Mỗi lần bài hát “Tháng ba Tây Nguyên” từ giọng ca trong sáng của ca sĩ Anh Thơ vang lên, lòng tôi lại rạo rực những cảm xúc lâng lâng về một vùng Tây Nguyên bạt ngàn đồi núi, đầy nắng, gió và hoa. Hoa vàng rực rỡ trên những cánh rừng, hoa cà phê trắng như tuyết phủ kín núi đồi tỏa hương thơm ngát, hoa muôn màu trên những con phố và hoa lấp lánh trong những nếp nhà...
Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng với khí hậu dịu mát ôn hòa và người bản địa Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, Xơ Đăng, Mạ, Kơ Ho, Mnông... hiền hòa, thân thiện.
Tây Nguyên tháng ba là mùa đẹp nhất trong năm, mùa của nắng và gió. Nắng vàng sánh như mật được rót từ bầu trời cao xanh vời vợi, điểm xuyết những đụn mây trắng bềnh bồng bay, thảnh thơi du ngoạn trên miền cao nguyên xanh thẫm. Những cơn gió lục địa cứ thổi thốc lên cuốn theo những đám bụi bazan màu cam đỏ, ràn rạt rải đều trên những thảm cỏ hoa vàng, trên những vạt rừng... bụi phủ mờ cả những rẫy cà phê đang thì nở hoa.
Tháng ba Tây Nguyên, khi cây hoa Pơ Lang nở khắp núi rừng cũng chính là mùa lễ hội của người bản địa. Khắp các buôn làng rộn ràng tiếng chiêng, tiếng cồng, điệu xoang, tiếng hát chan chứa lòng người. Người Tây Nguyên cần mẫn như những con ong đi tìm mật, họ phát rẫy làm nương vào cuối tháng ba, để rồi gieo hạt khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống vào cuối tháng tư. Đi theo nông lịch là những lễ nghi tín ngưỡng cúng dâng thần linh cầu mong cho mùa màng tốt tươi, thóc lúa về đầy kho...
Tháng ba, là đỉnh cao của mùa khô Tây Nguyên toàn nắng nhưng cũng là mùa rực rỡ các loài hoa đua nở, cả một vùng rộng lớn bao la ngan ngát hương thơm. Hàng ngàn, hàng triệu những cánh bướm vàng, trắng chấp chới bay trong gió, rung rinh tụ lại từng đám trên những vạt cỏ xanh đầy hoa. Tháng ba, mùa của mật ngọt. Ong, ong nhiều vô kể, chúng tần tảo bay, đậu trên những đóa hoa vờn phấn hút mật. Nếu ta lắng nghe sẽ thấy tiếng ong bay phát ra những âm thanh ong ong rộn rã như một dàn nhạc lớn từ thinh không vang xuống. Đến Tây Nguyên vào độ tháng ba, ta sẽ mua được những chai mật ong nguyên chất sánh vàng, dịu ngọt thơm ngát mùi hoa cà phê.
Tháng ba, hoa phong lan nở rộ trên những cánh rừng, được các cô gái bản địa thu hái gùi trên lưng mang hoa xuống phố. Họ tụ lại nơi góc phố bán những sản vật thanh tao, rực rỡ này cho những người chơi phong lan khắp nẻo đổ về.
Đến Tây Nguyên vào dịp tháng ba, du khách sẽ được tham gia các lễ hội bản địa kéo dài, nối tiếp từ buôn này đến buôn kia. Bởi, tháng ba là thời điểm tiết trời đẹp, hanh nắng không mưa, thuận lợi cho việc tiến hành các lễ nghi nông nghiệp truyền thống của đồng bào bản địa. Nếu chúng ta đến Tây Nguyên thời gian từ tháng mười hai đến tháng ba, ta sẽ được tham dự Festival Hoa Đà Lạt, Festival Cà Phê ở Buôn Mê Thuột... Đây là dịp khách du tìm hiểu khá đầy đủ về văn hóa các tộc người bản địa Tây Nguyên như: Lễ ăn trâu, lễ đua voi, lễ đua thuyền độc mộc... Ngoài ra du khách còn được tham quan các danh lam thắng cảnh ở Đà Lạt, Đắc Lắc, Biển Hồ ở Pleiku hay thắng cảnh Tà Đùng (được ví như Hạ Long trên cạn) ở Đắc Nông...
Là người con xứ Bắc đã định cư ngót 40 năm ở Tây Nguyên mà mỗi độ tháng ba về, lòng tôi vẫn rạo rực xao xuyến với vẻ đẹp rực rỡ, tinh khôi của cao nguyên sau 6 tháng mùa mưa triền miên ướt át, ảm đạm. Trước mắt tôi là cỏ hoa rực rỡ trong nắng vàng mời gọi, thôi thúc tôi khoác ba lô lên đường rong ruổi khắp vùng Tây Nguyên bao la, thơ mộng và huyền ảo.
Quả vậy, tôi đang khoác ba lô đi trên đường đầy hoa và mật ngọt. Văng vẳng bên tai giọng ca mượt mà của ca sĩ Trọng Tấn: “Trời Tây Nguyên xanh, hồ trong nước xanh, Trường Sơn xa xanh ngút ngàn cây xanh...”. Những hình ảnh thơ mộng ấy cứ cuốn tôi đi... và đi trong khấp khởi, tự hào về tháng ba Tây Nguyên!
LƯƠNG MINH