Góp phần “dệt” nên câu chuyện văn hóa
Tuần lễ áo dài lần thứ 11 diễn ra sôi động với gần 3.000 người tham gia đồng diễn dân vũ tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP Hồ Chí Minh), 50.000 người tại các điểm đến ở 21 quận, huyện và TP Thủ Đức, 500 người diễu hành cổ phục và hơn 550 mẫu áo dài được trình diễn bởi nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu... Những con số này cho thấy sức hút và sự quan tâm của cộng đồng đối với lễ hội, với áo dài.
Từ một sự kiện mới mẻ với mục tiêu ban đầu là khơi dậy tình yêu áo dài trong lòng công chúng và du khách, Lễ hội áo dài giờ đây không chỉ đánh dấu sự thành công trong việc thực hiện sứ mệnh đó mà còn trở thành biểu tượng trang phục đặc sắc, ngày càng lan tỏa giữa lòng thành phố. Người dân ngày càng có xu hướng mặc áo dài thường xuyên. Nhiều nhà thiết kế thực hiện các buổi trình diễn thời trang áo dài, nhiều làng nghề làm vải áo dài được biết đến hơn, không chỉ giới hạn trong các dịp lễ hội như trước đây.
Nhiều năm gắn bó với Lễ hội áo dài trong vai trò Đại sứ hình ảnh, Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết bộc bạch về tình yêu dành cho tà áo dài truyền thống: “Gần 70 năm gắn với sân khấu cải lương, tôi luôn chọn áo dài là trang phục biểu diễn chính. Bộ sưu tập áo dài mà tôi lưu giữ rất đa dạng sắc màu, hoa văn phong phú, kết hợp cả truyền thống và tân thời".
Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết cũng kể lại những trải nghiệm đáng nhớ, tự hào về áo dài, đó là mỗi khi khoác lên mình tà áo dài Việt Nam trên sân khấu quốc tế, chị mới cảm nhận sâu sắc hơn giá trị, sự độc đáo, quyến rũ, vẻ đẹp dung dị cũng như niềm tự hào về áo dài truyền thống của dân tộc. Khán giả nước ngoài luôn trầm trồ trước vẻ đẹp kín đáo, ý tứ mà vẫn đầy quyến rũ thể hiện ở phần chiết eo mà chỉ áo dài Việt Nam mới có. Điều đặc biệt hơn, áo dài là một trong số ít trang phục được giữ nguyên tên gọi, không dịch ra bất cứ thứ tiếng nào khi giới thiệu. “Chúng ta có quyền tự hào về di sản văn hóa vô giá này, một biểu tượng của bản sắc dân tộc đã trường tồn qua bao thế hệ”, Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết bộc bạch.
Bà Trịnh Thị Thanh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh chia sẻ, trong một chuyến công tác cùng đoàn TP Hồ Chí Minh tại Cuba, sau khi kết thúc công việc, chúng tôi cùng nhau mặc áo dài đi bộ ra xe. Bất ngờ, những người đàn ông Cuba trên vỉa hè dừng lại, hô vang: “Việt Nam! Hồ Chí Minh!”. Khoảnh khắc ấy khiến tất cả chúng tôi nghẹn ngào. Cách quê nhà nửa vòng trái đất, tà áo dài được nhiều người dân đất nước Cuba nhận biết như là một trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam, luôn trân quý, ngưỡng mộ, mỗi lần nhìn thấy đều hô vang tên đất nước và vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.
    |
 |
Chương trình đồng diễn áo dài là điểm nhấn đặc sắc diễn ra trên phố đi bộ Nguyễn Huệ.
|
Áo dài không chỉ là trang phục truyền thống mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thiết kế đương đại. Trong khuôn khổ Lễ hội áo dài lần này, người tham gia được chiêm ngưỡng những bộ sưu tập áo dài mang đậm dấu ấn cá nhân, sự sáng tạo, phá cách nhưng vẫn giữ được nét tinh tế, duyên dáng vốn có.
