Đào tạo nghề theo đơn đặt hàng
Trong bối cảnh phát triển kinh tế và HNQT, mô hình đào tạo nghề theo đơn đặt hàng trở thành một xu thế tất yếu trong GDNN tại Việt Nam. Đây là mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, giúp cả hai đều đạt được mục tiêu của mình: Doanh nghiệp có nguồn nhân lực chất lượng cao, còn nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo và khả năng cung ứng lao động.
Trường Cao đẳng nghề (CĐN) Bách khoa Hà Nội là một trong những cơ sở giáo dục đi đầu trong việc áp dụng mô hình này. Theo PGS, TS Đỗ Văn Trường, Phó hiệu trưởng Trường CĐN Bách khoa Hà Nội thì mối quan hệ giữa nhà trường và các doanh nghiệp là một trong những yếu tố then chốt giúp thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao; trong đó hai bên đều có vai trò và trách nhiệm trong quá trình đào tạo. Doanh nghiệp cung cấp thông tin về nhu cầu lao động, yêu cầu kỹ năng và công nghệ mới, từ đó giúp nhà trường điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp. Ngược lại, nhà trường cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Câu chuyện của em Nguyễn Thị Minh Thư, sinh năm 2003, sinh viên nữ duy nhất ngành cơ điện tử vừa bảo vệ đồ án tốt nghiệp, là một minh chứng sống động cho hiệu quả của mô hình đào tạo này. Minh Thư đã được một doanh nghiệp đặt hàng cho vị trí kỹ thuật viên với mức lương khởi điểm 15 triệu đồng/tháng trước khi tốt nghiệp. Minh Thư chia sẻ: "Em lựa chọn ngành cơ điện tử vì con gái học ngành này ít nên cũng ít có sự cạnh tranh. Trong 3 năm học, em thấy chương trình đào tạo của nhà trường khá khớp với công việc của doanh nghiệp sau khi ra trường". Với Chữ Việt Hoàng, sinh năm 2003, dù đủ điểm trúng tuyển vào đại học, nhưng lại quyết định chọn học cao đẳng để rút ngắn thời gian và có thêm cơ hội thực hành tại doanh nghiệp. “Em lựa chọn học cao đẳng thay vì đại học là muốn rút ngắn thời gian để tìm công việc sớm hơn", Hoàng chia sẻ.
Theo thầy giáo Đặng Quốc Hưng, Trưởng bộ môn Cơ điện tử, Trường CĐN Bách khoa Hà Nội: Sinh viên được đào tạo sát với thực tế của doanh nghiệp. Khi ra trường, các em được tiếp cận và đảm nhận công việc ở nhà máy, vì các em đã được đào tạo trên dây chuyền rất gần với thực tế trong nhà máy. Sau khi đào tạo tại trường, các em sẽ tiếp tục được đào tạo tại doanh nghiệp. Hiện tại, ngành cơ điện tử đang "cháy hàng", tức là 100% sinh viên sau khi ra trường sẽ được tiếp nhận vào làm việc tại doanh nghiệp.
Việc đào tạo nghề theo đơn đặt hàng không chỉ giúp doanh nghiệp có được nguồn nhân lực sẵn sàng làm việc ngay mà còn giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận thực tế, nâng cao kỹ năng và chuẩn bị tốt cho tương lai. Theo thống kê của Tổng cục GDNN, tỷ lệ sinh viên học nghề có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt 90% vào năm 2023, trong đó nhiều ngành nghề đạt tỷ lệ 100%, với thu nhập hằng tháng từ 10 đến 15 triệu đồng. Điều này cho thấy, mô hình đào tạo này đã và đang đóng góp tích cực vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế. Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, nhấn mạnh: "Việc gắn kết giữa 3 bên là nhà trường-nhà nước-doanh nghiệp đã tạo dựng sự thành công cho kết quả của GDNN, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Việc này được xác định rất lâu và thể chế hóa trong Luật GDNN, trong đó có một chương quy định kết hợp gắn kết với doanh nghiệp. Chúng tôi xác định gắn kết doanh nghiệp trên phương diện hài hòa lợi ích và trách nhiệm xã hội".
