Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ông cha ta nhìn nhận về việc bồi dưỡng, sử dụng nhân tài như thế nào?  

GS, TSKH Vũ Minh Giang: Nhân tài là những người được coi là tinh hoa của cộng đồng người, chiếm tỷ lệ không nhiều nhưng lại là tầng lớp có vai trò quan trọng, tập trung trí tuệ, năng lực, tài thao lược… Ông cha ta dựng xây đất nước, sinh cơ lập nghiệp trên vùng đất nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thử thách hiểm nghèo. Đối phó với thiên tai, địch họa đã là bài toán cần trí tuệ; đồng thời lại liên tục phải tổ chức các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm nên cần tập trung nhiều sức lực, trí tuệ. Vì vậy, nhận thức về việc sử dụng nhân tài của ông cha ta có từ rất sớm.

Trên văn bia Đại Bảo thời vua Lê Thánh Tông đã ghi những nội dung là kết tinh về tư tưởng dùng người tài. Tư tưởng này quan trọng và cũng là bài học lớn cho chúng ta ở chỗ, khi nào ta hiểu được hiền tài là nguyên khí của quốc gia thì nhận thức về việc dùng người mới thật sâu sắc. Tức là, nếu tầng lớp tinh hoa này được trọng dụng, phát huy được tài năng thì đất nước sẽ đi lên, và khi nguyên khí quốc gia suy giảm thì đất nước đi xuống… Như vậy, từ thế kỷ 15 ông cha ta đã đúc kết được điều này và tổng kết thành triết lý cho sự phát triển đất nước. Nhận thức ấy, bài học trọng dụng nhân tài ấy không bao giờ xưa cũ.

GS, TSKH Vũ Minh Giang. Ảnh: Dương Thu.

Cuối cùng, câu chuyện đi đến một điều giản dị mà chúng ta luôn cần ôn lại lịch sử là: Việc dùng người còn quan trọng hơn cả đào tạo. Dùng người là cách để thể hiện tài năng thật sự. Bởi việc đào tạo, rèn luyện, từng người đều có thể tự làm được. Nhưng nếu phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng xong không dùng hay dùng không đúng sẽ làm thui chột tài năng; hoặc là cơ hội để những kẻ ngụy nhân tài lợi dụng vào trú ngụ, hưởng lợi.

Chúng ta thường hay nhắc đến quy trình: Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng rồi đến sử dụng nhân tài, nhưng có lẽ phải đổi ngược lại như kinh nghiệm ông cha ta: Biết dùng người sẽ tự sinh ra người tài. Như việc thi tiến sĩ xưa, các thí sinh đều tự học và chỉ qua kỳ sát hạch, nhưng sau đó người tài được trọng dụng thì người ta nô nức tự học, đi thi. Nhà nước lúc đó làm gì có trường để đào tạo họ.

PV: Bài học của ông cha ta vận dụng trong bối cảnh nước ta hiện nay như thế nào, thưa Giáo sư?

GS, TSKH Vũ Minh Giang: Nước ta đã có ý thức dùng người tài, về mặt văn bản pháp lý đã đánh giá cao vai trò nhân tài. Từ tư tưởng Hồ Chí Minh rồi quan điểm Đảng ta sau này đều có chính sách để tạo điều kiện phát hiện, tìm chọn người tài, như việc chúng ta có trường chuyên, lớp chọn từ sớm.

Tuy nhiên, nếu soi vào ông cha ta, dường như chúng ta đang chú trọng đến việc thực hiện một quy trình lý tưởng, mà lý tưởng quá lại hóa ra dễ vượt qua, theo cách người ta đáp ứng đủ các tiêu chí của quy trình. Cần giỏi thì có đủ bằng cấp, cần uy tín quần chúng thì lấy phiếu… mà chưa hẳn là thực chất. Quy trình này có tính hình thức rất cao. Trong khi đó, quá trình chọn, bồi dưỡng người tài tương đối đúng, nhưng đến lúc sử dụng lại áp dụng quy trình không còn giống việc tìm chọn người tài ban đầu để đào tạo nữa. Ví dụ như việc tuyển chọn ở các trường chuyên, lớp chọn là tương đối đúng, nhưng lúc sử dụng những người này lại áp dụng nhiều quy trình như mọi người mà yếu tố tài năng trong sử dụng không được đề cao. Đó là điều chúng ta phải chú ý.

PV: Giáo sư có nhận xét gì về thực trạng dùng người tài của Đảng, Nhà nước ta hiện nay?

GS, TSKH Vũ Minh Giang: Đảng, Nhà nước ta hiện nay đã có những chủ trương ở tầm cao như cương lĩnh, nghị quyết đến những chính sách cụ thể cho thấy rằng ta rất trọng thị trong việc dùng nhân tài. Nhưng tài năng đã được sử dụng hết chưa thì nhiều người có thể trả lời rằng thực tế là chưa. Tức là ta đã để sót nhiều nhân tài.

Nước ta chưa có được chiến lược nhân tài một cách lâu dài, bền vững, hệ thống như nhiều nước trên thế giới. Chiến lược này phải bắt đầu bằng việc phát động trong xã hội có thái độ trân trọng người tài. Với văn hóa Việt Nam, việc khen người này, chê người kia tương đối tự phát, tùy tiện; yếu tố đố kỵ, ganh ghét vốn có của tâm lý tiểu nông chi phối xã hội, khiến cho những ai khác người, nổi trội dễ bị "ném đá"… Vì vậy, phải có biện pháp tạo môi trường để nhân tài có thể phát triển.