Mang đến lễ hội bộ sưu tập “Màu thời gian”, nhà thiết kế Võ Việt Chung dành trọn tình yêu cho TP Hồ Chí Minh thông qua bộ sưu tập với những ý niệm về thời gian, không gian, gắn liền với sự phát triển không ngừng của thành phố suốt 50 năm qua. Bộ sưu tập sử dụng chất liệu lãnh Mỹ A (huyện Tân Châu, tỉnh An Giang) huyền thoại, với tài áo dài đen huyền bí, tôn vinh hình ảnh người phụ nữ Việt Nam anh hùng, dù trải qua bao gian khó vẫn luôn kiên trung, bất khuất, trung hậu, đảm đang trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhà thiết kế Võ Việt Chung chia sẻ: “Hơn 25 năm sáng tạo áo dài trên chất liệu lãnh Mỹ A, tôi hiểu rõ những thăng trầm để người dân có thể tạo nên tấm vải. Để có được màu đen tuyền đặc trưng, người thợ phải nhuộm và phơi vải đến cả trăm lần. Trong quá trình ấy, chỉ cần một sai sót nhỏ, dù là một giọt nước mưa rơi xuống, cả tấm vải phải bỏ đi”.
Nhà thiết kế Võ Việt Chung trăn trở làm sao để chiếc áo dài được làm từ chất liệu lãnh Mỹ A có thể vươn xa hơn nữa, để vẻ đẹp của thứ vải nổi danh với truyền thống hơn 100 năm qua không chỉ để trưng bày mà những giá trị văn hóa và tinh thần mang lại được nhiều người biết đến và trân trọng hơn.
Thu hút khách du lịch
Với sự đa dạng của các hoạt động, từ trình diễn sân khấu, đồng diễn, cuộc thi ảnh trực tuyến đến tọa đàm và triển lãm, Lễ hội áo dài TP Hồ Chí Minh, qua từng năm, thực sự trở thành sự kiện văn hóa đặc sắc, không chỉ lan tỏa tình yêu áo dài trong cộng đồng người Việt mà còn thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách quốc tế.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, điểm mới của Lễ hội áo dài năm nay là lần đầu tiên hoạt động diễu hành cổ phục được tổ chức. Hoạt động này là cầu nối giáo dục, lan tỏa tình yêu văn hóa đến giới trẻ và công chúng; là dịp để giới thiệu những thành quả nghiên cứu, phục dựng cổ phục, khẳng định giá trị và sự phát triển của áo dài qua các thời kỳ, nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Hoạt động diễu hành áo dài trên các tuyến phố trung tâm đã tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách, góp phần thúc đẩy du lịch.
    |
 |
Diễu hành cổ phục trên phố đi bộ. |
Là tổng đạo diễn chương trình khai mạc Lễ hội áo dài 2025, đạo diễn Hoàng Nhật Nam chia sẻ, trang phục áo dài là nguồn cảm hứng cho nhiều loại hình nghệ thuật. Áo dài Việt Nam khi được giới thiệu trong các cuộc thi sắc đẹp ra thế giới đã được người mẫu quốc tế đón nhận tích cực. Họ tự tin khi được khoác lên mình những chiếc áo dài Việt Nam.
Năm nay, với sự góp mặt của hơn 50 nhà thiết kế áo dài hàng đầu và thiết kế riêng các bộ sưu tập dành cho Lễ hội áo dài, lễ hội là minh chứng rõ ràng cho tình yêu dành cho áo dài nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung. Điểm nhấn đặc biệt của lễ hội là sự tham gia nhiệt tình của người nước ngoài, không chỉ trong vai trò khán giả mà còn là người biểu diễn. Trong khuôn khổ lễ hội, Cuộc thi chung kết “Duyên dáng áo dài TP Hồ Chí Minh” có nhiều đội thi với sự góp mặt của các thí sinh quốc tế. Họ không chỉ khoác lên mình tà áo dài mà còn hòa mình vào các hoạt động biểu diễn, thể hiện sự nhiệt tình và nghiêm túc qua từng cử chỉ, ánh mắt và sự phối hợp nhịp nhàng với đồng đội.
Sự chuyển mình trong việc giữ gìn và quảng bá của lễ hội cho thấy tiềm năng lớn để áo dài trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, trở thành thói quen sử dụng ngày càng phổ biến trong đời sống. Áo dài trên phố, nơi công sở, trong các dịp lễ tết, sự kiện, lễ nghi ngoại giao... với đa sắc màu, đậm nét truyền thống sẽ luôn là niềm tự hào, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam hiệu quả, đưa áo dài trăm năm tiếp tục tỏa sáng, vươn xa.
Bài và ảnh: KIỀU OANH