Xông pha nơi chiến trường lửa đạn

Ông là Lê Quang Trung, sinh năm 1947. Lớn lên trong thời khói lửa của chiến tranh, người con đất thép Vĩnh Linh tham gia cách mạng từ rất sớm, gia nhập Quân đội khi tròn 19 tuổi. Năm 1970, người chiến sĩ trẻ vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng rồi cưới vợ và lên đường vào Nam chiến đấu.

Bà Võ Thị Minh Huệ-vợ ông Trung, xưa là cô thôn nữ, ngày thì làm cô giáo mầm non, tối lại chèo đò đưa bộ đội qua sông từ bến đò Tùng Luật. Trong những năm chiến tranh, với mật danh “Bến đò B”, bến đò Tùng Luật là cầu nối hai bờ Bắc-Nam, điểm vượt tuyến quan trọng trên sông Hiền Lương, là một trong những điểm xuất phát của Đường Hồ Chí Minh trên biển, điểm khởi đầu của tuyến giao thông duy nhất nối đất liền với đảo Cồn Cỏ.

Trong giai đoạn 1968-1972, dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, lực lượng thanh niên xung kích 771, nhân dân thôn Tùng Luật, dân quân các xã Vĩnh Giang, Vĩnh Quang... đã bảo đảm sự hoạt động liên tục của bến đò, kịp thời chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam; đưa hơn 78.000 lượt thuyền qua về, vận chuyển hơn 2 triệu lượt người và hàng vạn tấn vũ khí, hàng hóa. Bến đò B Tùng Luật trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tấm lòng kiên trung, anh dũng trên vùng đất lửa Vĩnh Linh. Chính vì thế, năm 1996, bến đò Tùng Luật (bến đò B) được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ký quyết định xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia.

Ngày ấy, người chồng xông pha nơi mặt trận, người vợ trẻ ở nhà cùng với bà con trong thôn Tùng Luật tham gia kháng chiến tại địa phương. Cô dân quân Võ Thị Minh Huệ không quản khó khăn, nguy hiểm, ngày đêm nấu cơm nuôi cán bộ cách mạng rồi tiếp tế, vận chuyển lương thực, vũ khí, đưa bộ đội qua sông. Khói lửa đạn bom trên dòng sông Bến Hải, nơi chảy qua thôn Tùng Luật để đi ra biển Cửa Tùng ác liệt không kém ở miền Nam.

Là xạ thủ pháo binh, ông Trung có mặt ở chiến trường miền Nam bằng tất cả trái tim rực lửa của tuổi trẻ. Ông nhớ lại: “Năm 1970, vừa cưới xong thì tôi tạm biệt người vợ trẻ lên đường đi chiến đấu. Vợ tôi ở lại vừa làm bổn phận của người con dâu với gia đình, vừa hoạt động cách mạng. Chiến tranh chẳng nói trước được điều gì. Ở miền Nam diễn ra nhiều trận đánh ác liệt; còn ở dọc tuyến sông Bến Hải, Mỹ nhiều lần rải bom khi bộ đội qua sông, rất nguy hiểm. Đặt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc lên trên, khi chia tay, chúng tôi vẫn giữ vững niềm tin rằng, ngày đất nước độc lập sẽ được đoàn tụ”.

Tham gia nhiều trận đánh, trở về từ chiến tranh, vết thương những tháng năm xông pha trận mạc khiến người lính năm xưa không còn khỏe mạnh và khó có thể nhớ hết những nơi mình đã đi qua. Nhưng từ trong thẳm sâu ký ức, trò chuyện với chúng tôi, ông Trung vẫn nhắc đi nhắc lại đầy ám ảnh về trận đánh ác liệt mà ông từng tham gia ở Xuân Lộc vào những ngày đầu tháng 4-1975, gian khổ, hiểm nguy, nhưng rất tự hào trong niềm vui chiến thắng. Chiến dịch tiến công Xuân Lộc kết thúc thắng lợi làm suy sụp tinh thần của binh lính ngụy quân Sài Gòn, thị xã Long Khánh được hoàn toàn giải phóng, mở “cánh cửa thép” tiến vào Sài Gòn.

Đất nước độc lập, thống nhất, người lính Lê Quang Trung trở về trong niềm vui sướng đoàn tụ với gia đình. Ông nhớ lại: “Đồng đội tôi người còn, người mất. Dù bao lần vào sinh ra tử, nhưng tôi vẫn còn may mắn là được trở về quê hương như lời hẹn ước với người vợ lúc chia tay”.

Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ 

Trở về quê hương, với giấy xác nhận bệnh binh mất sức lao động 61%, vết thương chiến tranh hành hạ khi trái gió trở trời, vậy mà vượt lên tất cả, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ ấy cùng với người dân thôn Tùng Luật bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước xây dựng và phát triển quê hương. Vừa làm lụng mưu sinh vất vả, nuôi các con ăn học, vợ chồng ông vừa tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương và tìm kiếm hài cốt đồng đội.

