Trước hết, cần khẳng định rõ việc phát triển khoa học xã hội và nhân văn không chỉ nhằm gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc mà còn trực tiếp cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Lĩnh vực này còn góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, nâng cao nhận thức chính trị, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân vào con đường xã hội chủ nghĩa mà đất nước đang kiên định xây dựng.

Trong giai đoạn hiện nay, để KHXH&NV đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước, trước hết cần đổi mới mạnh mẽ trong tư duy. Các chương trình nghiên cứu KHXH&NV cần gắn chặt với thực tiễn, bám sát nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh và yêu cầu hội nhập quốc tế. Nghiên cứu không chỉ dừng lại ở lý luận mà trở thành mũi nhọn trong việc phân tích, dự báo các xu hướng xã hội, chính trị, văn hóa, từ đó giúp định hướng dư luận xã hội theo hướng tích cực, phục vụ trực tiếp sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội. KHXH&NV phải gắn chặt với mục tiêu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, trách nhiệm xã hội, tinh thần yêu nước và ý chí vươn lên. Đây chính là nguồn lực quan trọng nhất, quyết định thành công của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. KHXH&NV phải tham gia tích cực vào việc xây dựng chuẩn mực giá trị, hình thành lối sống văn hóa, thấm nhuần tinh thần “lấy dân làm gốc”, phát huy sức mạnh nội sinh để phát triển nhanh và bền vững.

leftcenterrightdel

Các em học sinh cùng nhân chứng lịch sử tham quan tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: PHẠM HIẾU 

Để làm được điều đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường đầu tư cho KHXH&NV là điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này. Nhà nước cần quan tâm ưu tiên nguồn lực, hỗ trợ các công trình nghiên cứu trọng điểm, dự án bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, đồng thời có cơ chế khuyến khích sáng tạo, ứng dụng kết quả nghiên cứu, chuyển đổi số, đưa KHXH&NV đến gần hơn với đời sống. Mặt khác, cần đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy; xây dựng môi trường học thuật dân chủ, minh bạch, tôn trọng sự khác biệt, khuyến khích tranh luận khoa học trên tinh thần xây dựng, giải quyết được các vấn đề thực tiễn của đất nước. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ KHXH&NV vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn, tâm huyết với nghề và quan tâm hơn nữa đến công tác phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, tạo điều kiện để đội ngũ này yên tâm công tác, cống hiến lâu dài.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang biến đổi nhanh chóng, khó lường và đầy bất định, việc gắn kết chặt chẽ KHXH&NV với các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc cần được tăng cường, trở thành yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết, nhằm củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng và con đường phát triển của đất nước. KHXH&NV cũng phải trở thành mũi nhọn trong việc phân tích, dự báo các xu hướng xã hội, chính trị, văn hóa, trong giải quyết các vấn đề xã hội phức tạp, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống và sự hài lòng của người dân, hướng đến phát triển bền vững, toàn diện.

Có thể khẳng định, phát triển KHXH&NV là một nhiệm vụ chiến lược, trọng yếu. Đây chính là cơ sở cốt lõi để củng cố vững chắc nền tảng tinh thần xã hội, đồng thời phát huy mạnh mẽ nguồn lực con người, các giá trị truyền thống và bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng. Hiện nay, khi đâu đó còn những nhìn nhận chưa đúng về vai trò và chưa quan tâm đúng mực tới KHXH&NV thì càng cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, vị thế của KHXH&NV với sự phát triển của con người và xã hội, đất nước. Bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền những thành tựu nổi bật, gương điển hình tiên tiến, câu chuyện truyền cảm hứng trong lĩnh vực KHXH&NV, qua đó góp phần tôn vinh những giá trị truyền thống, lan tỏa tinh thần yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, củng cố niềm tin, xây dựng bản lĩnh chính trị, tinh thần tự giác, tự cường trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

TS NGUYỄN ĐÌNH QUỲNH, Học viện Chính trị khu vực I