Thế giới đang trong thời điểm địa chính trị nguy hiểm, khi nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột toàn cầu cao hơn nhiều so với các thập kỷ trước. Chưa bao giờ, các mối đe dọa hạt nhân và nguy cơ quân sự hóa không gian vũ trụ lại sát gần đến như vậy. Đi liền với đó là tình trạng khẩn cấp về phát triển. Tiến độ thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững mà LHQ đặt ra nhằm chấm dứt đói nghèo, bất bình đẳng vào năm 2030 chậm chạp đến mức nhiều người đặt câu hỏi liệu chúng có thể đạt được hay không.
Đáng tiếc là trong thời điểm nhạy cảm đó, mô hình quản trị toàn cầu lại vận hành không hiệu quả. Được xây dựng và thành lập bởi những người chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, vào thời điểm mà hơn 2/3 nhân loại còn chưa đủ điều kiện để trở thành thành viên, LHQ đã trở thành trụ cột trong vai trò giữ gìn hòa bình và bảo đảm an ninh, thúc đẩy phi thực dân hóa. Nhưng thế giới ngày nay đã khác xa so với thời điểm LHQ ra đời năm 1945. Từng là đồng minh trong phe chống phát xít nhưng giờ đây, 5 nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ đã không còn cùng nhìn về một hướng.
|
|
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Khóa 79. Ảnh: TTXVN |
Đây là lý do tại sao trong nhiều cuộc khủng hoảng, LHQ lại tỏ ra bế tắc và bất lực đến vậy. Sự chia rẽ, thậm chí là đối đầu, đã dẫn đến nghịch lý mà dư luận mô tả rằng Hội đồng Bảo an đã trở thành nơi “ươm mầm” cho sự bất an tập thể. Trong bầu không khí ngờ vực, hợp tác toàn cầu đương nhiên không thể triển khai một cách hiệu quả. Trong khi đó, nhiều thể chế hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã không còn công bằng. Không cường điệu khi nói rằng kiến trúc tài chính quốc tế chỉ ưu ái các quốc gia giàu có mà không đáp ứng nhu cầu của các nước đang phát triển.
Đại dịch Covid-19 là liều thuốc thử làm lộ rõ những bất cập của hợp tác đa phương trong đối phó với các thách thức toàn cầu. Các nền kinh tế phát triển tung tiền chạy đua để độc chiếm nguồn vaccine và các sản phẩm y tế khác, bỏ mặc các nước nghèo bất lực trước cơn đại dịch thế kỷ. Sự ích kỷ cùng việc thiếu đoàn kết trong ứng phó với cuộc khủng hoảng toàn cầu đó đã làm xói mòn niềm tin rằng các quốc gia sẽ cùng nhau ứng phó hiệu quả với các thách thức trong tương lai như biến đổi khí hậu, đại dịch, chạy đua vũ trang trong vũ trụ...
“Chúng ta không thể xây dựng tương lai cho con cháu mình bằng một hệ thống được xây dựng cho ông bà chúng ta”, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã phải thừa nhận như vậy khi nói về sự cần thiết của Hội nghị thượng đỉnh Tương lai. Hội nghị là cơ hội hiếm có để thế giới hàn gắn lòng tin đã bị xói mòn và chứng minh rằng chỉ có hợp tác quốc tế mới có thể giải quyết các thách thức toàn cầu, rằng chỉ đi cùng nhau, chúng ta mới có thể đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của hiện tại trong khi chuẩn bị đối phó hiệu quả với những thách thức tương lai. Muốn vậy, điều cần thiết là tìm kiếm sự đồng thuận chứ không phải là chia rẽ, đối đầu.
Trọng tâm của hội nghị là hiệp ước cho tương lai, một tài liệu hơn 20 trang, phác thảo tầm nhìn táo bạo cho hợp tác toàn cầu và cải cách LHQ. Hội nghị đề xuất một chương trình nghị sự mới cho hòa bình, vạch ra một kế hoạch chi tiết để cải thiện an ninh toàn cầu bằng cách tập trung vào phòng ngừa chiến tranh, gìn giữ hòa bình và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột như đói nghèo và bất bình đẳng. Trong việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững, hội nghị đưa ra chiến lược thúc đẩy đầu tư nhiều hơn vào các nước đang phát triển, giải quyết nợ toàn cầu và tìm ra những cách mới để tài trợ cho quá trình phục hồi xanh sau cuộc khủng hoảng Covid-19 và quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững.
Đặc biệt, hội nghị thảo luận nhiều về cách cải cách hệ thống quản trị toàn cầu, làm cho nó công bằng hơn, bao trùm hơn và được trang bị tốt hơn để xử lý các thực tế chính trị và kinh tế của thế giới ngày nay. Nhu cầu về quản trị toàn cầu sáng tạo hiện cấp thiết hơn bao giờ hết để thực hiện tốt hơn các cam kết hiện có của LHQ như Mục tiêu phát triển bền vững, Thỏa thuận khí hậu Paris và các nguyên tắc của Hiến chương LHQ. Điều này chỉ có thể trở thành hiện thực thông qua các nỗ lực ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, với vai trò trung tâm của LHQ đối với hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới, như thông điệp mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đem đến hội nghị. Đó là việc cải tổ để Hội đồng Bảo an mang tính đại diện, toàn diện, minh bạch, hiệu quả, hiệu suất, dân chủ, có trách nhiệm và bao trùm hơn. Việc cải cách các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng là chủ đề quan trọng nhằm để mang lại cho tất cả các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia dễ bị tổn thương, các cơ hội công bằng để phát triển.
Những gì diễn ra tại Hội nghị thượng đỉnh Tương lai sẽ không dừng lại trên diễn đàn thảo luận. Kết quả của nó sẽ tác động đến mọi ngóc ngách trong cuộc sống của thế giới ngày nay và tương lai. Một cơ hội lịch sử đang mở ra để biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn-một thế giới toàn diện hơn, công bằng hơn và được chuẩn bị tốt hơn để quản lý những thách thức hiện tại và tương lai.
TƯỜNG LINH