Kể từ ngày 18-5-1946, khi các báo ở Thủ đô Hà Nội lần đầu thông tin với đồng bào ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ngày 19-5-1890, cứ vào dịp sinh nhật Bác, đồng bào, đồng chí lại gửi tới Người những tình cảm sâu nặng, những lời chúc mừng tốt đẹp nhất cùng những chiến công vang dội. Còn Bác, với sự giản dị, khiêm nhường của một tâm hồn cao đẹp “nâng niu tất cả chỉ quên mình”, Bác hiếm khi muốn nhắc đến thân thế cá nhân mình.
Bác từng nói với các nhà báo, nhà văn muốn viết tiểu sử của Bác rằng còn nhiều việc khác cần thiết hơn việc viết tiểu sử. Bác không muốn lãng phí thời giờ, tiền bạc của nhân dân, không muốn vì sinh nhật mình mà bao nhiêu người phải đến chúc tụng.
Những năm ở Chiến khu Việt Bắc cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân gian lao kháng chiến, sinh nhật Bác vô cùng đơn giản nhưng đầm ấm với những lời chúc mừng của đồng bào, đồng chí và những bó hoa rừng của những người phục vụ. Ngày 19-5-1948, Bác ở ATK Định Hóa, Thái Nguyên. Sáng sớm 19-5, anh em phục vụ chờ Bác ngồi vào bàn làm việc rồi mới nhanh chóng tập hợp nhau lại và kéo đến. Một đồng chí cầm bó hoa rừng thay mặt anh em chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu. Bác rơm rớm nước mắt bảo anh em: "Cảm ơn các chú. Bác đề nghị bó hoa này để truy điệu đồng chí Lộc" (người nấu ăn cho Bác mới mất trước đó ít ngày sau cơn sốt rét ác tính).
Lời Bác nói thật là bất ngờ đối với anh em cơ quan khiến ai cũng rơi nước mắt. Sau khi mọi người đem bó hoa rừng ra viếng mộ ông Lộc theo đúng ý Bác, trở về Bác cháu quây quần dưới nhà sàn. Thế là "lễ mừng sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh" năm ấy, Bác kể cho mọi người nghe về tấm gương kiên trung, tận tâm của ông Lộc, người đi theo Bác từ hồi còn ở Xiêm, luôn trung thành với Đảng, không tính toán cá nhân, đòi hỏi địa vị. Lúc này anh em mới biết người đồng chí nhỏ nhắn, thông minh, nhanh nhẹn, hay cười, không bao giờ nói đến khó khăn, gian khổ, làm công việc tưởng chừng như nhỏ bé, giản đơn ấy lại có một tiểu sử đáng khâm phục như thế.
Đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký Bác Hồ từng kể lại, ngày 19-5-1949, Bác ở tại một bản của đồng bào Mán, thuộc tỉnh Thái Nguyên giáp Bắc Kạn, trong một căn nhà đất, cạnh bờ sông. Anh em chưa kịp nói lời chúc mừng thì Bác đã chủ động thân mật bảo: "Bác cảm ơn các chú, thôi để về Thủ đô tha hồ mà chúc". Rồi Bác phân công anh em, người thì sang bên "vô tuyến điện" để lấy tin tức, người thì làm nốt một số công việc ở cơ quan, người thì đi làm thêm dây câu cá để cải thiện... Bác vừa thân tình không để cho anh em chúc thọ, vừa thiết thực giao việc cho mọi người làm. Lời Bác nói sao mà đúng tâm tình của mọi người đến thế. Phải đẩy mạnh mọi mặt công tác, để kháng chiến thắng lợi chóng về Thủ đô chúc thọ Bác Hồ! (theo “Thư ký Bác Hồ kể chuyện”, Vũ Kỳ, NXB Chính trị Quốc gia, H.2005).
Kháng chiến chống thực dân Pháp thành công, trở về Hà Nội, Bác tiếp tục sứ mệnh của "người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân", "người đày tớ trung thành của đồng bào"-một tư cách rất đúng đắn của vị lãnh tụ Đảng cầm quyền khi nhân dân giữ vai trò làm chủ đất nước, xây dựng một xã hội mới. Những lẵng hoa thơm đẹp, những món quà các nơi gửi đến nhân dịp sinh nhật, Bác đều dặn chuyển tặng các đơn vị bộ đội, công an, thanh niên xung phong... Vào những dịp đó, Bác rất thích nghe và đọc những thành tích thi đua của các ngành, các đoàn thể, các địa phương... Để tránh những nghi lễ vào dịp sinh nhật của mình, Bác không ở Hà Nội mà thường đi công tác các địa phương, cơ sở, thể hiện sự quan tâm, thương yêu, động viên, khích lệ đồng chí, đồng bào rất cụ thể và gần gũi, mang dấu ấn về phong cách của một nhà lãnh đạo gần dân, thân dân, vì dân.
    |
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công trường xây dựng Khu nghỉ mát Tam Đảo ngày 19-5-1955. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh
|
Sinh nhật Bác năm 1955, buổi sáng Bác lên thăm công trường xây dựng Khu nghỉ mát Tam Đảo (nay thuộc Vĩnh Phúc). Thật cảm động, đúng ngày sinh, Người đã vượt gần 100 cây số, trong đó có hàng chục cây số đường núi cheo leo để lên Tam Đảo, không phải để nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng mà Bác lên như nhắc nhở: Tam Đảo phải xây dựng sao cho xứng đáng là khu nghỉ mát do chúng ta làm nên trên đống hoang tàn của chiến tranh, làm sống lại những vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người.
