Để lại đằng sau những kịch tính của cuộc bầu cử tổng thống 2024, người dân Mỹ giờ quay trở lại quan tâm tới những thách thức mà siêu cường số 1 thế giới đang phải đối mặt.

Những thống kê mới nhất cho thấy, kinh tế Mỹ đã vượt qua nguy cơ suy thoái và tiếp tục hoạt động tốt hơn so với các quốc gia khác trên thế giới. Theo báo cáo của The Conference Board, chỉ số lòng tin người tiêu dùng-thước đo đánh giá của người dân Mỹ về tình hình kinh tế hiện tại và triển vọng trong 6 tháng tới đã tăng mạnh từ mức 99,2 điểm của tháng 9-2024 lên 108,7 điểm trong tháng 10-2024, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ tháng 3-2021. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Mỹ trong quý III-2024 cũng tăng 2,8%, cao hơn so với con số dự báo 2,5% trước đó.

leftcenterrightdel
 Nhân viên làm việc trong một siêu thị của Walmart tại New Jersey (Mỹ). Ảnh: Reuters

Nhưng dù lạm phát đã giảm, tỷ lệ thất nghiệp được duy trì dưới 4%, GDP tăng trưởng khả quan hơn nhiều so với các trung tâm kinh tế khác như châu Âu, Nhật Bản, các cử tri vẫn không cảm nhận được sự cải thiện qua những chỉ số kinh tế vĩ mô. Có tới 81% cử tri cho rằng tình hình kinh tế Mỹ “bình thường” hoặc “kém”, chỉ có 19% cho rằng “tốt” hoặc “xuất sắc”. Đặc biệt, nợ quốc gia của Mỹ liên tục phá vỡ kỷ lục. Chỉ tính riêng trong năm tài chính vừa qua, thâm hụt liên bang đã vọt lên 1,8 nghìn tỷ USD do chi tiêu của chính phủ tăng trong bối cảnh áp lực kinh tế, khiến tổng số nợ của nước Mỹ lên tới hơn 35,6 nghìn tỷ USD, gần gấp đôi GDP. Thâm hụt gia tăng khiến Mỹ khó quản lý tài chính hơn, nhất là khi lãi suất trung bình các khoản nợ đã tăng lên 3,35%, khiến chính phủ phải trả nợ nhiều hơn.

Trong khi đó, vấn đề người nhập cư từ các quốc gia Nam Mỹ và Mexico ở biên giới phía Nam đang khiến nội bộ nước Mỹ căng thẳng. Việc nâng mức trần số người tị nạn tiếp nhận hằng năm từ 62.500 người vào năm 2021 lên 125.000 người vào các năm tiếp theo đã dẫn tới làn sóng nhập cư vào Mỹ tăng nhanh. Tính đến tháng 6-2024, người nhập cư đã lên đến 32 triệu người trên 169 triệu người đang tham gia thị trường lao động ở Mỹ. Đặc biệt, số người nhập cư bất hợp pháp ở Mỹ hiện đã lên tới 11 triệu người, khiến các thành phố lớn như New York và Chicago gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý số lượng người di cư mới đến, dẫn đến căng thẳng ngân sách và xã hội. Thực trạng này đang gây ra nhiều tác động tiêu cực, làm chia rẽ người dân Mỹ. Nước Mỹ sẽ cần phải tìm cách giải quyết khéo léo vấn đề này thông qua hợp tác quốc tế và phát triển các chính sách nhập cư hợp lý để vừa bảo vệ quyền lợi của người di cư, vừa đáp ứng nhu cầu về lao động của nước Mỹ.

Cạnh tranh địa chính trị mới tương tự như thời Chiến tranh Lạnh nhưng trong bối cảnh phức tạp hơn nhiều cũng là một trong những thách thức lớn với nước Mỹ. Thay vì chỉ có hai siêu cường như trong quá khứ, thế giới đang chứng kiến sự hình thành liên minh giữa các quốc gia. Một bên là những quốc gia hợp tác để giải quyết các vấn đề toàn cầu mà họ cho rằng trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong khi bên kia là những quốc gia liên kết với nhau để phản đối trật tự quốc tế hiện tại mà họ cáo buộc là đang bị phương Tây chi phối.

Thách thức tiếp theo liên quan đến nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân. Cuộc xung đột ở Ukraine đã làm tăng mối lo ngại về việc sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên. Đã nhiều lần, những lời cảnh báo liên quan đến vũ khí hạt nhân được đưa ra, không chỉ làm gia tăng căng thẳng giữa các cường quốc mà còn đặt ra thách thức về khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ. Trong khi đó, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), số lượng đầu đạn hạt nhân trên toàn cầu vẫn ở mức cao, với khoảng 13.000 đầu đạn. Mỹ sẽ cần phải tìm cách duy trì sự ổn định chiến lược trong bối cảnh phức tạp, khi mà hầu hết hiệp ước kiểm soát vũ khí tấn công chiến lược giữa Mỹ và Nga đã không còn hiệu lực.

Để duy trì vai trò ảnh hưởng toàn cầu, Mỹ còn phải thể hiện vai trò trong hàng loạt vấn đề quốc tế phức tạp, từ xung đột Nga-Ukraine, tình hình căng thẳng ở Trung Đông đến vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, bế tắc trong chương trình hạt nhân của Iran. Trong khi đó, cạnh tranh chiến lược với đối thủ toàn diện Trung Quốc trên các lĩnh vực kinh tế, quân sự, khoa học-công nghệ đang diễn ra ngày càng gay gắt. Với tiềm lực đang lên và sự quyết đoán trong nhiều chính sách đối ngoại, Trung Quốc đã trở thành thách thức dài hạn lớn nhất với Mỹ.

Để ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, Mỹ đã tìm cách củng cố nhóm Bộ tứ (QUAD) gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản; thiết lập quan hệ đối tác an ninh 3 bên (AUKUS) giữa Mỹ, Anh và Australia; xây dựng quan hệ đối tác thương mại Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) với 12 đối tác khu vực. Năm ngoái, Mỹ đã thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học để thúc đẩy năng lực sản xuất trong nước, cũng như khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ có tầm chiến lược là sản xuất, nghiên cứu và phát triển bán dẫn. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là đối đầu với Trung Quốc mà là làm sao quản trị mối quan hệ Mỹ-Trung để nó không bùng nổ thành xung đột mới là ưu tiên hàng đầu.

Hàng loạt thách thức đang đè nặng lên nước Mỹ. Sự thành công trong việc giải quyết các thách thức này không chỉ ảnh hưởng đến vị trí siêu cường mà còn tác động sâu sắc đến tương lai chính trị nội bộ của nước Mỹ.

TƯỜNG LINH