Kinh tế Mỹ thời Tổng thống Donald Trump

Nhiệm kỳ đầu tiên bước chân vào Nhà Trắng, đúng như những gì giới truyền thông dự đoán, với kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực kinh tế, Tổng thống D.Trump đã làm được nhiều việc cho nước Mỹ. Trong 3 năm đầu ông D.Trump làm chủ Nhà Trắng, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ tăng trưởng tương đối tốt: GDP thực tế-tức GDP danh nghĩa sau khi điều chỉnh theo lạm phát-tăng trưởng với tốc độ bình quân hằng năm 2,8%, đến trước đại dịch Covid-19. Cũng giai đoạn này, lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất thế giới được kiểm soát tốt. Tính đến trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, từ tháng 1-2017 đến tháng 1-2021, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng tổng cộng 7,8%.

leftcenterrightdel

 Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ảnh: Reuters

 

Từ khi ông D.Trump lên nắm quyền cho tới trước khi đại dịch ập đến, nền kinh tế Mỹ tạo thêm 6,7 triệu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ mức 4,7% xuống còn 3,5%. Thu nhập hộ gia đình Mỹ tăng trưởng 7,2%. Người Mỹ trở nên giàu hơn đáng kể dưới thời ông D.Trump. Cuối năm 2020, giá trị tài sản ròng thực bình quân của các hộ gia đình thuộc nhóm giữa trong tầng lớp trung lưu ở Mỹ mới tăng tới 30% so với ở thời điểm quý IV-2016.

Những thành tựu về kinh tế Mỹ thời Tổng thống D.Trump nhiệm kỳ 2017-2021 rất khả quan và đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, nếu so với thời Tổng thống Joe Biden, về mặt hình thức, lại có những yếu kém hơn. Dưới thời ông J.Biden, GDP của Mỹ tăng trưởng khả quan hơn với tốc độ bình quân hằng năm 3,2%.

Trong lĩnh vực việc làm, dưới thời Tổng thống J.Biden, tăng trưởng việc làm diễn ra mạnh mẽ. Tính đến tháng 9 năm nay, nước Mỹ có thêm 16,2 triệu việc làm so với thời điểm tháng 1-2021. Đây là kỷ lục về tốc độ tăng trưởng việc làm trong các nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, kéo tỷ lệ thất nghiệp giảm từ ngưỡng 6% xuống vùng 5% rồi vùng 4%. Năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp rút xuống mức thấp nhất trong 70 năm qua là 3,4%.

Thời Tổng thống J.Biden, nếu chỉ nhìn vào những con số tăng trưởng thì nền kinh tế Mỹ đã đạt được những thành tựu vượt xa thời ông D.Trump. Tuy nhiên, thực tế, đây lại là giai đoạn nền kinh tế Mỹ đối mặt với nhiều bất ổn. Trong đó, yếu tố thách thức nhất là lạm phát. Thời ông J.Biden, lạm phát leo thang chóng mặt. Từ tháng 1-2021 đến tháng 9-2024, chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ tăng gần 20%. Lạm phát đè nặng lên thu nhập của hộ gia đình, nên tính đến cuối năm 2023, thu nhập thực tế trung bình của hộ gia đình ở Mỹ chỉ tăng 1,3% so với năm 2020. Tính đến quý II-2024, giá trị tài sản ròng thực của hộ gia đình trung lưu ở Mỹ chỉ tăng 4,6% so với cuối năm 2020.

Ông Donald Trump sẽ làm gì?

Ngay từ các diễn văn tranh cử, ông D.Trump luôn cam kết giúp kinh tế Mỹ bùng nổ, thông qua các chính sách như tăng thuế nhập khẩu, giảm thuế doanh nghiệp, trục xuất người nhập cư bất hợp pháp và tăng khai thác dầu khí.

Trong số các chính sách này, tăng thuế nhập khẩu là “món” yêu thích của ông D.Trump. Ở nhiệm kỳ trước, vị Tổng thống-doanh nhân này đã tạo nên một làn sóng chỉ trích về chính sách đóng cửa nền kinh tế Mỹ bằng cách nâng cao thuế đối với mọi hàng hóa nhập khẩu. Ông D.Trump đã áp thuế 10% và 25% lần lượt với nhôm và thép nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia. Động thái này khiến Canada và Liên minh châu Âu (EU) cũng áp thuế trả đũa lên nông sản Mỹ. Ông D.Trump còn phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc từ năm 2018. Khi đó, ông áp thuế nhập khẩu lên tới 25% với 350 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, trong đó có pin năng lượng mặt trời, máy giặt, thép và nhôm. Bắc Kinh sau đó trả đũa bằng các động thái tương tự lên hàng hóa Mỹ.

