Cuối năm 1974, đang là Phó tư lệnh Quân khu 5, ông được cấp trên gọi ra Hà Nội. Ngày 9-1-1975, ông được Thường vụ Quân ủy Trung ương mời dự cuộc họp quán triệt, triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị về kế hoạch chiến lược hai năm 1975-1976, trong đó nhấn mạnh: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Sau cuộc họp này, ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời đến nhà dự bữa cơm thân mật. Tại đây, Tổng Tư lệnh cho ông biết, Bộ Chính trị đã có ý định mở một chiến dịch lớn ở nam Tây Nguyên... và người được giao trọng trách Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên là ông-Hoàng Minh Thảo.
Thế là ông lại lên đường vào chiến trường. Ngày 29-1-1975, ông đã có mặt ở sở chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên. Lúc này, không khí chuẩn bị cho chiến dịch đã rất khẩn trương. Sở chỉ huy chiến dịch cũng đã di chuyển gần hết về phía Nam. Tư lệnh Hoàng Minh Thảo lại lên xe đi tiếp về phía trước. Mùa xuân, hoa phong lan nở kín rừng. Vị tư lệnh không vì chiến dịch nóng bỏng và những trận đánh có ý nghĩa “điểm huyệt” đối phương mà “lãng quên” những món quà do núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ ban tặng. Ông vừa nhìn ngắm những cụm phong lan xòe ra như những bàn tay tiên vẫy chào khách đi đường, vừa nghiền ngẫm kế hoạch cho trận mở đầu chiến dịch-tiến công giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Và trong những ngày chuẩn bị chiến dịch náo nức ấy, bộ đội đã tặng ông một món quà-một dò lan tai trâu tuyệt đẹp.
Dò lan ấy như một tín hiệu chiến thắng đã cùng Tư lệnh Hoàng Minh Thảo đi suốt Chiến dịch Tây Nguyên, theo xe ông đi xuống đồng bằng Nam Trung Bộ, tiến vào thành phố Sài Gòn giải phóng rồi ra tận Hà Nội. Đến đây, dò lan mới chịu từ biệt vị trí sau xe để đến nhà Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Huy Phan, Phó giám đốc Viện Quân y 108. Vị tướng chiến trường đã quyết định tặng dò lan ấy cho người bạn thân thiết của mình. GS Nguyễn Huy Phan, người đi tiên phong trong lĩnh vực vi phẫu thuật ở Việt Nam, cũng là một vị tướng quân y rất thích phong lan.
TRÚC LINH