Sự khác biệt trước hết là dù vẫn được nhắc đến đầu tiên trong Thông điệp Liên bang nhưng xung đột Nga-Ukraine cũng như quan hệ Nga-phương Tây không còn là điểm quan trọng nhất, chiếm nhiều thời gian nhất trong bài phát biểu lần này. Thay vào đó là bóng dáng của một dự án quốc gia khổng lồ mang tầm chiến lược, mà mục tiêu không có gì khác ngoài tham vọng đưa nước Nga vượt lên một tầm cao mới trong tương lai.

leftcenterrightdel

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Hiếm có khi nào nước Nga phải đối mặt với thử thách khắc nghiệt đến vậy. Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã bước sang năm thứ ba và ngày càng trở thành một cuộc chiến giằng co và tiêu hao, thử thách sức chịu đựng của cả hai bên. Trong khi đó, dưới sức ép nặng nề của gần 19.000 lệnh cấm vận các loại mà phương Tây áp đặt kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, chưa bao giờ không gian phát triển của nước Nga lại bị bóp nghẹt đến như vậy. 

Ấy thế nhưng nước Nga đã có một năm thành công. Với con số 3,6%, tốc độ tăng trưởng GDP của Nga năm 2023 đã vượt qua các thành viên thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Theo Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế, tính đến cuối năm 2022, GDP của Nga đã vượt qua Đức, đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Âu và thứ 5 trên thế giới.

Dòng dầu lửa và khí đốt sang châu Âu bị các lệnh cấm vận của phương Tây chặn lại thì được Nga chuyển hướng sang phía Đông, tới các đối tác chiến lược như Trung Quốc, Ấn Độ. Theo thống kê, một nửa khối lượng năng lượng xuất khẩu của Nga trong năm 2023 là sang Trung Quốc, trong khi thị phần mua mặt hàng này của Ấn Độ đã tăng 40% trong vòng hai năm qua. Quan hệ với phương Tây đóng lại thì hợp tác “hướng Nam”, “hướng Đông” với các nước châu Á, châu Phi, Mỹ Latin và Trung Đông được mở ra, đem lại cho nước Nga cơ hội phát triển, tăng cường khả năng chống chịu trước những lệnh cấm vận của phương Tây. 

Tiếng nói và ảnh hưởng của nước Nga vẫn có thể cảm nhận rõ trên diễn đàn các tổ chức quốc tế mà Nga tham gia với tư cách thành viên chủ chốt như Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), trong khi vai trò của các tổ chức này không ngừng tăng lên. Theo Tổng thống Vladimir Putin, năm 2028, các nước BRICS sẽ chiếm khoảng 37% GDP toàn cầu, trong khi tỷ trọng này của G7 sẽ giảm xuống dưới 28%.             

Đó là cơ sở để ông Putin tự tin bước vào tranh cử, vạch ra tầm nhìn chiến lược định hình cho chính sách đối nội và đối ngoại của nước Nga không chỉ trong vòng 6 năm tới theo nhiệm kỳ tổng thống mà còn cho tương lai nước Nga sau năm 2030 và xa hơn nữa. Hàng loạt dự án trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học cũng như phát triển con người, cùng những biện pháp hỗ trợ, khuyến khích đã được công bố trong kế hoạch của ông Putin.

Một trong những điểm đáng chú ý ở đây là định hướng tập trung phát triển công nghệ, bao gồm cả công nghệ quân sự, quốc phòng và công nghệ dân dụng, dân sinh. Trong đó nhấn mạnh mục tiêu làm chủ công nghệ để xác định chủ quyền về công nghệ. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng trong bộ tiêu chí về quyền độc lập, tự chủ đa phương diện mà Tổng thống Vladimir Putin từng nhắc đến trước đó.

Đặc biệt, đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo nhân lực được coi là yếu tố quyết định tương lai của nước Nga. Trong đó, gia đình được xác định là nền tảng, tuổi trẻ và sự năng động là động lực, tuổi thọ là cần thiết, còn các giá trị truyền thống là bệ đỡ. Hơn nghìn tỷ ruble sẽ được đầu tư trong vòng 6 năm tới để xây dựng, sửa chữa và trang bị các cơ sở y tế, các cơ sở thể thao trên khắp đất nước. Tất cả là vì người dân Nga, những người sẽ thực hiện những công việc phục vụ đất nước Nga trong 6 năm tới và cũng là những người sẽ thụ hưởng thành quả từ sự cống hiến của họ. 

Bất chấp hàng rào phong tỏa, cấm vận và trừng phạt tầng tầng lớp lớp của phương Tây, bất chấp “Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine” chưa đạt được những mục tiêu chiến lược, nước Nga đã có những bước tiến đáng ghi nhận trong năm 2023. Thế nhưng, phía trước vẫn đầy thử thách mà lớn nhất là tìm giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine, yếu tố sẽ tác động nhiều mặt đến triển vọng của nước Nga trong nhiệm kỳ tổng thống mới.

Nước Nga chắc không muốn vượt ra khỏi cuộc xung đột này chỉ để phân định kẻ thắng, người thua, bởi có một thực tế nghiệt ngã mà như Tổng thống Vladimir Putin từng đề cập rằng đây là một “thảm kịch lớn”, một “cuộc nội chiến” giữa những người anh em. Điều nước Nga cần là sự tôn trọng, là việc khẳng định quyền được “xác định con đường của riêng mình, bảo vệ truyền thống của mình và giải quyết các vấn đề dựa trên thế giới quan của chính mình” trong một thế giới đầy cạnh tranh, đối đầu và đối địch hiện nay. Đó chính là thách thức mà người sẽ cầm lái nước Nga phải đối mặt sau cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, trong đó ông Putin là ứng cử viên hàng đầu. 

TƯỜNG LINH