Được biết, kể từ sau ngày nước nhà thống nhất, ông Lê Quang Trung về quê hương vẫn tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương. Ông từng giữ nhiều chức vụ, như: Xã đội trưởng xã Vĩnh Giang, Chủ nhiệm Câu lạc bộ quân nhân ở thôn Tùng Luật... Dù ở cương vị nào, người bệnh binh ấy cũng nỗ lực hết mình, hoàn thành xuất sắc công việc được giao. Ông Lê Minh Khương, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Tùng Luật nói về người hội viên của mình bằng tấm lòng quý mến: “Ông Trung sống giản dị, chân thành; luôn tham gia tích cực và gương mẫu trong các việc làm, hoạt động của hội người cao tuổi. Dù sức khỏe yếu nhưng ngọn lửa xung phong của người lính năm xưa không bao giờ tắt”.

Sống giản dị, chân thành và giàu tình cảm trong tình làng, nghĩa xóm, người lính xông pha trận mạc năm xưa ấy từng ngày chung tay với các đồng đội cựu chiến binh, hội người cao tuổi và bà con thôn Tùng Luật xây dựng nông thôn mới, gìn giữ nét đẹp của một làng quê giàu truyền thống cách mạng bên dòng sông lịch sử.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Lê Quang Trung và các cháu học sinh tại bến đò Tùng Luật. 

Bồi đắp tình yêu lịch sử cho thế hệ trẻ

Ngôi nhà bình dị của người lính già và cô lái đò năm nào nằm bên dòng Bến Hải, gần tượng đài bến đò Tùng Luật (Bến đò B), từ năm 1986 đến nay trở thành điểm dừng chân của đồng đội năm xưa và những du khách đến với vùng đất khói lửa Vĩnh Giang. Ở đó, ông cùng đồng đội ôn lại những kỷ niệm đời lính, những trận đánh ác liệt. 

Mấy chục năm qua, ông Trung lặng lẽ sớm chiều có mặt ở Di tích bến đò Tùng Luật, thắp hương tưởng nhớ đồng đội đã anh dũng hy sinh, rồi quét dọn, làm sạch đẹp khuôn viên di tích ngay bên dòng sông Bến Hải, địa danh lịch sử hào hùng trong những năm kháng chiến. Mỗi lần có đoàn đến thăm viếng Di tích Bến đò B, ông Trung đều có mặt. Người lính già năm xưa xúc động, chậm rãi kể với mọi người về đồng đội, về người vợ của mình và những người lái đò đưa bộ đội qua sông dưới làn mưa bom, bão đạn. Ông kể cho thế hệ trẻ nghe những đau thương mất mát; những hy sinh thầm lặng, những công lao to lớn của biết bao người đã nằm lại trên mảnh đất oằn mình trong khói lửa để chúng ta có được cuộc sống thanh bình như ngày hôm nay. Mỗi lần kể, mắt ông rớm lệ, giọng trầm xuống. Ngồi bên tượng đài, ánh mắt nhìn xuống bến sông, xa xăm, diệu vợi... Ở đó có bao người con quê hương đã thầm lặng đưa bộ đội qua sông, họ can trường vững chắc mái chèo dù bom rơi, đạn nổ. Ở đó, có người vợ của ông một lòng một dạ phục vụ cách mạng, phục vụ kháng chiến nay cũng đã về với thế giới người hiền.

Anh Nguyễn Xuân Quỳnh, Trưởng thôn Tùng Luật bày tỏ niềm xúc động khi kể về tấm lòng, tình cảm thiêng liêng mà ông Lê Quang Trung dành cho Di tích Bến đò B và những người đã hy sinh nơi này.

Thầy giáo Bùi Hải Long ở thôn Tùng Luật, với thâm niên 35 năm đứng trên bục giảng dạy môn Lịch sử trên đất thép Vĩnh Linh, đã biết bao lần dẫn các thế hệ học sinh của mình đến Di tích Bến đò B, được nghe người chiến sĩ năm xưa Lê Quang Trung kể nhiều câu chuyện xúc động. Thầy Long tâm sự: “Qua những câu chuyện, những lời kể của bác Trung, các em học sinh thấm thía nỗi đau thương mất mát mà cha ông đã trải qua, từ đó càng thêm tự hào, trân trọng truyền thống lịch sử dân tộc, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước”.

Xông pha trên nhiều chiến trường, trở về quê hương sau ngày đất nước thống nhất, người chiến sĩ có hơn 50 năm tuổi Đảng Lê Quang Trung dù ở cương vị nào, trong vai trò gì vẫn luôn giữ gìn và phát huy phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ. Tấm lòng, tình cảm và những việc làm thầm lặng mà có ý nghĩa cao đẹp của người lính năm xưa trên đất thép Vĩnh Linh hôm nay thật sự để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng mọi người.

Bài và ảnh: TRẦN VĂN TOẢN