Ngày 19-5-1957, Bác đi thăm chùa Thầy ở Quốc Oai, Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội); thăm chùa Trầm ở Chương Mỹ, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), nơi Người đã đọc thơ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước dịp Tết Nguyên đán năm 1947. Trong hoàn cảnh miền Bắc được hòa bình, Người dành nhiều thời gian tìm hiểu, suy ngẫm về lịch sử của núi Trầm, chùa Trầm và các di tích lịch sử khác.
Ngày 19-5-1959, Bác thăm Nhà máy Rượu Hà Nội. Qua các phân xưởng sản xuất thấy công nhân phải làm những công việc nặng nhọc, Người nói với cán bộ nhà máy: “Các chú phải cải tiến để tăng năng suất, giảm bớt sức lao động”. Không chỉ động viên cán bộ, công nhân nhà máy tích cực sản xuất, Bác còn động viên anh chị em tích cực nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật mới, đặc biệt là tìm nguyên liệu thay thế để tiết kiệm gạo cho dân đủ ăn, giảm độc tố để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Năm 1969, Bộ Chính trị ra nghị quyết về việc tổ chức 4 ngày kỷ niệm lớn trong năm 1970: Kỷ niệm lần thứ 40 Ngày thành lập Đảng ta, kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh Lênin, mừng thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh 80 tuổi và kỷ niệm lần thứ 25 Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nghị quyết ra từ tháng 4-1969 và đến ngày 8-7-1969 thì đăng trên Báo Nhân Dân.
Theo đồng chí Lê Văn Lương, trong cuốn sách “Bác Hồ sống mãi với chúng ta” (NXB Chính trị Quốc gia, H.2005) kể lại: "Hôm đó, đọc báo xong, Bác cho gọi chúng tôi vào, Bác chỉ vào tờ Báo Nhân Dân để trên bàn và hỏi: Nghị quyết này các chú bàn bao giờ mà tại sao không cho Bác biết? Bác nói đại ý: Tất cả các nghị quyết của Đảng đều do Bộ Chính trị quyết định tập thể. Gần đây, Bác mệt, có một số cuộc họp không dự được. Đó là khuyết điểm của Bác. Khi đọc nghị quyết đăng trên báo, Bác tán thành nhiều điểm. Chỉ có việc riêng của Bác, Bác không đồng ý. Ai cũng biết Bác là Chủ tịch Đảng ta. Đọc nghị quyết này, người ta sẽ nghĩ rằng Bác chủ trì phiên họp Bộ Chính trị để bàn việc tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh của mình cho linh đình. Thế là không đúng. Bác ngừng một lúc, giở tờ báo, chỉ tay vào một đoạn trong nghị quyết và hỏi chúng tôi: Lênin là bậc thầy của cách mạng thế giới. Bác chỉ là học trò của Lênin. Sao các chú lại đặt Bác ngang với Lênin? Sao các chú lại đặt việc riêng của Bác ngang với những việc lớn của Đảng và Nhà nước? Bác lại chỉ tay vào một đoạn nữa trong nghị quyết và hỏi chúng tôi: Sao các chú cho in sách của Bác nhiều thế này? Bây giờ nước nhà còn thiếu thốn, sách học, giấy học cho các cháu còn thiếu, thế mà sách báo của ta, kể cả sách của Bác, thì in lu bù. Nên bớt đi, cái gì cần lắm hãy in, để giấy cho các cháu học".
Hôm sau, gặp các đồng chí trong Bộ Chính trị, Bác đề nghị bàn lại việc đó. Các anh thưa với Bác: Việc tổ chức kỷ niệm lần thứ 80 ngày sinh của Bác không phải là vì việc riêng của Bác, mà như nghị quyết Bộ Chính trị đã nêu rõ nhằm giúp cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân học tập tư tưởng cách mạng, đạo đức "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", "trung với Đảng, hiếu với dân" và tác phong giản dị, khiêm tốn của Bác. Đó cũng là một dịp để thiết thực bồi dưỡng và nâng cao phẩm chất và đạo đức cách mạng, ý thức tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Nghe nói thế, Bác chưa đồng ý, Bác vẫn đề nghị Bộ Chính trị bàn lại và không nên tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Bác như vậy.
Ngày 19-5 đi vào lịch sử của dân tộc ta, gắn liền với tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã hiến dâng cả đời vì nước, vì dân. Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Bác (1890-2025), nhắc lại một số câu chuyện để chúng ta biết thêm một số chi tiết về cuộc sống đời thường giản dị của Người. Đó là những điều chúng ta nên học bên cạnh những điều lớn lao mà Bác để lại cho đời sau.
VŨ THỊ KIM YẾN