Xuân Quý Tỵ 1893, Nguyễn Sinh Cung được 3 tuổi.

Cái tuổi đang được cưng chiều và nũng nịu trong vòng tay âu yếm của ông bà ngoại, cha mẹ, anh chị và dì An. Những người thân yêu ấy đã gieo vào tâm hồn bé Cung tình thương yêu con người, lòng nhân ái bao la.

Sau này lớn lên, từ thực tiễn chứng kiến những nỗi đau của nhân dân lao động, của dân tộc, đã dần thôi thúc chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành sớm dấn thân vào con đường cứu dân, cứu nước.

Xuân Ất Tỵ 1905 người dân Nghệ An lao đao vì thực dân Pháp và quan lại bắt phu trong vùng để hoàn thành gấp rút đoạn đường từ Cửa Rào (miền Tây Nghệ An) đi Trấn Ninh. “Vì bọn đốc công Pháp tàn bạo, nước độc và lương thực thiếu nên nhiều người đi phu bị chết, những người sống thì đều đau ốm”(1).

Trong hai năm 1904-1905, Nguyễn Tất Thành thường được theo cha trong các lần đi dạy học hoặc đi đàm đạo, bình văn thơ. Khi ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, khi theo cha đến các vùng trong tỉnh như làng Đông Thái, quê hương của Phan Đình Phùng; làng Trung Lễ, quê hương của Lê Ninh; thăm các di tích thành Lục niên, miếu thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp; rồi có lần theo cha đến huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Trong năm, Nguyễn Tất Thành đã từ chối lời mời xuất dương sang Nhật du học của cụ Phan Bội Châu. 

Khoảng tháng 9-1905, Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Tất Đạt được cha xin cho theo học lớp dự bị (préparatoire) Trường Tiểu học Pháp-bản xứ ở thành phố Vinh, cách Kim Liên khoảng 14km. Chính tại trường tiểu học này, Nguyễn Tất Thành lần đầu tiên tiếp xúc với khẩu hiệu Tự do-Bình đẳng-Bác ái của cách mạng Pháp. Điều thôi thúc Người sau này phải tìm đến tận nơi, như Người nói: "Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”(2).

Xuân Đinh Tỵ 1917, Nguyễn Tất Thành đơn độc ở nước Anh. Người đã trải qua các nghề lao động cực nhọc như quét tuyết, đốt lò, làm bánh... Người đã phải làm mọi nghề, miễn là nghề lương thiện để sống, để học tiếng Anh. Cuối năm, Người rời nước Anh về Paris (Pháp).

Xuân Kỷ Tỵ 1929, Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Xiêm (Thái Lan). Người từ châu Âu về Xiêm tháng 6-1928. Trong thời gian hoạt động ở đây, Người đã làm rất nhiều việc cho công tác giáo dục, tuyên truyền và tổ chức, tạo nên một sự thay đổi lớn trong phong trào yêu nước của kiều bào. Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc, dù đã hết sức cẩn thận vẫn không thể hoàn toàn giữ được bí mật. Thực dân Pháp sinh nghi, tung mật thám dò tìm. Người bị theo dõi ráo riết. Có khi nguy hiểm quá, Người thậm chí đã phải lánh vào chùa, tạm cắt tóc đi tu để tiếp tục hoạt động.

leftcenterrightdel

Bác Hồ về thăm quân và dân tỉnh Quảng Ninh, Tết Ất Tỵ 1965. Ảnh tư liệu

Ngày 10-10-1929, Nguyễn Ái Quốc bị Tòa án Vinh (Nghệ An) xử vắng mặt và đã bị khép vào tội tử hình. Cũng trong năm này, ngày 27-11, cha Người, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay của bà con nghèo ở Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Bên cạnh cụ không có người thân nào. Cũng trong những ngày cuối năm 1929, Nguyễn Ái Quốc rời Xiêm đi Trung Quốc.

Ngày 23-12-1929, Người đến Trung Quốc chuẩn bị cho Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam. Và mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.                                                

Ngày mồng Hai Tết năm Tân Tỵ (28-1-1941), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, đặt đại bản doanh ở Pác Bó, Cao Bằng. Việc Người về nước và đặc biệt, Hội nghị Trung ương 8 họp tháng 5-1941 do Người chủ trì đã chuyển hướng chiến lược cách mạng, tạo ra bước ngoặt căn bản cho sự phát triển của cách mạng Việt Nam. 

