Phan Đăng Hoàng sinh năm 2000 tại Nghệ An, trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Ông bà ngoại anh là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Mẹ Phan Đăng Hoàng từng học sư phạm nhạc, có lẽ vì thế mà Phan Đăng Hoàng sẵn có khiếu nghệ thuật từ trong máu.

Năm 3 tuổi, Phan Đăng Hoàng đã bắt đầu những nét vẽ đầu tiên. Năm 16 tuổi, anh được Tạp chí Art People của Mỹ ghi nhận là “thiên tài vẽ truyền thần”. Năm 21 tuổi, Phan Đăng Hoàng xuất hiện trên tạp chí danh giá Vogue Italy. Phan Đăng Hoàng cũng là người Việt Nam đầu tiên nhận học bổng chuyên ngành thiết kế thời trang của Học viện Nuova Accademia di Belle Arti (Milan)-ngôi trường đại học danh giá nhất Italy và nằm trong Top 20 trường thiết kế thời trang danh giá nhất thế giới vào năm 2018. Năm 2022, ngay sau khi tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc, Phan Đăng Hoàng đã góp mặt trong Tuần lễ thời trang Afro Thu Đông (tại Milan), với bộ sưu tập lấy cảm hứng từ những làng nghề thủ công lâu đời ở quê hương Việt Nam.

leftcenterrightdel

  Nhà thiết kế Phan Đăng Hoàng.Ảnh do nhân vật cung cấp

Thành công lớn đầu tiên đến với Phan Đăng Hoàng vào năm 2023 khi anh trình làng bộ sưu tập “Sculpture” tại Tuần lễ thời trang Milan. Ý tưởng về bộ sưu tập này đến từ câu chuyện của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị. Đó là câu chuyện về một nhà điêu khắc sống bằng đam mê nghệ thuật và đến tận năm 40 tuổi, tài năng của bà mới bộc lộ và được cả thế giới công nhận.

leftcenterrightdel
 Các mẫu thiết kế trong bộ sưu tập “Ceramics” lấy cảm hứng từ hình ảnh người phụ nữ Việt Nam một thế kỷ trước. Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Sau thành công với bộ sưu tập “Sculpture”, Phan Đăng Hoàng “thừa thắng xông lên”, tiếp tục tham dự Tuần lễ thời trang Milan bằng bộ sưu tập “Sonder” với hình thức trực tuyến. Bộ sưu tập “Sonder” được Phan Đăng Hoàng thực hiện chưa đầy hai tháng. “Sonder” khắc họa hình tượng người phụ nữ Việt Nam kiên định, bền bỉ, giàu tình yêu thương, lãng mạn và đầy lòng kiêu hãnh. Đây cũng là thương hiệu Việt Nam duy nhất xuất hiện trong lịch trình chính thức của Tuần lễ thời trang Milan Thu Đông 2024. Cũng năm này, tại Tuần lễ thời trang Milan tổ chức vào tháng 9, Phan Đăng Hoàng cho ra mắt bộ sưu tập "Ceramics". “Ceramics” lấy cảm hứng từ hình ảnh người phụ nữ Việt Nam một thế kỷ trước dưới góc nhìn hiện đại, cách tân và đầy sáng tạo.

Năm 2024, Phan Đăng Hoàng có tên trong danh sách “30 Under 30 Asia” (những người dưới 30 tuổi có tầm ảnh hưởng nhất châu Á) bảng “Nghệ thuật” của Tạp chí Forbes và vinh dự nhận Giải thưởng “Gương mặt trẻ ấn tượng” trong lĩnh vực văn hóa tại VTV Awards của Đài Truyền hình Việt Nam.

Năm 2025, tại Tuần lễ thời trang Milan diễn ra đầu tháng 3, Phan Đăng Hoàng cho ra mắt bộ sưu tập “ZigZag” lấy cảm hứng từ giấy dó. Bộ sưu tập đã tạo nên tiếng vang lớn đối với công chúng, đặc biệt là những người yêu thích thời trang và văn hóa Việt Nam. Các thiết kế của Phan Đăng Hoàng thể hiện tinh thần giao thoa văn hóa Đông-Tây cùng nguồn năng lượng tích cực, trẻ trung. Thế mạnh của Phan Đăng Hoàng là cách chơi màu trên cùng một trang phục. Các bộ sưu tập của anh đều có chung cảm hứng đến từ người nghệ sĩ của Việt Nam hay chất liệu Việt như: Gốm sứ, văn hóa truyền thống, điêu khắc, kiến trúc... Các bộ sưu tập này đều gây được tiếng vang trong làng thời trang quốc tế, như: Bộ sưu tập “Quintessence” lấy cảm hứng từ các làng nghề thủ công Việt Nam, “La Peinture” với cảm hứng từ tinh hoa văn hóa Việt, “Mirage”-sự gắn kết siêu thực giữa hình tượng con người và thiên nhiên Tây Bắc...

leftcenterrightdel
Các mẫu thiết kế trong bộ sưu tập “Ceramics” lấy cảm hứng từ hình ảnh người phụ nữ Việt Nam một thế kỷ trước. Ảnh do nhân vật cung cấp

Trở thành một hiện tượng thành công trong ngành thời trang từ rất sớm tại Milan nhưng Phan Đăng Hoàng lại quyết định trở về để phát triển sự nghiệp trên chính quê hương mình. Khi về Việt Nam, những câu chuyện văn hóa, đời sống và con người của quê hương được anh tiếp tục sử dụng để tạo nên các tác phẩm thời trang vô cùng độc đáo... Theo Phan Đăng Hoàng, các bộ sưu tập của anh giới thiệu đến bạn bè quốc tế giá trị truyền thống, con người Việt Nam với nhiều màu sắc văn hóa nổi bật. Văn hóa chính là cội nguồn của một dân tộc. Việc kết hợp văn hóa truyền thống với thời trang hiện đại là cơ hội để nhà thiết kế phát huy và gìn giữ những nét bản sắc của dân tộc. Đó cũng là hành động tôn vinh những giá trị lịch sử lâu đời, lưu giữ chúng để tạo nền móng cho thế hệ mai sau có thể hiểu, trân trọng và tiếp nối con đường đó. Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với các nhà thiết kế là làm sao để giữ được hồn cốt, tinh hoa của văn hóa, nhưng vẫn bảo đảm sự hiện đại, tiệm cận với xu hướng thời trang đương đại.

HOÀNG OANH