Được xây dựng bằng khoản vay trị giá 133 triệu USD của Hàn Quốc, Gyeongui và Donghae là những tuyến đường bộ và đường sắt kết nối hai miền Triều Tiên, chạy theo sườn phía Tây và phía Đông bán đảo Triều Tiên. Đây là thành tựu của thời kỳ quan hệ liên Triều giảm căng thẳng và các tuyến đường được coi là biểu tượng của tiến trình hòa giải và hợp tác giữa hai miền Triều Tiên trong thập niên 2000.
Kể từ khi lên làm Tổng thống Hàn Quốc, với cách tiếp cận mềm mỏng trong vấn đề Triều Tiên, ông Moon Jae-in đã tạo nhiều chuyển biến giúp quan hệ hai miền từng bước ấm lên. Không khí hòa giải đã mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều năm 2018 diễn ra giữa ông Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, đưa đến việc Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí kết nối lại tuyến đường bộ và đường sắt giữa hai miền, vốn bị ngắt từ sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
|
|
Một bản tin phát sóng tại Seoul, Hàn Quốc cho thấy cảnh các con đường dọc biên giới Triều Tiên bị phá hủy. (Ảnh: Chung Sung-Jun / Getty Images).
|
Tuy nhiên, do các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên cũng như quan hệ Mỹ-Triều tiếp tục bị đình trệ do bất đồng xung quanh tiến độ phi hạt nhân hóa và thời điểm nới lỏng các lệnh trừng phạt, tình hình trên bán đảo Triều Tiên vẫn căng thẳng. Bất chấp cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên tại Singapore hồi tháng 6-2018, sự kiện từng gây chấn động bởi thỏa thuận Triều Tiên sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy việc bình thường hóa cũng như viện trợ kinh tế từ Mỹ, quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng hầu như không tiến triển. Trong khi Triều Tiên muốn có viện trợ kinh tế cũng như hành động cụ thể bình thường hóa quan hệ Mỹ-Triều trước khi tiến hành các bước phi hạt nhân hóa, thì Washington lại yêu cầu Bình Nhưỡng trước hết phải giải giáp hoàn toàn chương trình hạt nhân theo cách có thể kiểm chứng được, rồi mới tính tới khả năng dỡ bỏ lệnh cấm vận cũng như bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Chính cách tiếp cận và lập trường quá khác biệt trong cách thức, lộ trình phi hạt nhân hóa khiến cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào tháng 2-2019 tại Hà Nội cũng như nhiều cuộc thương lượng, đàm phán tiếp theo đều không tạo được bước đi cụ thể nào trong việc hiện thực hóa thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên mà hai bên ký tại Singapore.
Bế tắc trên bàn đàm phán, hai miền Triều Tiên bắt đầu lao vào các hành động “ăn miếng trả miếng”. Năm 2021, Bình Nhưỡng cho công bố kế hoạch 5 năm với mục tiêu tăng cường kho vũ khí hạt nhân và tên lửa, bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu rắn, vũ khí hạt nhân chiến thuật và tên lửa siêu thanh. Đáp lại, Hàn Quốc tăng cường tiềm lực quân sự, củng cố liên minh với Mỹ thông qua các tập trận chung mà Triều Tiên luôn coi là hành động “tập dượt cho một cuộc chiến tranh” nhằm vào Bình Nhưỡng. Đến khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố vào cuối năm ngoái rằng quan hệ giữa hai miền là “thù địch” và tìm kiếm hòa giải, thống nhất với Hàn Quốc là “vô nghĩa”, tiến trình hòa giải trên bán đảo Triều Tiên có thể coi đã khép lại. Triều Tiên cho rằng việc theo đuổi các nỗ lực thống nhất với Hàn Quốc là không thực tế và quyết định tăng cường bảo vệ chính quyền hiện tại của mình.
Trong bối cảnh đó, các tuyến đường Gyeongui và Donghae dần bị lãng quên và thực sự dừng lại sau khi Hàn Quốc đóng cửa một khu phức hợp công nghiệp chung ở Kaesong, Triều Tiên, vào năm 2016 để phản ứng với vụ phóng tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng. Giờ đây, với việc phá hủy các tuyến đường này, Triều Tiên muốn gửi thông điệp rõ ràng tới Hàn Quốc rằng Bình Nhưỡng không còn sẵn sàng đàm phán với Seoul nữa. Ông Peter Ward, một nghiên cứu viên tại Viện Sejong ở Seoul, cho rằng: “Việc phá hủy tuyến đường là một cảnh tượng kịch tính, thể hiện sự bất mãn của họ với Hàn Quốc”. Đây còn là sự khẳng định với người dân Triều Tiên rằng từ nay về sau, Hàn Quốc là “nước ngoài” và không liên quan gì đến Triều Tiên.
Biểu tượng của tiến trình hòa giải và hợp tác giữa hai miền Triều Tiên đã sụp đổ. Những từ như “đồng bào”, “thống nhất” từng một thời nổi bật trong các thông tin về quan hệ hai miền cũng trở thành quá khứ. Đi liền với các động thái trên, quân đội Triều Tiên tuyên bố sẽ xây dựng các công trình phòng thủ tiền tuyến để “tách hoàn toàn” lãnh thổ Triều Tiên khỏi lãnh thổ Hàn Quốc. Bình Nhưỡng cũng bắt đầu tăng cường việc xác định lại phạm vi chủ quyền, lãnh thổ của Triều Tiên.
Về lý thuyết, cho đến nay, hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh bởi Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc bằng hiệp định đình chiến chứ không phải bằng hiệp ước hòa bình. Trong bối cảnh đó, các động thái của Triều Tiên cũng như của Hàn Quốc dù chưa tạo nguy cơ bùng nổ chiến tranh giữa hai miền, nhưng nó đặt bán đảo Triều Tiên vào tình trạng đối đầu căng thẳng. Giờ đây, mục tiêu thống nhất hai miền chỉ còn là hy vọng.
TƯỜNG LINH