QĐND - Họ được ví là những người lính “mình đồng da sắt, đao thương bất nhập”... Câu chuyện về họ, những người lính Lữ đoàn Đặc công 198, Bộ tư lệnh Đặc công mà chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện mới đây đã để lại những ấn tượng khó phai...

Những người hùng khổ luyện

Chúng tôi trở lại Tây Nguyên khi thời tiết đang vào mùa khô, mùa mà những người lính đặc công 198 đang phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết ảnh hưởng trực tiếp đến công tác huấn luyện. Tiếp chúng tôi, Đại tá Phan Ích Dân, Chính ủy Lữ đoàn giới thiệu về những đồng đội của mình: “Mùa này anh em huấn luyện vất vả lắm anh ạ! Nhưng đây cũng là dịp mà chúng tôi triển khai đan xen nhiều công việc nhất”. Nhìn những làn da sạm nắng và gió Tây Nguyên đang say sưa rèn luyện khí công, phần nào đó chúng tôi đã cảm nhận được sự vất vả, kiên trì khổ luyện của mỗi người lính đặc công. Từng chiếc xe gắn máy chở 3, chở 5 người lần lượt chạy qua trên cơ thể; từng mũi giáo, lưỡi gươm được các chiến đấu viên dùng phương pháp khí công bẻ cong...

Đột kích...

Khổ luyện và luôn phải đối mặt với hiểm nguy trong huấn luyện SSCĐ với các nội dung như: Nhảy dù, luyện khí công, đánh chiếm các mục tiêu trên cao, tiêu diệt khủng bố... Nếu như không làm thật tốt công tác bảo đảm an toàn trong huấn luyện sẽ khó tránh khỏi những rủi ro... Được biết trong công tác huấn luyện SSCĐ, lữ đoàn được Bộ Quốc phòng tặng cờ Đơn vị huấn luyện giỏi 5 năm (2011-2015). Lữ đoàn luôn quán triệt và thực hiện nghiêm mệnh lệnh SSCĐ của cấp trên, nâng cao trình độ SSCĐ theo các phương án, nhất là phương án chiến đấu A2, chống khủng bố, phòng chống cháy nổ, bão lụt, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn... Dù đóng quân trên địa bàn rừng núi xa xôi, nhưng công tác kiểm tra của cấp trên luôn thường xuyên, và lữ đoàn luôn được đánh giá là đơn vị có đủ khả năng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Thời gian qua, lữ đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ SSCĐ, bảo vệ các mục tiêu được giao trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc, các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước và quân đội.

Những chiến đấu viên vượt khó...

Đi giữa khuôn viên xanh của lữ đoàn, trước mắt chúng tôi là tòa nhà 5 tầng đang hoàn thiện nước rút để phục vụ các gia đình quân nhân đúng vào dịp Xuân 2016 này. Chúng tôi được Đại úy Nguyễn Văn Văn, Trưởng ban Tài chính Lữ đoàn, cho biết: “Hiện nay, đơn vị có 80% anh em đều hợp thức hóa gia đình ở đây, phần lớn trong số đó đều phải thuê nhà... Rất vui là khó khăn đó đã được cấp trên quan tâm với việc xây dựng tòa nhà công vụ có 50 phòng cho các gia đình”.

Khổ luyện khí công.

Câu chuyện về khó khăn của những người lính đặc công trên đất Tây Nguyên dài thêm, khi chúng tôi ghé thăm Đội Đặc công 10 của lữ đoàn. Tất cả các chiến đấu viên trong đội đều là QNCN, phần lớn quê  ở ngoài Bắc! Mỗi người một hoàn cảnh, sự khó khăn vất vả riêng, nhưng anh em hầu hết đã xác định rõ nhiệm vụ, an tâm công tác và đưa vợ con từ miền Bắc vào lập nghiệp tại đây. Câu chuyện của chiến đấu viên, Trung úy Lê Văn Chính, vợ chồng anh có ba con, vợ không có việc làm, tất cả đều trông chờ vào đồng lương của chồng. Chiến đấu viên Nguyễn Đức Vượng, vợ không có việc làm, đồng lương của anh nuôi bốn miệng ăn và tiền thuê nhà gần 1 triệu đồng/tháng. Hay câu chuyện của Đỗ Viết Nam lại khó khăn bởi gánh nặng của gia đình, sự xa cách... Bên cạnh sự khó khăn về kinh tế còn nỗi vất vả với điều kiện, đặc thù công tác của đơn vị! Hằng năm, các chiến đấu viên phải đi công tác xa, nhiều lúc vợ con từ miền Bắc vào thăm chồng, nhưng vì nhiệm vụ, những chiến đấu viên lại lên đường...

“Làm đẹp” trước khi nhận nhiệm vụ. Ảnh: Văn Hạnh - Văn Duy

Thượng úy Nguyễn Đức Diễm, Chính trị viên Đội Đặc công 10, gương mặt hiện rõ niềm vui khi công trình nhà công vụ của lữ đoàn sắp hoàn thành. Anh tâm sự: “Là một đơn vị có 100% chiến đấu viên là QNCN nên hậu phương của anh em có ảnh hưởng rất lớn đến việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Hiện nay, có nhiều đồng chí đang phải thuê nhà xa, đi lại khó khăn, tốn kém! Có 50 phòng công vụ đi vào sử dụng sẽ tiếp sức cho các chiến đấu viên ổn định đời sống, an tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ...”.  

Đại tá Phan Ích Dân, Chính ủy Lữ đoàn cho biết thêm: “Quan tâm đến đời sống cán bộ, chiến sĩ là điều mà mỗi lãnh đạo, chỉ huy chúng tôi luôn đặc biệt coi trọng. Gia đình cán bộ, các chiến đấu viên ổn định sẽ là bàn đạp tích cực trong việc thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ của đơn vị. Nhiều anh em có vợ con ở ngoài Bắc, hằng năm đơn vị cũng tạo điều kiện cho anh em đi tranh thủ, bảo đảm chế độ phép...”.

Những chiến đấu viên chia tay chúng tôi bằng những nụ cười thật sáng, thật lạc quan. Những nụ cười ấy như lời hứa luôn chắc tay súng, phát huy truyền thống 16 chữ vàng của Bộ đội Đặc công: “Đặc biệt tinh nhuệ/ Anh dũng tuyệt vời/ Mưu trí táo bạo/ Đánh hiểm thắng lớn”.

Lữ đoàn Đặc công 198, Bộ tư lệnh Đặc công nguyên là Trung đoàn Đặc công 198, trực thuộc Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, được thành lập ngày 19-8-1974, tại xã Chư Nghé, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, nay đóng quân trên địa bàn xã Hòa Đông, huyện Krông Păk, tỉnh Đắc Lắc. Hơn 40 năm chiến đấu và trưởng thành, Lữ đoàn Đặc công 198 đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân; có 3 tập thể và nhiều cán bộ, chiến sĩ của lữ đoàn được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân...

 VĂN HẠNH