Người cựu chiến binh ấy có khuôn mặt xương xương, dáng cao gầy. Nhìn mái tóc dài bạc trắng lưa thưa sợi đen và bộ quần áo thể thao mà ông mang trên người, tôi thấy ông có vẻ phong trần. Khi nhắc đến những kỷ niệm oanh liệt thời chống Mỹ, cứu nước, giọng ông trùng xuống, đôi lúc lạc đi, xúc động: "Khoảng tháng 4-1971, khi tôi đang học cấp 3 thì ở thị xã Vĩnh Yên có đợt tuyển quân. Chẳng nghĩ nhiều, tôi quyết định viết đơn tình nguyện tòng quân. Đến khi nhận được giấy gọi nhập ngũ, tôi mới về nhà chìa ra có ý báo cáo bố mẹ". 

Ông Kim Nam kể, mẹ ông rất lo lắng vì con còn nhỏ, đang là học sinh, ăn chưa no và lo cũng chưa tới. Bà sợ cậu bé “trói gà không chặt” không chịu được gian khổ. Với cả, sắp tốt nghiệp cấp 3 đến nơi rồi mà lại bỏ ngang đi bộ đội sẽ rất phí, bởi sau này nếu trở về thì phải học lại từ đầu, rất mất công.

Nhìn tờ lệnh gọi nhập ngũ, ông Kim Ngọc bảo với con trai rằng, cố gắng phấn đấu cho bằng bạn bè, anh em. Trên chiến trường phải hiên ngang, xông pha lửa đạn, “chết xanh cỏ, sống đỏ ngực”, đó mới là cốt cách của chính nhân quân tử.

Sau này ông Kim Nam mới biết, việc bố mình đồng tình và ủng hộ con trai nhập ngũ cũng là có lý do. Chuyện là, lúc ấy, trong số cán bộ đang công tác ở tỉnh Vĩnh Phúc cũng có nhiều đồng chí cho con nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Điển hình là ông Vũ Quang Toản (tức Trần Quốc Phi), nguyên Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phú đã cho con trai đi bộ đội đặc công từ năm 1968. Đầu năm 1971, khi ông Kim Ngọc sang nhà ông Quang Toản chơi thì được thông báo, con trai ông Toản là Vũ Quang Đồng chiến đấu ở chiến trường miền Đông đã hy sinh.

Trước tình huống ấy, ông Kim Ngọc nói với ông Toản là sẽ cho con trai đi bộ đội đặc công vào miền Đông để trả thù cho Vũ Quang Đồng và góp phần giải phóng miền Nam. Chưa kịp tác động, định hướng thì Kim Nam đã chìa giấy gọi nhập ngũ ra khoe, khiến ông rất ưng bụng. Tuy nhiên, ông Vũ Quang Đồng không hy sinh mà chỉ là một trường hợp nhầm lẫn.

Sau khi huấn luyện đặc công ở Dốc Sàn, Bắc Giang, tháng 1-1972, chưa đến Tết Nguyên đán thì Kim Nam cùng đơn vị hành quân vào chiến trường.

Đến giờ ông vẫn nhớ rõ quá trình hành quân từ Bắc Giang vào đến vùng biên giới Tây Ninh, giáp Campuchia, đơn vị ông phải đi mất gần 3 tháng. Sau khi tập trung ở thị trấn Mi Mốt của Campuchia, ông được biên chế vào Đoàn 429, Đặc công Miền và tác chiến ở khu vực miền Đông Nam Bộ.

Trong thời gian ở đây, ông đã tham gia nhiều trận đánh, điển hình là đánh căn cứ Tống Lê Chân. Ông kể, căn cứ này là một trong những “con nhím” rất khó chịu do một tiểu đoàn ngụy chốt giữ. Trong lần tác chiến này, khi các mũi vượt qua lớp rào cuối cùng thì một chiến sĩ ở mũi khác đạp phải mìn sáng và bị lộ. Ngay lập tức, địch ở bên trong bắn ra, ngăn chặn các hướng, mũi của ta đột phá. Tiếp đó, pháo từ Bình Long bắn tới khiến đội hình tiến công bị kẹp ở giữa. Trước tình huống ấy, chỉ huy lệnh cho các mũi thọc sâu phải nhanh chóng rút ra ngoài. 

Sau khi ta mở Chiến dịch Nguyễn Huệ vào đầu tháng 4-1972, Bình Long bị các đơn vị chủ lực bao vây và tiến công quyết liệt. Tiểu đoàn 4 của Đoàn 429 được lệnh đánh vào một hướng của căn cứ Tống Lê Chân. Khi phát hiện dấu hiệu bộ đội ta tấn công lớn, Tiểu đoàn biệt động quân 92 của ngụy chốt giữ trong căn cứ này đã lo sợ và lợi dụng đêm tối hành quân rút bỏ vị trí. Căn cứ Tống Lê Chân bị hạ mà ta không tốn một viên đạn.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Kim Nam. Ảnh: VŨ BÌNH

