Cột mốc chiến lược

Sau gần 40 năm đổi mới, khu vực KTTN không ngừng lớn mạnh, trở thành một trong những trụ cột chủ lực của nền kinh tế quốc dân. Hiện cả nước có hơn 940.000 doanh nghiệp tư nhân (DNTN), đóng góp gần 50% tổng sản phẩm trong nước (GDP), sử dụng trên 80% lực lượng lao động xã hội và tạo ra hàng triệu cơ hội việc làm mỗi năm. Những con số này không chỉ phản ánh sức sống của khu vực KTTN mà còn thể hiện vai trò thiết yếu của khu vực này trong công cuộc hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trong bối cảnh đó, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68 đánh dấu bước ngoặt mang tính chiến lược. So với Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 2017 vốn chỉ coi KTTN là “một động lực quan trọng” thì Nghị quyết 68 đã nâng tầm vai trò của khu vực này lên mức cao nhất, với kỳ vọng rõ ràng: Trở thành lực lượng tiên phong trong phát triển kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập sâu rộng. Nghị quyết đã đưa ra những mục tiêu hết sức triển vọng như: Đến năm 2030, cả nước có khoảng 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng bình quân của KTTN đạt khoảng 10-12%/năm; đóng góp khoảng 55-58% GDP; giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam phấn đấu có ít nhất 3 triệu DNTN, với tỷ trọng đóng góp GDP trên 60%...

leftcenterrightdel

Quy trình làm việc tại nhà máy của Tập đoàn TH. Ảnh do Tập đoàn TH cung cấp 

Theo PGS, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính): Nghị quyết 68 mở ra kỳ vọng lớn cho khu vực KTTN trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu khốc liệt. Năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, trình độ quản trị, cùng khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là những yêu cầu bắt buộc. DNTN muốn tồn tại và phát triển buộc phải chuyển mình mạnh mẽ sang quản trị hiện đại, tích cực liên kết, hợp tác và không ngừng nâng cao năng suất. Tuy nhiên, khu vực KTTN cần chủ động tham gia vào quá trình kiến tạo thể chế, chung tay cùng Nhà nước xây dựng môi trường pháp lý minh bạch, bình đẳng, ổn định và thông thoáng. Chỉ khi quyền lợi doanh nghiệp được bảo đảm công bằng, doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư, đổi mới và vươn lên trong kỷ nguyên cạnh tranh toàn cầu.

Tín dụng xanh: Đòn bẩy để doanh nghiệp tư nhân bứt phá

Trong bối cảnh kinh tế tri thức và phát triển bền vững, chuyển đổi xanh và số hóa không còn là xu hướng, mà trở thành điều kiện sống còn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực KTTN. Nghị quyết 68 thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược khi đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, đưa doanh nghiệp Việt Nam gia nhập nhóm dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh.

Chia sẻ với chúng tôi, TS Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển doanh nghiệp, nhận định: “Thông điệp song hành giữa chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là điểm nhấn mới nổi bật của Nghị quyết 68. Doanh nghiệp chỉ có thể bước vào sân chơi toàn cầu khi chủ động đổi mới công nghệ và nâng cấp năng lực quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế”. Để hiện thực hóa lộ trình đó, một trong những “điểm nghẽn” hiện nay chính là khả năng tiếp cận vốn của DNTN, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo TS Mạc Quốc Anh, hiện hơn 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang phải vay vốn bằng tài sản thế chấp; trong khi đó, vay tín chấp còn nhiều rào cản, thủ tục rườm rà và điều kiện khắt khe. Điều này vô hình trung hạn chế mạnh mẽ khả năng đầu tư vào nghiên cứu-phát triển, đổi mới công nghệ hay thực hành sản xuất xanh-sạch. 

Nghị quyết 68 vì vậy đã đưa ra giải pháp mang tính hệ thống: Thiết lập các gói tín dụng chuyên biệt dành cho doanh nghiệp đang triển khai chuyển đổi số và chuyển đổi xanh; đồng thời đẩy mạnh mô hình cho vay theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến cung ứng, phân phối và tiêu dùng nhằm hình thành một hệ sinh thái KTTN có liên kết chặt chẽ và khả năng lan tỏa mạnh mẽ. “Khi ngân hàng đóng vai trò kiểm soát dòng vốn, doanh nghiệp sẽ có điều kiện tập trung vào các khâu cốt lõi như: Cải tiến sản phẩm, thay đổi mẫu mã, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đó chính là cách để gia tăng năng suất, nâng cao giá trị gia tăng và tạo ra tăng trưởng thực chất”, TS Mạc Quốc Anh phân tích thêm.

Khi chính quyền hành động và đồng hành

Những tín hiệu tích cực ban đầu trong quá trình triển khai Nghị quyết 68 cho thấy, khi chính quyền thật sự hành động, khu vực KTTN sẽ có thêm cơ hội bứt phá. Tại nhiều địa phương, lãnh đạo chính quyền đã đối thoại trực tiếp, lắng nghe các doanh nghiệp và cam kết giải quyết dứt điểm từng vấn đề đặt ra... Không dừng ở các địa phương, tại Hà Nội, nơi được kỳ vọng là đầu tàu đổi mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo Thành ủy chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy “xin-cho” sang mô hình “đồng hành-kiến tạo-cùng chịu trách nhiệm”. Thành phố được giao nhiệm vụ chủ động đề xuất các cơ chế thí điểm, ứng dụng công nghệ, cải tiến thủ tục hành chính và xây dựng chính quyền số để thực sự phục vụ doanh nghiệp.

leftcenterrightdel

Công nhân tại Công ty Cổ phần Sữa Ba Vì. Ảnh: PHAN MINH 

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng khẳng định trên các diễn đàn rằng, chính quyền không chỉ giữ vai trò “kiến tạo” mà còn phải cam kết đồng hành với doanh nghiệp thực hiện mục tiêu phát triển dài hạn. Khu vực KTTN cần được bảo vệ bằng một thể chế minh bạch, ổn định và thông thoáng. TS Mạc Quốc Anh nhận định: “Nghị quyết 68 là đường băng thể chế cho doanh nghiệp cất cánh. Nhưng muốn cất cánh được, chính sách phải biến thành hành động, còn doanh nghiệp phải dám thay đổi, dám bước vào cuộc chơi lớn”. Ông cho rằng, điểm đột phá của nghị quyết là đã giải quyết trực diện các “điểm nghẽn gai góc”, tạo không gian để doanh nhân mạnh dạn đề xuất, phản biện và chung tay xây dựng chính sách.

Nghị quyết 68 không chỉ khơi dậy khát vọng phát triển mạnh mẽ khu vực KTTN mà còn đặt ra yêu cầu hành động cụ thể, quyết liệt và đồng bộ từ cả hệ thống chính trị đến từng cán bộ, doanh nhân. Hiện thực hóa khát vọng đó không thể chỉ dừng lại ở lời nói, mà phải được đo đếm bằng từng cải cách thể chế, từng thủ tục được gỡ bỏ, từng doanh nghiệp mới được khai sinh. Khi chính quyền biết lắng nghe và hành động, doanh nghiệp biết nắm bắt và đổi mới, xã hội sẽ cùng chung một nhịp phát triển. Đó chính là lúc khát vọng trong nghị quyết trở thành sức sống thực tiễn, lan tỏa thành động lực phát triển kinh tế, đưa Việt Nam vững bước trên hành trình hướng tới thịnh vượng và tự chủ trong kỷ nguyên phát triển mới.

ANH QUÂN