Trong các cam kết tranh cử lần này, ông D.Trump muốn áp thuế 10-20% với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào nước Mỹ. Riêng với Trung Quốc, thuế nhập khẩu có thể lên tới 60%. Quan điểm của ông D.Trump luôn nhất quán về việc thuế nhập khẩu sẽ bảo vệ việc làm, khuyến khích sản xuất trong nước và giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nước ngoài. Ông cho rằng, chính sách thuế cùng cam kết đưa việc làm quay về Mỹ của ông sẽ kéo giảm lạm phát và chi phí sinh hoạt cho các gia đình.

Ngược lại với chính sách thuế nhập khẩu, đối với các doanh nghiệp trong nước, ông D.Trump luôn thực hiện chính sách cắt giảm thuế. Năm 2017, ở nhiệm kỳ đầu tiên, ông đã ký ban hành chính sách này. Chính sách giảm thuế cho các doanh nghiệp Mỹ sẽ hết hiệu lực vào đầu năm 2025. Tuy nhiên, ông D.Trump đã lên kế hoạch gia hạn toàn bộ chính sách này, đồng thời giảm thêm thuế cho doanh nghiệp và cá nhân. Theo đó, thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% xuống còn 15% với một số công ty. Ông D.Trump cũng có kế hoạch miễn hàng loạt thuế với tiền trợ cấp xã hội, làm thêm giờ...

So với các Tổng thống Mỹ khác, ông D.Trump rất mạnh tay trong vấn đề nhập cư. Trong các cam kết tranh cử, ông đã lên chương trình trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Ông D.Trump cho rằng, siết chặt nhập cư sẽ giúp giảm nhiều chi phí, đặc biệt là giải quyết tình trạng thiếu nhà ở. Giá nhà tại Mỹ đã tăng hơn 50% kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa nhập cư và giá thuê nhà tăng cao.

Trong các diễn văn tranh cử, một trong những đề xuất lớn của ông D.Trump là bỏ thuế với phúc lợi an sinh xã hội. Ông luôn nhấn mạnh cam kết bảo vệ lợi ích cho người cao tuổi. Ông D.Trump cũng cam kết cắt giảm chi phí năng lượng của người Mỹ xuống một nửa trong vòng một năm sau khi nhậm chức. Đây là phần quan trọng trong kế hoạch giảm lạm phát của ông. Giải pháp được đưa ra là tăng tốc khai thác dầu khí, đồng thời giảm rào cản về chính sách với việc xây dựng các nhà máy điện.

Một cuộc cải tổ kinh tế đang chờ đợi nước Mỹ khi ông D.Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo đúng những gì ông D.Trump cam kết, nước Mỹ sẽ gặp không ít “rắc rối”. Chính sách tăng thuế nhập khẩu sẽ làm cản trở thương mại toàn cầu, giảm tăng trưởng của các nhà xuất khẩu và làm suy giảm tài chính công của các bên liên quan. Các chính phủ cũng có khả năng trả đũa bất kỳ thuế nhập khẩu nào của Mỹ, cản trở thêm thương mại và gây ra suy giảm sâu hơn đối với tăng trưởng toàn cầu. Mặt khác, hàng hóa nói chung sẽ tăng giá, dẫn tới lạm phát phi mã. Một báo cáo từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ước tính, nếu các đề xuất của ông D.Trump được thực hiện, lạm phát ở Mỹ có thể lên 6-9,3% vào năm 2026. Mức hiện tại là hơn 2%, nếu không có chính sách của tổng thống mới, lạm phát ở Mỹ có thể về 1,9%. Chi phí hằng năm với một hộ gia đình trung bình ở Mỹ có thể tăng thêm khoảng 2.600USD.

Kế hoạch trục xuất hàng triệu người nhập cư trái phép của ông D.Trump cũng có khả năng đem lại những ảnh hưởng tiêu cực. Theo đó, lương nhân công sẽ tăng vọt, khiến giá cả đến tay người tiêu dùng leo thang. Một phân tích gần đây từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho thấy, việc trục xuất sẽ giảm việc làm và GDP của Mỹ. Một phân tích riêng từ Hội đồng nhập cư Mỹ cũng chỉ ra nước này sẽ tốn 315 tỷ USD để trục xuất 11 triệu người.

Tất nhiên, các lời hứa tranh cử và những chính sách được thực thi trong mỗi nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ luôn có những khác biệt. Tác động kinh tế từ các chính sách nhiệm kỳ hai của ông D.Trump sẽ phụ thuộc vào việc ông ưu tiên những chính sách nào và có thể thực hiện được gì.

TRẦN LONG