Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani đã rời Moscow sau chuyến công du mà cả Nga và Iraq đều đánh giá tích cực. Những lời thân thiện mà Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani dành cho nhau cho thấy, hơn nửa thế kỷ sau khi Hiệp ước hữu nghị Liên Xô-Iraq được ký kết vào tháng 4-1972, tình bạn vẫn còn in đậm trong quan hệ giữa Nga (như là người thừa kế Liên Xô) với Iraq.
Với Nga, Iraq là một trong những nước Arab có quan hệ hữu nghị thân thiện lâu đời nhất. Đây lại là nước có nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào, là cường quốc xuất khẩu dầu lửa lớn thứ hai trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), đóng vai trò quan trọng đối với Nga cả về đầu tư lẫn cạnh tranh trong sản xuất và cung cấp năng lượng. Đây cũng là địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng giữa Nga và Mỹ kể từ sau các cuộc chiến tranh vùng Vịnh và việc Mỹ rút quân khỏi Iraq năm 2011. Sự bành trướng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) cùng các nhóm khủng bố khác ở Iraq và Syria có thể tác động đến an ninh cũng khiến Nga phải quan tâm đến khu vực này.
|
|
Một cơ sở dầu mỏ của Iraq. Ảnh: AP |
Ở chiều ngược lại, mối quan hệ của Iraq với Nga trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến quân sự, an ninh. Ngoài lợi ích từ hợp tác dầu khí, Nga là đối tác lâu dài để Iraq có thể bảo đảm nguồn cung cấp lúa mì từ 4,5 đến 5 triệu tấn mỗi năm, cũng như tránh bị rơi vào tình thế bất lợi từ cuộc khủng hoảng lương thực đang diễn ra trên thế giới. Về mặt an ninh, trong 10 năm qua, Nga đóng vai trò không thể thiếu trong việc ngăn chặn các tay súng IS và lực lượng Hồi giáo Takfiri cực đoan muốn mở rộng ảnh hưởng ở Iraq và nước láng giềng Syria. Năm 2014, khi IS đánh chiếm thành phố lớn thứ hai của Iraq là Mosul, theo yêu cầu của Chính phủ Baghdad, Nga đã hỗ trợ Iraq hàng loạt máy bay tấn công Su-25 để trấn áp khủng bố.
Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi quan hệ Nga-Iraq luôn ổn định và phát triển. Đây là cơ hội để Moscow triển khai “ván bài dầu khí” ở Trung Đông thông qua Iraq. Ngay từ cuối những năm 2000, những bước đi lặng lẽ giành thị trường dầu khí Iraq đã được các tập đoàn năng lượng hùng mạnh của Nga như Zarubezhneft, Tatneft và Rosneftegaz tiến hành. Mô tả phương cách hoạt động của các công ty Nga, báo chí Iraq chia sẻ: “Bắt đầu từ một ngày nào đó với một hợp đồng tương đối nhỏ được một số công ty ít tên tuổi của Nga triển khai. Sau đó, nhiều công ty khác của Nga xuất hiện ở cùng một nơi với danh nghĩa “nhà thầu” được công ty trúng thầu ban đầu lôi kéo vào. Tiếp đó, các công ty an ninh xuất hiện để bảo vệ tất cả nhân lực rồi bất ngờ bạn thấy Nga chiếm giữ một phần lớn cơ sở hạ tầng dầu khí ở Iraq”.
Tham vọng của Nga mở rộng hiện diện trong lĩnh vực dầu khí ở Iraq là bởi theo những tính toán mới, trữ lượng dầu khí tiềm năng ở Iraq đã tăng gấp đôi so với những ước tính trước đây. Kể từ năm 2017, công ty dầu mỏ lớn nhất của Nga là Rosneft đã bơm hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng sản xuất dầu và vận chuyển ở miền Bắc Iraq theo các thỏa thuận với chính quyền khu vực của người Kurd. Ở miền Nam Iraq, tập đoàn Lukoil hiện sản xuất khoảng 480 nghìn thùng dầu mỗi ngày tại mỏ Tây Qurna 2. Trong khi đó, Gazprom Neft-chi nhánh dầu mỏ của tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom tham gia vào dự án Badra ở miền đông Iraq và hai mỏ ở khu vực của người Kurd.
Là những nước đóng vai trò hàng đầu trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và các đối tác (OPEC+), Nga và Iraq còn hợp tác chặt chẽ việc thiết lập hạn ngạch xuất khẩu nhằm ổn định giá dầu trên thị trường, yếu tố then chốt bảo đảm cho sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu cũng như cân bằng lợi ích giữa các nước xuất khẩu và tiêu thụ dầu lửa. Sự tương đồng và gắn bó lợi ích đã đưa Nga, Iraq cùng những nước chủ chốt trong OPEC+ như Saudi Arabia đứng về một bên trong cuộc đối đầu với đòi hỏi của Mỹ và các nước phương Tây tăng sản lượng khai thác để hạ giá dầu lửa. Cũng chính Iraq là người chủ động nêu ra các yêu cầu với Mỹ nhằm bảo vệ các mối quan hệ kinh tế của Baghdad với Moscow, nhất là trong lĩnh vực dầu khí, trước các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các nước phương Tây áp đặt với Nga.
Tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani sau chuyến thăm Nga rằng, Iraq và Nga “đã đề cập đến các hoạt động quan trọng của các công ty dầu mỏ Nga ở Iraq, phù hợp với tầm nhìn của Chính phủ Iraq nhằm thúc đẩy nền kinh tế và đa dạng hóa nguồn lực” cùng thông báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin về khoản đầu tư của các công ty Nga vào lĩnh vực năng lượng ở Iraq đã lên tới gần 19 tỷ USD cho thấy “ván bài dầu khí” của Nga ở Iraq đang diễn ra theo đúng toan tính của Moscow. Đó là cơ sở giúp Nga giữ vững chỗ đứng chân và ảnh hưởng tại khu vực giàu dầu lửa và khí đốt này.
TƯỜNG LINH