Như vậy, đào tạo nghề theo đơn đặt hàng không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là một chiến lược hiệu quả, mang lại lợi ích to lớn cho cả sinh viên, doanh nghiệp và nhà trường; đồng thời góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
|
|
Sinh viên ngành công nghệ ô tô của Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội thực hành tại nhà xưởng. |
Xu hướng hội nhập quốc tế
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển không ngừng của công nghệ, việc tiếp cận và áp dụng các tiêu chuẩn đào tạo quốc tế đang trở thành xu hướng tất yếu trong GDNN tại Việt Nam. Đây không chỉ là một bước đi chiến lược để nâng cao chất lượng giáo dục mà còn giúp Việt Nam khẳng định vị thế của mình trên bản đồ GDNN khu vực và thế giới.
Việc tiếp cận các tiêu chuẩn đào tạo của ASEAN-4 và G20 được xem là một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo PGS, TS Đỗ Văn Trường, Trường CĐN Bách khoa Hà Nội đã ứng dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến như dạy tích hợp, dạy qua thực tập trải nghiệm và dạy theo tình huống thực tế. Điều này giúp sinh viên không chỉ nắm vững lý thuyết mà còn phát triển các kỹ năng thực hành, làm việc nhóm và giải quyết vấn đề. Nhà trường cũng đầu tư các phòng thực hành với những trang thiết bị, máy móc hiện đại theo công nghệ mới.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp GDNN của Việt Nam “thay da đổi thịt” là việc cải tiến chương trình đào tạo, mở ra những ngành học mới sát với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động và ứng dụng công nghệ hiện đại. Ví dụ điển hình là Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã tiên phong mở ngành học kỹ sư bán dẫn với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên. Ông Trần Thanh Bình, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Nhà trường đã có những trung tâm thực hành công nghệ cao về tự động hóa".
Việc hợp tác với các tổ chức giáo dục uy tín từ các quốc gia phát triển cũng đang được các cơ sở GDNN tại Việt Nam đẩy mạnh. Sự hợp tác này không chỉ mang lại cho sinh viên cơ hội học tập và thực hành trên các thiết bị và công nghệ tiên tiến mà còn giúp họ tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động. Thực tế đã chứng minh, sinh viên Việt Nam khi được đào tạo theo chuẩn quốc tế đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc trên đấu trường quốc tế, như sinh viên Trương Thế Diệu của Trường CĐN Bách khoa Hà Nội đoạt huy chương bạc tại Cuộc thi tay nghề thế giới tổ chức ở Liên bang Nga năm 2019.
Sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp GDNN tại Việt Nam tiệm cận các tiêu chuẩn đào tạo quốc tế. Ông Phạm Vũ Quốc Bình mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, phát triển công nhận bằng cấp kỹ năng giữa các quốc gia với nhau. Học sinh, sinh viên của Việt Nam khi ra trường không những phục vụ cho thị trường lao động trong nước mà còn phục vụ cho thị trường lao động nước ngoài.
GDNN tại Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của sự chuyển mình mạnh mẽ, với những mô hình đào tạo tiên tiến và xu hướng HNQT ngày càng rõ nét. Việc đào tạo nghề theo đơn đặt hàng không chỉ đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp mà còn mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên, giúp họ sẵn sàng bước vào thị trường lao động với kỹ năng và kiến thức vững vàng. Đồng thời, việc tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế đã và đang nâng cao chất lượng GDNN, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ giáo dục thế giới. Với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự quyết tâm của các cơ sở giáo dục và sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, GDNN tại Việt Nam hứa hẹn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước, đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu về GDNN trong khu vực.
Tiêu chuẩn đào tạo của ASEAN-4 và G20 là phát triển GDNN theo trình độ của 4 nước phát triển nhất khối ASEAN gồm Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia và nhóm 20 nước phát triển nhất thế giới: Argentina, Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). |
Bài và ảnh: BẢO YẾN