Việc thứ hai là phải có đánh giá thống nhất về vai trò nhân tài trong sự phát triển đất nước nói chung. Hiền tài là người có cả đức và tài. Xác định được vị trí của họ, tức là như ông cha ta xưa coi họ là nguyên khí quốc gia thì khi có chính sách, chế độ đặc biệt để khuyến tài cũng không có sự hiềm tỵ.

Việc thứ ba là có cách sử dụng nhân tài. Thực tế, nhiều nơi có chính sách ưu tiên sử dụng thủ khoa, nhưng đôi khi họ chỉ là người chăm học thôi, chưa hẳn là người tài; hoặc việc đánh giá qua các cuộc thi lý thuyết, đôi khi chỉ là chọn ra người giỏi học thuộc lòng. Thay vào đó, từ những vấn đề cụ thể, người có tài phải là người biết vận dụng những kiến thức, khả năng để đưa ra ý tưởng giải quyết vấn đề… Ở nhiều nước họ đã làm như vậy. Tất nhiên, kết quả học tập là một điều kiện, nhưng không đồng nghĩa với người tài.

Sắp tới, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 7, khóa XII bàn về xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, tôi cho rằng nên đưa vào tiêu chí cho đội ngũ cán bộ này là phải biết dùng người tài, trọng người tài. Tuyệt đối không đưa những người có tính đố kỵ, ganh ghét vì đó chính là người kiềm chế nhân tài. Người tài năng rất quý nhưng người biết dùng người tài mới quan trọng.

Chúng ta cần có chính sách đãi ngộ, bảo vệ danh dự người tài để họ tận tâm, tận lực cho công việc và tránh tình trạng bình quân chủ nghĩa. Thậm chí có thể đi tắt quy trình bổ nhiệm vào các vị trí cao hơn nếu họ có công lớn, thực tài. Bên cạnh đó cũng cần có chính sách khơi dậy tính tự trọng, nhân cách của người được coi là hiền tài để họ biết tự bảo vệ mình khỏi tha hóa.

Niềm vui của sinh viên khi trở thành tân cử nhân. Ảnh: viettimes.vn

PV: Như Giáo sư phân tích, nhân tài phải khẳng định trong công việc thực tế. Hiện nay, tham nhũng đang là vấn nạn nhức nhối của xã hội. Vậy, chúng ta cần làm gì để có nhân tài trong lĩnh vực chống “giặc nội xâm” này?

GS, TSKH Vũ Minh Giang: Trước tiên, ta phải xem nguyên nhân của tham nhũng từ đâu? Tham nhũng không thể là doanh nghiệp tư nhân, dân thường mà từ những người có thể sử dụng quyền lực của mình để trục lợi. Nguồn gốc của tham nhũng là vì quyền lực không được giám sát để người ta có thể thao túng quyền lực... Vì thế, nhân tài ở lĩnh vực này chính là người đưa ra được giải pháp tổng thể để kiểm soát quyền lực.

Trong Dự thảo Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 7, khóa XII, tôi cũng có tham gia và có đưa ra những ý kiến làm sao đề cao hơn nữa giải pháp sử dụng nhân tài; làm sao tìm cách khắc phục, khắc chế những người có quyền lực; đưa ý tưởng xây dựng chiến lược nhân tài để phát triển đất nước trong thời kỳ mới…

PV: Trong lĩnh vực kinh tế, chúng ta cần làm gì để ngày càng có thêm nhiều tài năng, thưa Giáo sư?

GS, TSKH Vũ Minh Giang: Chúng ta đang thấy sự xuất hiện ngày càng nhiều tài năng trong lĩnh vực kinh doanh, bằng sự xuất hiện những tập đoàn kinh tế ngoài quốc doanh, những doanh nhân… Nhưng nhân tài ở lĩnh vực kinh tế ngoài quốc doanh còn gặp nhiều khó khăn mà trước hết là chưa được sự bình đẳng đúng nghĩa với các doanh nghiệp quốc doanh trong việc tiếp cận vốn, chính sách…

Một nền kinh tế được tự do phát triển bình đẳng theo quy luật cung cầu thì mới phát triển thực sự và chống đỡ được rủi ro. Nếu doanh nghiệp Nhà nước được bao bọc, nâng đỡ sẽ dễ biến thành nơi chứa đựng những yếu tố rủi ro, trong đó có việc tiêu cực, tham nhũng. Doanh nghiệp Nhà nước không phải của người đứng đầu nên lãnh đạo có thể không thật sự quan tâm đến sự phát triển doanh nghiệp, thậm chí có người còn đánh đổi lợi ích doanh nghiệp cho lợi ích cá nhân. Điều đó là phi kinh tế. Chúng ta có thể thấy ví dụ đó trong các vụ án tham nhũng lớn gần đây. 

Để có nhiều nhân tài trong lĩnh vực kinh tế, trước hết cần tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển trong điều kiện bình đẳng. Gần đây, sau đại hội lần thứ 12 của Đảng, một loạt chính sách mới quan tâm nhiều hơn đến vai trò kinh tế ngoài quốc doanh đã bước đầu làm khởi sắc nền kinh tế.

Tuy nhiên, để đánh giá nhân tài trong lĩnh vực kinh doanh, theo tôi cần dựa vào hai tiêu chí. Một là, doanh nghiệp có đem lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc hay không chứ không phải chỉ nhìn vào tiền vốn, đầu tư bao nhiêu... Hai là, vị thế của doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế như thế nào, được quốc tế đánh giá ra sao? Khi hai tiêu chí đó giao nhau thì mới thể hiện được doanh nghiệp như thế nào, người lãnh đạo có là nhân tài hay không.

PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

THU HÒA (thực hiện)