Đây là hệ quả của sự phát triển mạnh mẽ, sâu sắc, thực chất và hiệu quả của mối bang giao giữa Việt Nam và Mỹ kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, đặc biệt trong 10 năm quan hệ đối tác toàn diện. Nó là kết quả của tầm nhìn, quyết tâm, đóng góp của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước, là bằng chứng khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế đã đem lại sự phát triển mạnh mẽ cho quan hệ của Việt Nam với các nước, trong đó có Mỹ.

Quan hệ Việt-Mỹ luôn là vấn đề nhạy cảm bởi quá khứ nặng nề của chiến tranh. Những nghi kỵ, đối đầu trong thời kỳ cấm vận càng khiến quá trình hòa giải, xây dựng lòng tin thêm khó khăn. Thế nhưng, với quan điểm nhất quán của Việt Nam “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”, các vật cản dần được tháo gỡ. Từ mở đầu bằng việc xây dựng niềm tin thông qua các vấn đề do chiến tranh để lại, như tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (MIA), tái đoàn tụ các gia đình tị nạn, các chương trình nhân đạo, quan hệ Việt-Mỹ từng bước được khai thông, hợp tác dần mở rộng sang hầu hết các lĩnh vực.

leftcenterrightdel
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu với báo chí sau cuộc hội đàm chiều 10-9. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Đặc biệt, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, chúng ta được chứng kiến giai đoạn phát triển mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc trong quan hệ Việt-Mỹ. Các đời tổng thống Mỹ thuộc cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa đều thăm Việt Nam, cho thấy nội bộ Mỹ có sự đồng thuận cao về tăng cường quan hệ với Việt Nam. Các tổng thống Mỹ, từ ông Barack Obama, Donald Trump đến Joe Biden đều khẳng định chính sách của Mỹ là ủng hộ một Việt Nam “hùng mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng”. Trong khi Việt Nam coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại của mình, thì Mỹ xem Việt Nam là đối tác quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Quan hệ Việt-Mỹ phát triển mạnh mẽ bởi nó dựa trên nền tảng là sự khẳng định của hai bên về các nguyên tắc cơ bản tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, theo luật pháp quốc tế. Trong đó, việc tôn trọng thể chế chính trị là yếu tố quan trọng, nhất là khi hai nước có những khác biệt về chế độ chính trị xã hội. Thành quả đạt được không phải là ngẫu nhiên hay tất yếu mà là kết quả của ý chí, quyết tâm, tầm nhìn chiến lược và cả sự can đảm từ hai phía. Nó cho thấy mọi vướng mắc, trở ngại đều có thể vượt qua nếu như điều đó xuất phát từ lợi ích quốc gia, trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng những lợi ích chính đáng của nhau.

Với việc thiết lập đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ Việt-Mỹ đang vươn lên tầm cao mới. Tuyên bố chung mà lãnh đạo hai nước đưa ra đã vạch tầm nhìn hướng tương lai, mở ra giai đoạn lịch sử mới của tình hữu nghị và hợp tác song phương. Ý nghĩa của việc nâng cấp quan hệ không chỉ giới hạn trong hợp tác sâu rộng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, khoa học kỹ thuật, công nghệ, giáo dục và văn hóa, mà là góp phần củng cố lòng tin. Đây là điều hết sức cần thiết cho việc mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực thiết yếu, trong đó có việc coi thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại-đầu tư theo hướng đổi mới sáng tạo là nền tảng, là trọng tâm và động lực; tăng cường hợp tác khoa học-công nghệ là đột phá mới trong quan hệ hai nước.

Triển vọng quan hệ Việt-Mỹ đang rộng mở. Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, là quốc gia có nền giáo dục, khoa học công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới. Với Việt Nam, sau gần 40 năm đổi mới, chúng ta đã vươn lên thành quốc gia có quy mô kinh tế lớn thứ 36 thế giới, lọt vào nhóm 30 nền kinh tế có giá trị xuất khẩu lớn nhất, giữ vai trò then chốt trong nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu như dệt may, linh kiện điện tử. Việt Nam cần kinh nghiệm quản lý, công nghệ, nguồn vốn đầu tư và thị trường rộng lớn của Mỹ. Ngược lại, Việt Nam với nền kinh tế đang trỗi dậy và thị trường 100 triệu dân cùng vị thế ngày càng tăng đang được các đối tác, trong đó có Mỹ, coi trọng và mong muốn mở rộng quan hệ.

Thêm vào đó, lịch sử cho thấy khi quan hệ Việt-Mỹ phát triển tích cực, ổn định, điều đó không chỉ phục vụ lợi ích thiết thực của người dân hai nước, mà còn phù hợp với xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển. Chính vì thế, việc nâng tầm quan hệ sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam và Mỹ mở rộng hợp tác trong các vấn đề khu vực và toàn cầu trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế; vì mục tiêu hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Gần 80 năm trước, ngay sau khi Việt Nam giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư đến Tổng thống Mỹ Harry Truman bày tỏ ý nguyện thiết lập “hợp tác đầy đủ” với Mỹ. Lịch sử đã không đi con đường bằng phẳng trước khi Việt Nam và Mỹ trở thành đối tác toàn diện của nhau. Nhưng hợp tác vì lợi ích của nhân dân hai nước là xu thế không thể đảo ngược và sự kiện Việt Nam và Mỹ nâng quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện là một dấu mốc quan trọng trên hành trình nỗ lực chung của hai nước để hiện thực hóa mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

TƯỜNG LINH