Cuộc bầu cử tổng thống ở Venezuela diễn ra ngày 28-7 và ngay ngày hôm sau, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã công bố, ông Maduro, ứng cử viên của Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất (PSUV) lại trở thành nguyên thủ quốc gia (lần thứ ba) cho nhiệm kỳ 2025-2031. Đương kim Tổng thống Venezuela đã nhận được 51,2% số phiếu bầu, trong khi đó đối thủ chính yếu của ông, Edmundo Gonzalez, chỉ thu được 44,2% số phiếu bầu.

Ngay lập tức, ở đa phần lãnh thổ Venezuela bùng nổ làn sóng biểu tình phản đối kết quả bầu cử chính thức, cho rằng đã có gian lận trong quá trình tiến hành bầu cử. Vì sao?

leftcenterrightdel

 Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. 

Đối với những ai am hiểu tình hình Venezuela nói riêng và khu vực châu Mỹ Latinh nói chung thì những gì đang diễn ra “trên quê hương của các hoa hậu” không có gì là lạ lẫm. Đơn giản là đang lặp lại mọi sự theo kịch bản cũ từng được các lực lượng đối lập “công diễn” năm 2018, cũng sau cuộc bầu cử tổng thống, nhằm giành lấy chính quyền với sự "hà hơi" tiếp sức công khai từ phương Tây, đứng đầu là Washington. Thậm chí, trong một cuộc biểu tình, Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido đã tự phong cho mình làm tổng thống và một số quốc gia, trong đó có Mỹ đã công nhận ông ta. Chính ở thời điểm đó, Caracas đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Washington.

Năm nay, làn sóng biểu tình bùng phát ở thủ đô Caracas và 19 bang. Những người biểu tình tại thủ đô đã cố gắng tràn vào Đại sứ quán Argentina (quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh ngay lập tức không công nhận kết quả bầu cử ở Venezuela) và ném những chai đựng khí đốt vào cảnh sát. Đáp lại, cảnh sát cũng sử dụng khí ga để trấn áp những người biểu tình. Tại bang Anzoategui, những người biểu tình còn định phá tượng nhà thơ nổi tiếng châu Mỹ Latinh Jose Hernadez, nhưng đã bị ngăn lại. Những người biểu tình ở bang La Guaira cũng đã phá và đốt tượng cố Tổng thống Hugo Chavez.

Bộ phận nhân dân Venezuela ủng hộ Tổng thống Maduro tất nhiên cũng không ngồi thúc thủ. Họ cũng tiến hành nhiều cuộc biểu dương lực lượng một cách hòa bình để phản đối làn sóng bạo lực của phe đối lập. Bản thân Tổng thống Maduro đã diễu cợt yêu cầu của phe đối lập về việc tổ chức lại bầu cử.

Chính phủ Venezuela lần này cũng cho rằng, có bàn tay can thiệp từ hàng loạt quốc gia bên ngoài vào bầu cử và quyền tự quyết của nhân dân Venezuela. Tống thống Maduro đánh giá những cuộc biểu tình phản đối tại Venezuela như “những cuộc cách mạng màu”. Ông cũng cho biết, đã có hơn 1.200 người biểu tình bị bắt giữ. Phát biểu trước một đội vệ binh quốc gia trên đường phố Caracas, ông Maduro nhấn mạnh: “Những người này đã được huấn luyện một thời gian ở Texas, Columbia, Peru, Chile. Họ được dạy cách tấn công và đốt phá. Họ đã định đốt cả cái bệnh viện lưu động này nhưng các bạn và các cư dân địa phương đã ngăn chặn được. Đấy là sự phản đối hay một cuộc đấu tranh chính trị?”.

Thực tế cho thấy, lời khẳng định về sự xui nguyên giục bị từ nước ngoài đối với phe đối lập của Venezuela không phải là không có căn cứ. Sau khi kết quả bầu cử chính thức được công bố, ngay lập tức lãnh đạo một loạt nước châu Mỹ Latinh đã lên tiếng phê phán những con số từ phía Hội đồng Bầu cử Dân tộc Venezuela và yêu cầu phải xem xét lại kết quả bầu cử. Đáp lại, Venezuela đã triệu hồi các nhà ngoại giao của mình về từ Argentina, Cộng hòa Dominica, Costa Rica, Panama, Peru, Uruguay và Chile. Ngoài ra, Caracas còn buộc cho các quốc gia này tội can thiệp vào quá trình bầu cử ở Venezuela.

Nhà Trắng lần này cũng như năm 2008, đã lại tuyên bố rằng cuộc bầu cử ở Venezuela dường như “không phản ánh ý nguyện của nhân dân”. Theo hãng Bloomberg, Washington không những đã loại trừ khả năng gỡ bỏ các biện pháp cấm vận hiện hữu đối với Venezuela, mà còn dự định áp dụng nhiều hạn chế mới... Liên minh châu Âu cũng đang xem xét những biện pháp có thể được áp dụng chống lại Venezuela.

Trong lúc phương Tây nhiệt tình ủng hộ phe đối lập thì Moscow lại kiên định chính sách bảo vệ chính thể của Tổng thống Maduro. ALBA (Liên minh Bolivar vì nhân dân châu Mỹ của chúng ta, một tổ chức hợp tác quốc tế dựa trên ý tưởng về việc hội nhập kinh tế, chính trị và xã hội của các quốc gia Mỹ Latinh và vùng Caribbean) cũng đã lên tiếng phê phán các cuộc biểu tình ở Venezuela và gọi chúng là “một âm mưu đảo chính” do những thế lực cực hữu tiến hành. ALBA được lập ra năm 2004 với sự khởi xướng của Venezuela và Cuba, có sự tham gia của 10 thành viên trong khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribbean.

Theo nhiều nhà quan sát, tình hình ở Venezuela không dễ dàng trở lại bình yên. Cuộc bầu cử vừa qua cho thấy rằng, phe đối lập ở Venezuela đã có những bước tiến trong việc liên kết với nhau để chống lại Tổng thống Maduro. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, những thế lực thù địch vẫn rất khó có thể lật đổ chính quyền hợp pháp ở đất nước này. Cây ngay, không dễ bị chết đứng...

HỒNG THANH QUANG