Chính trị gia khiêm tốn, giản dị

Kể từ khi bắt đầu sự nghiệp chính trị, ông Mark Rutte đã có nhiều biệt danh: “Mister Flex”; “Teflon Mark”; “The Trump whisperer” (tạm dịch: Người thì thầm vào tai Trump)... Nhưng từ ngày 26-6, danh sách tên gọi này được mở rộng với cụm từ "Tổng thư ký NATO". Cựu Thủ tướng Hà Lan đã được 32 quốc gia của NATO bầu chọn làm người đứng đầu liên minh quân sự này tại Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập NATO. Tuy nhiên, việc lựa chọn ông Mark Rutte chỉ mang tính thủ tục, bởi đối thủ duy nhất của ông cho vị trí này, Tổng thống Romania-ông Klaus Iohannis-trước đó đã thông báo rời cuộc đua. NATO đưa ra quyết định theo nguyên tắc đồng thuận nên bất cứ ứng cử viên nào trở thành tổng thư ký mới cũng cần có sự ủng hộ của toàn bộ 32 quốc gia thành viên.

 Trong lời phát biểu trên mạng xã hội X, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bày tỏ sự hài lòng với người kế nhiệm, đồng thời nhấn mạnh: “Mark Rutte là người thực sự bảo vệ các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và là người xây dựng sự đồng thuận. Tôi giao NATO trong tay những người có trách nhiệm”.

leftcenterrightdel
 Ông Mark Rutte. Ảnh: Reuters

Không phải ngẫu nhiên ông Jens Stoltenberg tin tưởng người kế nhiệm đến như vậy! Là con út trong gia đình có 7 người con ở The Hague (Hà Lan), Mark Rutte từng theo học tại trường Maerlant chuyên về nghệ thuật. Mặc dù mơ ước ban đầu của Mark Rutte là vào nhạc viện và trở thành nghệ sĩ piano nhưng cuối cùng chàng trai trẻ có chiều cao ấn tượng lại theo học chuyên ngành lịch sử tại Đại học Leiden, nơi anh lấy bằng thạc sĩ vào năm 1992.

Sau khi tốt nghiệp, Mark Rutte bước vào thế giới kinh doanh, làm quản lý cho tập đoàn khổng lồ Anh-Hà Lan Unilever và công ty con thực phẩm Calvé. Cho đến năm 1997, ông là thành viên bộ phận nguồn nhân lực của Unilever và đóng vai trò lãnh đạo trong một số cuộc tái tổ chức. Từ năm 1997 đến 2000, Mark Rutte là giám đốc nhân sự của Van den Bergh Nederland, công ty con của Unilever. Năm 2000, Mark Rutte trở thành thành viên của Nhóm Nhân sự doanh nghiệp và năm 2002, ông là giám đốc nhân sự cho IgloMora Groep, công ty con khác của Unilever.

Là thành viên của Đảng Nhân dân vì tự do và dân chủ, ông Mark Rutte được bầu làm thủ tướng Hà Lan từ ngày 14-10-2010 đến 2-7-2024, nhiệm kỳ dài nhất ở nước này. Ông cũng là nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu thứ ba ở châu Âu, sau Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Hungary Viktor Orban.

Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ của mình, Thủ tướng Mark Rutte luôn duy trì hình ảnh một người khiêm tốn và thẳng thắn, đằng sau đó là bản năng chính trị nhạy bén cho phép ông thành lập 3 chính phủ liên minh. Trong Liên minh châu Âu (EU), ông không khoan nhượng trong việc thắt chặt ngân sách, bất chấp phản ứng trái chiều của các quốc gia Nam Âu.

Chưa từng kết hôn, nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa tự do hiện sống trong căn hộ mà ông mua sau khi tốt nghiệp đại học. Giữ cương vị Thủ tướng Hà Lan trong gần 14 năm, ông Mark Rutte được biết đến là người giản dị. Ông không ngồi xe Limousine như nhiều nhà lãnh đạo châu Âu khác mà lái chiếc Saab cũ kỹ. Có lần, người dân còn gặp ông đi xe đạp với quả táo trong miệng. Năm 2018, một đoạn video ghi cảnh ông Mark Rutte lau sàn nhà tại Quốc hội sau khi làm đổ cà phê, đã lan truyền trên mạng xã hội. Cư dân mạng dành nhiều lời khen ngợi về người đàn ông “bình thường” Mark Rutte.

Kinh nghiệm vượt thách thức

Từ ngày 1-10 tới, ông Mark Rutte sẽ là người Hà Lan thứ tư lãnh đạo NATO kể từ khi tổ chức này được thành lập năm 1949. Kinh nghiệm sâu rộng trên cương vị Thủ tướng Hà Lan và sức ảnh hưởng trong các cuộc đàm phán EU sẽ giúp ông điều hướng NATO vượt qua những thách thức địa chính trị hiện tại.

Một trong những thách thức lớn của tân Tổng thư ký NATO ngay khi nhậm chức là phải không ngừng tìm ra điểm cân bằng giữa các đồng minh và tạo ra không khí hài hòa, ít xích mích trong NATO. Trước đó, trong nhiệm kỳ của mình, ông Jens Stoltenberg đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi kéo được Phần Lan và Thụy Điển gia nhập tổ chức và tăng cường sự hiện diện cũng như sức mạnh của NATO tại sườn phía Đông.

Ông Mark Rutte cũng sẽ phải điều hòa mối quan hệ giữa các quốc gia thành viên với Mỹ nhằm bảo đảm lợi ích và vai trò của NATO ở hai bờ Đại Tây Dương. Ông Mark Rutte được cho là người có mối quan hệ khá tốt với ông Donald Trump. Ông được mệnh danh là “người thì thầm của Trump”. Biệt danh này bắt đầu từ năm 2018, khi Tổng thống Donald Trump đe dọa Mỹ sẽ đi theo “con đường của riêng mình” nếu các nước thành viên NATO không chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng của họ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức khi đó là Angela Merkel đã cố gắng tranh luận với Tổng thống Mỹ nhưng không có kết quả. Theo Timo Koster, cựu Giám đốc chính sách quốc phòng tại NATO, người có mặt trong phòng họp, chính ông Mark Rutte đã bảo đảm với Tổng thống Mỹ chi tiêu sẽ tăng lên, nhờ đó đã “giải cứu” tình hình bế tắc tại hội nghị. Do đó, trong nhiệm kỳ của mình, tân Tổng thư ký NATO sẽ phải tiếp tục thuyết phục các nước thành viên tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% tổng sản phẩm nội địa (GDP) để bảo đảm an ninh và đoàn kết trong khối.

Thêm vào đó, vấn đề ủng hộ Ukraine cũng sẽ là một trong những trọng tâm của ông Mark Rutte. Đến thời điểm hiện tại, NATO là tổ chức cung cấp 99% các viện trợ quân sự cho Kiev. Việc có thể duy trì sự ủng hộ tương tự cũng là bài toán khó cho cựu Thủ tướng Hà Lan.

Tuy nhiên, giới quan sát tin rằng, có một điều mà ông Mark Rutte không cần lo lắng khi đảm nhận vai trò lãnh đạo NATO bởi “công việc mới của ông ấy sẽ không nhàm chán”.

HOÀNG ĐĂNG