Chuyện về hai đại tộc nuôi voi
Hơn nửa thế kỷ trước, số voi được thuần dưỡng, chăn thả trong các buôn làng trên cao nguyên Đắc Lắc lên đến hàng nghìn con. Voi tập trung đông nhất là ở Buôn Đôn. Vị tộc trưởng từng săn bắt, sở hữu nhiều voi nhất Buôn Đôn là ông Y Thu Knul (1828-1938), người được vua Xiêm phong tặng danh hiệu Khunjunop-“Vua săn voi”. Danh hiệu này được truyền lại cho người kế tục xứng đáng là Y Prông Êban-con rể của Khunjunop, tên thường gọi Ama Kông (1910-2012).
|
|
Rước dâu trên lưng voi qua thị trấn Liên Sơn, huyện Lăk, tỉnh Đắc Lắc. |
Huyện nhiều voi thứ hai ở Đắc Lắc là huyện Lăk. Nơi đây có hồ Lăk là hồ nước ngọt tự nhiên lớn thứ hai Việt Nam sau hồ Ba Bể. Mặt hồ mùa xuân nước cạn rộng khoảng 500ha, còn về mùa mưa, hồ mở rộng, nước dâng ngập cả cánh đồng Lăk, không thấy bến bờ. Giữa đồng còn những hàng cây do “Sở Kinh tượng” trồng để cột đội voi hơn 40 con cho cựu hoàng Bảo Đại thỉnh thoảng về đi săn, nghỉ mát, ngắm cảnh từ tòa biệt điện trên ngọn đồi gần đó.
Vị tộc trưởng của nghề mua bán, trao đổi voi ở huyện Lăk là ông Đàng Nhảy (1934-1988) người Chăm. Lịch sử của hai “đại tộc Voi” ở Buôn Đôn và Lăk có nhiều điểm tương đồng thú vị. Người thừa kế của vua voi Ama Kông là y sĩ Khăm Phết Lào nổi tiếng với bài thuốc tráng dương bổ thận. Còn thừa kế nghề nuôi voi từ ông Đàng Nhảy là ông Đàng Năng Long thì nổi tiếng với đàn voi nhà đông đúc. Không chỉ giúp tỉnh huy động đàn voi phục vụ nhiều sự kiện lớn, ông Đàng Năng Long còn tổ chức nhiều nghi lễ độc đáo, ghi dấu ấn khó quên về vai trò của đàn voi nhà trong cuộc sống người dân bản địa. Như tổ chức cho đàn voi tiễn đưa người mẹ của đại tộc nuôi voi về nơi an nghỉ năm 2016. Cúng thần voi báo tin 3 cô con gái lấy chồng, cho nhà trai đến rước dâu trên lưng voi. “Nếu không xảy ra dịch Covid-19 thì con gái thứ tư, là bé út của chúng tôi cũng đã lên lưng voi về nhà chồng trong năm 2020 rồi. Giờ đành tạm hoãn, chờ ngày lành, tháng tốt hơn”-ông Long chia sẻ.
|
|
Cô dâu, chú rể mời voi ăn gạo trong lễ cúng Thần Voi. |
Bảo vệ từng thớt voi còn lại
Ông Đàng Năng Long từng phải tự nhập vai điều tra, lần tìm manh mối một băng nhóm chặt đuôi voi để báo cho nhà chức trách xử lý vào nửa đầu năm 2011. Bốn đối tượng chặt đuôi voi thú nhận, chúng còn nhổ trộm hơn 200 chiếc lông đuôi của một con voi khác, rồi bán tất cả số lông nhổ được với giá 26 triệu đồng. Lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp Việt Nam, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắc Lắc tuyên án phạt tù cả 4 đối tượng trộm lông đuôi voi.
Mới đây, thăm lại đàn voi huyện Lăk, tôi vui mừng thấy những cặp ngà voi vút khỏe và những chùm lông đuôi voi được dưỡng rậm dài. Ông Long cùng các nài voi xác nhận, việc bảo vệ voi ngày càng được mọi người quan tâm, nên các chủ voi mới dám để cả ngà lẫn lông đuôi voi mọc tự nhiên, trả lại cho voi vẻ đẹp cân xứng vốn có.