Hội nghị đã quyết định tạm gác nhiệm vụ đấu tranh đòi ruộng đất, để tập trung tất cả sức mạnh dân tộc cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Giáo sư Trần Văn Giàu, nhà hoạt động cách mạng lão thành, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ nhận xét: “Không có sự chuyển hướng chiến lược do Cụ Hồ đề nghị thì không có Việt Minh, mà không có Việt Minh thì không có Tổng khởi nghĩa Tháng Tám”(4).

Nhân dịp Tết Quý Tỵ 1953, Bác Hồ gửi thơ chúc Tết tới đồng bào và chiến sĩ cả nước, đăng trên Báo Nhân Dân số 95 từ ngày 11 đến 15-2-1953: Mừng năm Thìn vừa qua/ Mừng Xuân Tỵ đã tới/ Mừng phát động nông dân/ Mừng hậu phương phấn khởi/ Mừng tiền tuyến toàn quân/ Thi đua chiến thắng mới/ Mừng toàn dân kết đoàn/ Mừng kháng chiến thắng lợi/ Mừng năm mới, nhiệm vụ mới/ Lực lượng mới, thành công mới/ Mừng toàn thể chiến sĩ và đồng bào/ Mừng phe dân chủ hòa bình thế giới.

Tháng 5-1953, nhân dịp sinh nhật lần thứ 63, Bác Hồ làm bài thơ chữ Hán nhan đề "Thất cửu": Chưa năm mươi đã kêu già/ Sáu ba, mình vẫn nghĩ là đương trai/ Sống quen thanh đạm nhẹ người/ Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung (Sáu mươi ba tuổi).

Cũng trong năm này, Người dự báo kháng chiến thành công năm 1954, khi đáp lại hai câu thơ của Luật sư Phan Anh: Diệt thù giải phóng quê ta/ Ấy là nghĩa nặng, ấy là tình sâu, Bác đã lẩy câu Kiều: Đành lòng chờ đợi ít lâu/ Chầy ra là một năm sau vội gì (nguyên văn câu Kiều là: Đành lòng chờ đó ít lâu/ Chầy chăng là một năm sau vội gì).

Xuân Ất Tỵ 1965, Bác Hồ bước vào tuổi 75 và như thường lệ, Bác gửi thơ xuân tặng đồng bào và chiến sĩ cả nước: Chào mừng Ất Tỵ xuân năm mới/ Nhà nước ta vừa tuổi hai mươi/ Miền Bắc xây dựng đời sống mới vui tươi/ Miền Nam kháng chiến ngày càng tiến tới/ Đồng bào hai miền thi đua sôi nổi/ Đấu tranh anh dũng, cả nước một lòng/ Chủ nghĩa xã hội ngày càng thắng lợi!/ Hòa bình thống nhất ắt hẳn thành công!.

Cũng trong ngày đầu năm, Báo Nhân Dân số 3928 ra ngày 1-1-1965, đăng bài báo của Bác về Tết trồng cây. Bài báo mở đầu bằng hai câu thơ lục bát: Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.

Những ngày Tết Ất Tỵ 1965, Bác tham gia trồng cây với hơn 1.500 cán bộ và đồng bào khu vực Cổ Loa; về chúc Tết khu mỏ ở Quảng Ninh. Sáng mồng Một Tết Ất Tỵ, 8 giờ 30 phút, Bác gặp mặt hơn 2 vạn đại biểu các dân tộc trong tỉnh Quảng Ninh để chúc mừng năm mới. Người tặng quân và dân Quảng Ninh lá cờ thưởng luân lưu cho toàn ngành than và thiếp chúc Tết cho những đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Năm 1965, để cứu vãn sự thất bại của quân đội Sài Gòn, người Mỹ đã trực tiếp đưa quân viễn chinh vào xâm lược miền Nam Việt Nam, đồng thời tăng cường ném bom đánh phá miền Bắc. Trong bối cảnh ấy, ở vào đúng thời điểm khỏe mạnh và minh mẫn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Ngày sinh của mình đã đặt bút và hoàn thành bước đầu bản "Di chúc" lịch sử. 

Di chúc của Người là bản tổng kết lịch sử, định hướng tương lai, là linh hồn của Cương lĩnh xây dựng đất nước, đúng như Người đã khẳng định trong lời chúc Tết đầu năm: Chủ nghĩa xã hội ngày càng thắng lợi! Hòa bình thống nhất ắt hẳn thành công!

-------------

      1, 2. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2012, tr.12, 86, 88

      3. Báo Nhân Dân số 4062, ngày 18-5-1965 

      4. Viện Hồ Chí Minh, Nghiên cứu Hồ Chí Minh, tập 2, H, 1993, trang 41

---------------------------------

     TS CHU ĐỨC TÍNH, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh