Ai đó từng nói, ở Hồ Chí Minh tỏa ra ánh sáng văn hóa tương lai. Những kẻ muốn phủ nhận điều này cũng không dễ vì cả cuộc đời, tư tưởng, đạo đức của Người là minh chứng hùng hồn cho nhận định trên. Trở lại với điều tôi muốn nói, câu thơ nào trong bài "Người đi tìm hình của nước" xứng đáng được đặt ở vị trí quan trọng nhất, là câu thơ “đinh” chi phối cả thi phẩm? Theo tôi, đấy chính là câu: "Mà hình đất nước hoặc còn hoặc mất".
Đất nước rơi vào cảnh tăm tối khi những dấu giày viễn chinh của đội quân thực dân đến từ một nước châu Âu hùng mạnh thời đó đặt lên giang sơn này. Dưới chiêu bài khai hóa văn minh, chúng vơ vét, bóc lột và đàn áp nhân dân ta thậm tệ. Điều này đã được Nguyễn Ái Quốc vạch trần trong cuốn sách "Bản án chế độ thực dân Pháp", viết bằng tiếng Pháp, trong khoảng những năm 1921-1925, tố cáo kẻ xâm lược đã dùng mọi thủ đoạn tàn bạo bắt “dân bản xứ” phải đóng “thuế máu” cho chính quốc để “phơi thây trên chiến trường châu Âu”, đày đọa phụ nữ, trẻ em thuộc địa...
Nhiều cuộc khởi nghĩa, phong trào chống thực dân Pháp nổ ra nhưng cuối cùng đều bị thất bại. Vận nước suy vong, nhân dân rên xiết, tương lai đất nước vô cùng mù mịt. Giang sơn vẫn vậy, Trường Sơn, Hồng Hà, Cửu Long... còn đó, nhưng Tổ quốc đã không còn, đến tên gọi cũng mất. Đất nước đang ở đâu? Dân tộc đang ở đâu? Đấy là những câu hỏi quặn thắt lòng người ái quốc.
Và may mắn thay, khi dân tộc Việt Nam có người thanh niên "đi tìm hình của nước". "Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi/ Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác/ Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất/ Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre"... Con đường tìm hình đất nước bắt đầu từ đó, từ dấu chân người thanh niên mảnh khảnh bước lên tàu để vượt đại dương bao la ra ngoại quốc, nỗi đau xa nước, nỗi đau xa quê, nỗi đau xa xứ sở nén chặt lại trong những câu thơ làm ta rơm rớm: "Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ/ Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương/ Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở/ Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương".
|
|
Tác phẩm "Người đi tìm hình của nước". Tranh của NGUYỄN QUỐC THẮNG
|
Bài thơ bỗng rẽ ngoặt sang một dòng mạch khác, đầy nỗi ưu tư tự vấn. Cũng để trả lời cho câu hỏi, nếu không có những con người như Bác thì liệu đất nước có còn không hay vĩnh viễn bị mất? Đây là cuộc sống của gần như một thế hệ thanh niên trong chế độ thực dân phong kiến, chứa đựng muôn vàn sự hẹp hòi, bi quan và bế tắc. Hầu như họ không tìm được lối thoát, đường đi nên co lại trong cái “vỏ ốc” của riêng mình cũng là điều dễ hiểu. Thoát ly cuộc sống, xa rời nhân dân, thờ ơ với vận mệnh đất nước là những biểu hiện của một bộ phận không nhỏ thanh niên thời đó.
Chế Lan Viên đã hồi tưởng bằng những câu thơ buồn hận: "Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp/ Giấc mơ con đè nát cuộc đời con/ Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp/ Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn/ Trăm cơn mơ không chống nổi một đêm dày/ Ta lại mặc cho mưa tuôn và gió thổi/ Lòng ta thành con rối. Cho cuộc đời giật dây...". Ánh hồi quang lịch sử dân tộc của mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước quật cường hình như đã lịm tắt trong họ nên chắc chắn rằng, vào thời điểm đó, không có mấy người biết được, hiểu được tấm lòng yêu nước nồng nàn của những thanh niên như Nguyễn Tất Thành. Vì thế mới có sự tự nhận chân thật này: "Quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện Vua Lê/ Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ/ Hiểu sao hết những tấm lòng lãnh tụ/ Tìm đường đi cho dân tộc theo đi...".
Thi phẩm này là một điển hình xuất sắc về sự kết hợp hai yếu tố quan trọng của thơ là tự sự và trữ tình. Như câu chuyện kể bằng thơ về con đường đi tìm hình đất nước của Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh. Một hành trình vô cùng gian lao, nguy hiểm, đầy gập ghềnh, trắc trở. Với Việt Nam, con đường ấy chưa ai thấy, chưa ai đi nên phía trước vẫn là một khoảng mù mịt, hết sức mơ hồ. Tổ quốc bị xâm lăng, dân tộc làm nô lệ dưới hai cái ách thực dân và phong kiến nên hình hài đất nước ngày mai phải hoàn toàn đổi khác.
Chắc chắn rồi, đó không phải là "hình một bài thơ đá tạc nên người", không chỉ là "Một góc quê hương nửa đời thân thuộc/ Hay một đấng vô hình sương khói xa xôi". Đất nước còn hoặc mất là kết quả của cuộc đi tìm vĩ đại này. Đất nước Việt Nam được tìm lại phải ấm áp "sắc vàng nghìn xưa" và tươi thắm "sắc đỏ tương lai", chững chạc đàng hoàng "Thế đi đứng của toàn dân tộc". Đấy chính là một hành trình lịch sử có một không hai mà non sông đã ướm đặt vào Người như một ấn định huyền kỳ không thể xê xích, thay đổi.