Cuối tháng 8-1972, Đoàn 429 được lệnh đánh Chi khu Bến Cát. Sau hơn một tháng trinh sát và luyện tập trên sa bàn, tối ngày 3, rạng sáng 4-9-1972, các hướng, mũi đặc công của Tiểu đoàn 4, trong đó có tổ của ông Kim Nam đã bí mật cắt rào, khắc phục vật cản, tiếp cận chi khu. Khi đến hàng rào cuối cùng thì phải vượt qua một tường ủi bằng đất cao gần 3m và phía trên có nhiều dây thép gai. Gần đến giờ G, bỗng có tiếng kêu thất thanh “Việt cộng... Việt cộng” và từng tràng đại liên, tiểu liên cực nhanh bắn xối xả, xen lẫn tiếng thủ pháo. Kim Nam lao theo các mục tiêu được phân công. Tiếng thủ pháo, tiếng la hét thất thanh của địch. Sau 5-7 phút, ta làm chủ trận địa, nhưng lệnh của trên yêu cầu phải nhanh chóng rút ra. Đến lúc này ông Kim Nam mới phát hiện nhói ở bắp tay. Ra khỏi hàng rào cuối cùng thì cũng là lúc pháo địch từ căn cứ Lai Khê bắn sang nghe như sát sau lưng. Vượt qua Đường 13, ông Nam lăn xuống rãnh của ruộng khoai mì ẩn nấp thì gặp Sường nằm ở đó. Ông Nam lay gọi rồi kéo đồng đội bị thương đến chỗ kín đáo. Vừa di chuyển thì chuôi pháo sáng từ trên trời lao xuống, rơi cách đầu Sường khoảng một gang tay. Tim ông Nam thắt lại. Thật là hú vía. Chỉ chậm 1-2 giây đồng hồ là chuôi quả pháo sáng kia sẽ cướp đi sinh mạng đồng đội ông. Sau khi băng vết thương cho Sường và cho mình, ông Nam đưa bạn về vị trí tập kết an toàn.

Tháng 3-1975, Đoàn 429 được chia thành hai trung đoàn là 117 và 116. Đến cuối tháng 4-1975, khi ta đánh lớn thì đơn vị của ông Nam được lệnh di chuyển từ Long An về Bình Chánh, áp sát cửa ngõ phía Tây Sài Gòn, tiêu diệt trạm thông tin Phú Lâm (dân địa phương hay gọi là trạm ra-đa Phú Lâm), nhằm cắt đứt liên lạc, khiến quân địch tê liệt. Do thời gian gấp nên cấp trên yêu cầu vừa trinh sát vừa đánh địch và ngày N được xác định là 28-4-1975.

Trước trận đánh, ông Nam và đồng đội được trang bị thủ pháo, một cơ số đạn AK cùng 3 nắm cơm. Nếu như những lần trước, khi tác chiến, bộ đội đặc công mặc quần đùi và bôi trát ngụy trang để dễ cắt rào thì lần tác chiến này, các chiến sĩ đặc công được lệnh không ngụy trang và phải mặc quần áo dài. Lúc 24 giờ ngày 27-4, các hướng, mũi lần lượt được lệnh tiếp cận mục tiêu. Đúng 3 giờ ngày 28-4, tổ của ông Nam áp sát tường rào cao 3m. Trên ra lệnh cho các tổ dùng bộc phá khối để phá tường. Bộc phá nổ, các tổ tấn công vào trong căn cứ, nhưng lại gặp ngay hồ nước cạn. Các tổ đặc công triển khai ngay đội hình chiến đấu. Ở phía bờ bên kia, địch bố trí các xác xe ô tô làm rào chắn. Từ đó chúng bắn mạnh về phía ta. Trong tình thế nguy cấp, quân ta buộc phải gọi pháo bắn vào trong rồi sau đó là những cuộc tấn công nối tiếp nhau để tiêu diệt căn cứ này. 

Khoảng 10 giờ ngày 30-4, ông Nam nghe thấy tiếng súng chỉ thiên bắn lên trời từ phía trạm thông tin Phú Lâm và nhiều nơi khác. Khi di chuyển vào trong trạm thông tin Phú Lâm, ông Kim Nam được trên thông báo, 9 giờ ngày 30-4-1975, ta tổ chức nhóm 20 chiến sĩ đánh thẳng vào cổng chính, rồi phát triển, chiếm toàn bộ trạm thông tin Phú Lâm. Sau đó không lâu, đài phát thanh thông báo Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng Quân giải phóng vô điều kiện...

Sau giải phóng, ông Kim Nam cùng đồng đội làm công tác quân quản rồi trở ra miền Bắc. Ông chuyển sang ngành công an và đi học, làm việc, sau này phát triển đến Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho đến ngày nghỉ hưu.

Ông nói với tôi rằng, quân ngũ là môi trường khắc nghiệt để rèn luyện. Những năm tháng chiến đấu gian khổ ở chiến trường miền Đông là một ký ức đẹp và hào hùng, đặc biệt là Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975). Đó cũng là một phần đóng góp của ông vào truyền thống gia đình, truyền thống quê hương "khoán hộ" Vĩnh Phúc.

THẢO TRANG