Khoa học xã hội theo nghĩa rộng nhất là ngành khoa học nghiên cứu xã hội, con người và mối quan hệ giữa cá nhân với xã hội ấy.
Khoa học xã hội có thể được chia thành các lĩnh vực nhỏ hơn, như: Khoa học xã hội và khoa học nhân văn. KHXH&NV có lịch sử lâu đời, tồn tại cùng xã hội loài người, đặc biệt phát triển mạnh vào thế kỷ 19, có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của nhân loại. Tuy nhiên, gần đây các ngành KHXH&NV có vẻ lâm vào khủng hoảng, nhiều người e ngại khi thấy những ngành này “lép vế” trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học tự nhiên.
KHXH&NV đang đứng trước quá trình toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng chưa từng thấy. Toàn cầu hóa thể hiện ở tăng cường sự liên kết và phụ thuộc lẫn nhau của các nền kinh tế quốc gia, khu vực và địa phương trên toàn thế giới thông qua việc tăng trưởng và cải thiện của các lĩnh vực kinh tế như sản xuất, thương mại, tài chính và dịch vụ. Toàn cầu hóa đưa đến sự phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống và nâng cao trình độ giáo dục, y tế cho người dân. Toàn cầu hóa thể hiện ở sự giao lưu mạnh mẽ giữa các quốc gia, ở sự đi lại thuận tiện, nhanh chóng mà hàng không quốc tế mang lại.
Trong quá trình đó xuất hiện những “công dân toàn cầu” với khả năng làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới. Thứ hai là sự tích hợp tri thức khoa học xã hội với khoa học tự nhiên và công nghệ. Ngày nay, các trí thức khoa học xã hội khó có thể làm việc hiệu quả nếu không biết đến máy tính, trí tuệ nhân tạo hay những tri thức khoa học tự nhiên và công nghệ khác. Cùng với đó, trên thế giới, các ngành khoa học xã hội đang tiến bộ không ngừng, dễ thấy nhất là ở các ngành: Kinh tế học, tâm lý học, ngôn ngữ học, nhân học, giáo dục học... Những trí thức khoa học xã hội muốn phát triển thì không thể không học hỏi các tri thức mới ấy và hòa mình vào xu thế chung của nhân loại.
Trước thách thức đó, việc đào tạo các ngành KHXH&NV ở đại học cũng phải thay đổi nhanh chóng khác trước. Đi vào chi tiết thì mỗi ngành học có những đòi hỏi cụ thể, tuy nhiên nói một cách tổng quát nhất thì có 4 từ khóa sau đây: Cơ bản, liên ngành, tư duy logic và toàn cầu hóa. Cơ bản là đào tạo nền tảng, đào tạo tư duy và phương pháp khoa học, theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để đáp ứng tình hình biến đổi nhanh chóng của khoa học. Đào tạo liên ngành vì tính liên ngành đang là tính chất phổ biến trong KHXH&NV hiện nay. Đồng thời đào tạo liên ngành có thể giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận thị trường lao động. Tư duy logic và toàn cầu hóa đòi hỏi người học phải có khả năng toán học và ngoại ngữ tốt.
Để đáp ứng tình hình đó, yêu cầu học sinh muốn thi vào các ngành KHXH&NV phải có sự chuẩn bị từ sớm, học tốt cả Văn, Toán, ngoại ngữ và một định hướng KHXH&NV nào đó. Đồng thời, các trường đại học KHXH&NV cần có lộ trình tuyển sinh, đào tạo phù hợp. Chẳng hạn, nếu có dự kiến tuyển sinh khối mới hoặc dừng tuyển sinh khối học nào thì cần có lộ trình dài hạn cho học sinh chuẩn bị và có định hướng ngành học, nghề nghiệp phù hợp, hiệu quả nhất.
PGS, TS ĐOÀN LÊ GIANG, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh