa đốt giữa lán trong đêm mưa, chúng tôi cùng kịp nhận ra, Lộc đã lấy nhầm phải cái ống bơ đờm của Thành. Cả cục đờm to tướng đã trôi vào họng một nửa, nửa còn lại đang bùng nhùng ngoài cửa miệng. Tôi và Hiển vội lấy tay cào ra nhưng không được vì cái đám trong mồm Lộc rất bầy nhầy. Lộc không thể tự nhè ra, xong cũng không thể nuốt nốt vào. Để lâu chút nữa chắc nó chết ngạt. Tôi vội dùng tay ngắt đôi cục đờm để lôi phần bên ngoài ra, còn nửa bên trong thì vuốt cổ để Lộc nuốt vào, dù nó vẫn cố há mồm khạc khạc ra. Thấy thế không ổn, Hiển vội lấy bi đông nước dốc vào miệng Lộc bắt uống. Thế là cu cậu phải bất đắc dĩ nuốt nửa cái ống bơ đờm của Thành. Lúc này Lộc mới ngồi bệt xuống đất tựa lưng vào thành giường của Thành và nức nở khóc. Nó chỉ nói được hai từ "các anh..." rồi cứ thế nghẹn ngào không nói thêm được gì nữa.

Tôi và Hiển ngồi bên Lộc như người bị lỗi, chỉ biết cầm tay nó mà không biết nói gì. Thành lúc này mới tỉnh, không hiểu chuyện gì mà Lộc khóc, nhưng tôi và Hiển không thể nào kể lại chuyện gì đã xảy ra cho Thành nghe được. Phải rất lâu sau, Hiển mới bình tĩnh đi nấu lại ống bơ cháo của Lộc cho nó ăn, nhưng phải đổ ra bát.

Những ngày sau đó và về sau nữa, trong tiểu đội chúng tôi không ai nhắc lại câu chuyện đau lòng này. Và tất cả những vụ cải thiện vụng trộm sau, tiểu đội chúng tôi đều dùng bát, chọn cách cẩn thận hơn để không bị lộ trước đại đội. Tất cả những cái ống bơ, chúng tôi vứt đi và không bao giờ dùng nữa. Cứ nhìn cái ông bơ là lại thấy ghê cả người.

Mọi chuyện chiến đấu và công tác cứ quấn chúng tôi đi cho đến hết chiến tranh. Trong những trận đánh ác liệt cuối cùng khi đơn vị tiến về Sài Gòn, Thành và Lộc đã anh dũng hy sinh. Tiểu đội chỉ còn lại tôi và Hiển.

Chúng tôi trở về với đời thường, thỉnh thoảng những người lính B3 chúng tôi gặp nhau. Trong những câu chuyện chung, thể nào chúng tôi cũng nhắc đến những ngày gian khổ cùng sống, chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên. Những lúc đó, ngồi bên nhau, tôi và Hiển lại khẽ nắm tay nhau, nhớ về Thành, về Lộc trong tiểu đội của mình cùng câu chuyện buồn nhưng không thể quên năm xưa.

Nhà văn VŨ CÔNG CHIẾN