Thời trang Việt rời bỏ cuộc chơi

Nhìn lại lịch sử, đầu thập niên 2010 được coi là “thuở vàng son” của thời trang Việt. Hàng loạt thương hiệu “made in Vietnam” ra đời với có độ phủ sóng nhanh, cửa hàng đều đặt tại các tuyến đường sầm uất nhất. Trong đó, có thể kể đến Ninomaxx, Foci, The Blues (Blue Exchange), Canifa, Việt Thy, Ha Gattini, PT2000, N&M, Nem, Elise, Ivy Moda, Maxx Style...

Thế nhưng, “thuở vàng son” ấy kéo dài không được bao lâu. Chỉ sau chừng một thập niên chiếm lĩnh thị trường nội địa, hầu hết thương hiệu đã âm thầm biến mất hoặc thu hẹp quy mô. Đặc biệt, liên tiếp trong hai năm gần đây, hàng loạt thương hiệu thời trang Việt phải “rời bỏ cuộc chơi” với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Điều đáng nói là hầu hết thương hiệu đã khẳng định được vị trí trên thị trường cả chục năm qua như: Catsa, Elpis, Giian, Lep' hay MIÊU... Trong đó, thương hiệu thời trang nam Catsa có lịch sử hơn 13 năm với chuỗi 22 cửa hàng. Tương tự, thương hiệu thời trang thiết kế Elpis dừng hoạt động sau 10 năm kinh doanh. Trước đó, Elpis là một trong những thương hiệu nội địa đình đám, được hàng loạt sao Việt như: Lan Ngọc, Tiểu Vy, Hòa Minzy, Ngọc Trinh... ưa chuộng. Sự “ra đi” của thời trang Lep' sau hành trình 8 năm phát triển với 17 chi nhánh trên cả nước cũng khiến nhiều tín đồ thời trang ngậm ngùi. Thương hiệu “made in Vietnam” này từng có tới 1 triệu người theo dõi trang Facebook. Bà Nguyễn Ngọc Trâm, Tổng giám đốc Lep' thừa nhận "đây chưa bao giờ là một quyết định dễ dàng", nhưng bản thân cảm thấy kiệt sức và không thể tiếp tục theo kịp sự phát triển chóng mặt của thị trường thời trang.

leftcenterrightdel

 GenViet - thương hiệu thời trang Việt trụ vững trong cuộc cạnh tranh khốc liệt. Ảnh:  GenViet

Gần đây nhất, những tháng đầu năm 2025, liên tiếp 3 thương hiệu thời trang từng in dấu trong lòng khách hàng cũng lần lượt ra đi. Đó là Hnoss với hành trình 17 năm và 36 cửa hàng khắp toàn quốc. Hnoss là thương hiệu thời trang công sở nữ giới, thành lập từ năm 2008, từng đạt doanh thu tới 122 tỷ đồng vào năm 2019. Cùng đó là thương hiệu giày MỘT và thương hiệu thời trang The Peachy.

Sự hụt hơi của các doanh nghiệp thời trang Việt đến từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên, trực tiếp là sự du nhập nhiều thương hiệu thời trang phân khúc trung bình từ các nước châu Âu, châu Á, Mỹ vào Việt Nam. Đa số các doanh nghiệp đứng sau các thương hiệu này đều trường vốn, hệ thống phân phối lớn trên toàn cầu nên bảo toàn quy mô tốt hơn trong bối cảnh thị trường giảm mua sắm. Nguyên nhân thứ hai là hàng thời trang giá rẻ từ Trung Quốc được bán trên các nền tảng thương mại điện tử, đến thẳng tay người tiêu dùng. Về phía nguyên nhân chủ quan, thời trang Việt tỏ ra đuối sức trong cập nhật, thay đổi thiết kế mẫu mã và năng lực tài chính.

Thời trang ngoại liên tục mở rộng

Trái ngược với tình cảnh u ám của thời trang Việt, các thương hiệu thời trang nước ngoài vẫn không ngừng mở rộng quy mô. Uniqlo là một ví dụ điển hình khi nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam chỉ sau 5 năm có mặt. Tính đến cuối năm 2024, Uniqlo đã sở hữu 27 cửa hàng trên toàn quốc và dự kiến tiếp tục mở rộng ra các thành phố mới như Biên Hòa và Huế. Thương hiệu H&M sau khi ra mắt cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2017, đến nay đã hiện diện tại 5 tỉnh, thành phố với 13 cửa hàng.