Sự an lành này có được là kết quả của cả quá trình chỉ đạo, ráo riết triển khai các kế hoạch liên quan. Bắt đầu từ năm 1996, khi Chính phủ ban hành Chỉ thị số 359 về những biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã, trong đó đặc biệt chú ý đến loài voi. Tiếp đó, là Kế hoạch hành động khẩn trương bảo tồn voi đến năm 2010 tại 3 tỉnh: Đắc Lắc, Đồng Nai, Nghệ An. Rồi Chính phủ phê duyệt đề án Hành động khẩn cấp bảo tồn voi đến năm 2020. Sau nhiều năm chờ vốn, các đề án đã lần lượt được triển khai.
|
|
Voi Cu Sứt tái xuất với chiếc vòi bị thủng. Ảnh: PHAN PHÚ |
Theo báo cáo tổng kết năm 2020 của Trung tâm Bảo tồn voi Đắc Lắc, toàn tỉnh hiện còn 42 voi nhà; trong đó huyện Buôn Đôn có 24 con voi và huyện Lắc có 18 con voi. Hồ sơ, lý lịch của đàn voi đã được cập nhật đầy đủ. Qua đó, trung tâm đã phát hiện, chữa trị được nhiều ca bệnh mà voi thường mắc và lên kế hoạch chăm sóc 8 voi cái có khả năng sinh sản. Đáng tiếc, sau quá trình ghép đôi công phu, 3 voi cái mang thai nhưng cả 3 voi con đều bị chết ngạt từ trong bụng mẹ. Nguyên nhân cùng các yếu tố liên quan đã được phân tích để rút kinh nghiệm cho những lần ghép đôi sau.
Còn đàn voi hoang dã trên các vùng rừng thuộc tỉnh hiện có khoảng 80-100 cá thể, hằng năm đều có voi con được sinh ra. Mối đe dọa lớn nhất đối với đàn voi hoang dã chính là những kẻ săn bắn voi và đặt bẫy thép lớn. Còn nhớ chính loại bẫy này đã dẫn đến cái chết thảm của chú voi Khăm Bun vào năm 2010, là con voi cuối cùng được đoàn săn phát hiện, dong về từ đại ngàn Vườn Quốc gia Yok Don, tháng 12-2006.
Đầu năm 2013, nhân viên Trung tâm Bảo tồn voi Đắc Lắc phát hiện một voi đực lạc đàn khoảng 3 tuổi, nặng cỡ 500kg đang bị thương rất nặng. Do sập bẫy thép, vòi voi bị thủng, các móng chân trước bên trái của nó đều bong mất, bàn chân sưng tấy đầy mủ. Trung tâm đã phối hợp với Vườn Quốc gia Yok Đôn và các chuyên gia Tổ chức Động vật châu Á dong chú voi được đặt tên là “Cu Sứt” này về điều trị. Thương tật trên voi Cu Sứt chưa lành hẳn thì đàn voi rừng kéo về quậy phá, khiến lực lượng phối hợp phải cắt dây trói, thả Cu Sứt trở lại rừng.
Những cuộc cứu hộ voi hoang dã sau đó, với sự hỗ trợ tâm huyết của các chuyên gia quốc tế ngày càng được tổ chức tốt hơn. Nhờ vậy, hai chú voi bị sập bẫy khác được cán bộ, nhân viên trung tâm đặt tên Jun và Gold không còn gầy gò, ốm yếu như khi mới phát hiện. Jun nay đã nặng hơn 1,1 tấn, còn Gold cũng nặng tới 900kg.
Tháng 3-2019, Trung tâm Bảo tồn voi Đắc Lắc phát hiện voi Cu Sứt trong vùng rừng giữa hai tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông với chân trước bên phải bị thương, mất một móng. Voi Cu Sứt nay khoảng 10 tuổi, nhưng cặp ngà vẫn không dài hơn thời điểm được cứu hộ lần đầu năm 2013. Trung tâm đã phối hợp với Tổ chức Động vật châu Á và một số nhóm vận động các tổ chức tài trợ kinh phí chữa thương, lập kế hoạch cứu hộ lần thứ hai cho voi Cu Sứt, dự kiến sẽ tiến hành ngay khi dịch Covid-19 tạm yên. |
Bài và ảnh: HOÀNG THIÊN NGA