Non sông Việt Nam sinh ra Hồ Chí Minh và chính Người đã làm rạng rỡ đất nước, dân tộc này. Điều ấy chúng ta khẳng định sau này, khi Đảng được thành lập vào năm 1930, khi dân tộc làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ thắng lợi (từ năm 1946 đến 1975), mở ra con đường độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng để tìm ra hình đất nước, Bác phải trải qua những năm tháng vô cùng gian khổ nơi đất khách quê người: "Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê/ Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá/ Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ/ Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya...".
Chưa hết, lòng yêu nước nồng nàn đã truyền năng lượng cho Người đi tới nhiều châu lục với niềm hy vọng tìm ra con đường giải phóng dân tộc đúng đắn nhất: "Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể/ Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi/ Những đất tự do, những trời nô lệ/ Những con đường cách mạng đang tìm đi...". Với Bác, đất nước, đồng bào luôn canh cánh trong lòng cùng với những khát vọng độc lập, tự do cho Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Theo tôi, đây là 3 khổ thơ mang lại nhiều xúc động nhất trong bài:
Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước
Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà
Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc
Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa
Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây?
Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?
Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ
Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Rồi cờ sẽ ra sao? Tiếng hát sẽ ra sao?
Nụ cười sẽ ra sao? Ơi, độc lập!
Xanh biết mấy là trời xanh Tổ quốc
Khi tự do về chói ở trên đầu...
Điều kỳ diệu đã đến, đó là lúc "Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin...". Luận cương của Lenin như ánh sáng soi đường giải phóng dân tộc. Bác nhìn thấy ở đây con đường dân tộc cần phải đi để tự giải phóng mình và mang về hạnh phúc cho những người cùng khổ. Người vỡ òa niềm hạnh phúc khi tìm ra lẽ sống của thời đại: "Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc/ “Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”/ Hình của Đảng lồng trong hình của nước/ Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười...". Hạnh phúc của nhân dân hiện lên trước mắt Người thật cụ thể mà chứa chan những thương yêu bao la: "Bác thấy: Dân ta bưng bát cơm mồ hôi nước mắt/ Ruộng theo trâu về lại với người cày/ Mỏ thiếc, hầm than, rừng vàng, bể bạc/ Không còn người bỏ xác bên đường ray...".
Hình ảnh đất nước và con người Việt Nam hiện lên đẹp đẽ như một giấc mơ kỳ diệu về tương lai: "Giặc nước đuổi xong rồi/ Trời xanh thành tiếng hát/ Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân/ Những kẻ quê mùa đã thành trí thức/ Tăm tối cần lao nay hóa những anh hùng...". Dân tộc anh hùng và văn hiến chiến thắng giặc xâm lược, giành lại được độc lập, tự do, thời đại mới khai sinh với những con người lao động làm chủ xã hội. Đây là những dòng thơ rất đẹp về đất nước Việt Nam mới: "Nước Việt Nam nghìn năm Đinh Lý Trần Lê/ Thành nước Việt nhân dân trong mát suối/ Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói/ Những đời thường cũng có bóng hoa che...".
Hồ Chí Minh từ chủ nghĩa yêu nước đã đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin khoa học và cách mạng. Người đã tìm thấy ánh sáng cho cách mạng và dân tộc Việt Nam. Những trang sử dựng nước, giữ nước mới mẻ hào hùng của dân tộc được mở ra với vai trò lãnh đạo của Đảng ta mà không lực lượng nào có thể thay thế được. Khởi đầu từ phút giây ấy, khi "Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp/ Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin". Và sau những bôn ba gian truân, nguy hiểm, điều mong ước của Bác đã thành hiện thực, cái quý giá nhất mà dân tộc lầm than đang khao khát Người đã tìm ra: "Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt/ Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi/ Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất/ Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai".
Đi qua những chặng đường đầm đìa mồ hôi, máu và nước mắt, dân tộc ta mới có một cơ đồ và vị thế như hôm nay. Con đường đi tới tương lai tươi sáng đang mở rộng. Nhưng chúng ta không thể không cảnh giác với các thế lực thù địch và “giặc nội xâm”. Những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, tham nhũng, những kẻ hối lộ và nhận hối lộ, những người mang danh cộng sản nhưng tay đã nhúng chàm chính là kẻ thù của đất nước, của cách mạng. Nếu không kiên quyết ngăn chặn thì sự tồn vong của chế độ, của đất nước sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
Bác Hồ và biết bao đảng viên chân chính, hàng triệu chiến sĩ, đồng bào ta phải vượt qua muôn vàn gian khó, hy sinh mới xây dựng được đất nước như ngày nay. Vâng, trong công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc hôm nay vẫn không thể không nhắc lại câu thơ này: "Mà hình đất nước hoặc còn hoặc mất". Câu thơ ấy, bài thơ này vẫn vẹn nguyên ý nghĩa cao cả của nó. Lòng yêu nước không bao giờ cũ kỹ và nhân sinh quan "Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc" vẫn đáng được ghi nhận và thực hành mãi mãi.
NGUYỄN HỮU QUÝ