Một thương hiệu thời trang quốc tế khác cũng rất thành công ở Việt Nam là Zara. Năm 2016, thương hiệu thời trang Tây Ban Nha này mở cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam. Chỉ sau 3 năm, tổng doanh thu của Zara Việt Nam đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Những năm tiếp theo, dù thương hiệu này không tiết lộ doanh thu nhưng ước tính, ngoại trừ năm 2021 (đại dịch Covid-19 hoành hành), Zara thu đều đặn cả nghìn tỷ đồng/năm.

Các thương hiệu thời trang cao cấp như: Dior, Louis Vuitton, Tiffany & Co và Berluti... cũng liên tiếp mở cửa hàng tại Việt Nam. Một số thương hiệu trung cấp như: Mango, CK và Nike... cũng liên tục gia tăng sự hiện diện, đẩy mạnh chiến dịch tiếp thị, tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt.

Bên cạnh đó, xu hướng mua sắm trực tuyến và livestream đang đẩy nhanh sự mở rộng của các thương hiệu ngoại. Các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội giúp họ tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn, đồng thời tối ưu chi phí vận hành. Điều này tạo ra lợi thế lớn so với các thương hiệu nội, vốn gặp nhiều thách thức trong việc xây dựng hệ thống bán hàng trực tuyến hiệu quả.

Theo ước tính của Vietdata, hiện nay, trên thị trường Việt Nam có khoảng 200 thương hiệu thời trang quốc tế, chiếm hơn 60% thị phần trong nước và có tốc độ tăng trưởng trung bình rất ấn tượng 15-20%/năm.

Thương hiệu Việt còn cơ hội?

Trong bối cảnh chịu sức cạnh tranh khốc liệt của thời trang ngoại, vẫn có những thương hiệu Việt trụ vững, như: GenViet, OnOff, IVY moda, Blue Exchange, Canifa, Yody Fashion... Trong đó, một số thương hiệu phát triển rất mạnh mẽ như OnOff có hệ thống phân phối lên đến 1.000 điểm bán hàng tại các siêu thị, cửa hàng thời trang và trung tâm thương mại trên khắp đất nước. Hàng năm, OnOff tung ra thị trường hơn 4 triệu sản phẩm. Hay GenViet mỗi năm bán ra khoảng 1,6 triệu sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của hơn 6 triệu khách hàng trên toàn quốc...

Những điển hình trên cho thấy, doanh nghiệp Việt kinh doanh trong lĩnh vực thời trang hoàn toàn có cơ hội cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại nếu có hướng đi hiệu quả.

Theo các chuyên gia, đây là thời điểm các doanh nghiệp thời trang Việt, nếu muốn tồn tại và phát triển, giải pháp đầu tiên là phải đầu tư vào các nền tảng thương mại điện tử, tạo ra những trải nghiệm mua sắm trực tuyến thân thiện và thuận tiện nhất cho người tiêu dùng. Xu hướng mua sắm trực tuyến đang phát triển bùng nổ ở Việt Nam, đặc biệt từ đại dịch Covid-19. Vì thế, các thương hiệu thời trang nội địa cần tập trung vào hoạt động đa kênh, nơi thương mại điện tử và cửa hàng bán lẻ bổ trợ cho nhau. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa người mua và nhà bán lẻ thời trang nội địa cần được tăng cường thông qua giao tiếp hiệu quả để nhu cầu của người tiêu dùng được đáp ứng một cách thích hợp. Hơn thế nữa, khi nhận thức của người tiêu dùng về tính bền vững ngày càng tăng, các nhà bán lẻ thời trang nội địa nên xem marketing xanh là một công cụ quan trọng nhằm tạo lợi thế cạnh tranh với khối ngoại. Mặt khác, phải tổ chức được phân phối hàng hóa từ sản xuất thẳng đến tay người tiêu dùng, không để người tiêu dùng chịu quá nhiều chi phí vì logistics yếu kém.

Theo dự báo của một công ty nghiên cứu thị trường, quy mô thị trường thời trang Việt Nam đến năm 2028 có thể đạt 6,5 tỷ USD. Đây là cơ hội, cũng là thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp thời trang Việt Nam. Trong thế giới thương mại rộng mở như hiện tại, doanh nghiệp thời trang Việt để tồn tại và phát triển, không còn giải pháp nào khác ngoài tự vươn lên cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài.

BẢO HÂN