Ông đã có bài phát biểu tại Hội nghị An ninh quốc tế Moscow lần thứ 11, hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Ông cũng có những cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các Bộ Quốc phòng của Việt Nam, Iran, Arab Saudi, Kazakhstan và một số nước. Tại Minsk, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc có cuộc gặp với Tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko. Ông cũng có buổi làm việc cùng Bộ trưởng Quốc phòng Belarus, Victor Khrenin.

Đây là lần thứ hai Thượng tướng Lý Thượng Phúc tới thăm Liên bang Nga sau khi ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tháng 3-2023. Trong lần đầu tới Moscow tháng 4-2023, ông Lý Thượng Phúc đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, “thảo luận về hiện trạng và triển vọng hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực quốc phòng, cũng như những vấn đề thời sự của an ninh toàn cầu và khu vực. Trong chuyến thăm đó, Thượng tướng Lý Thượng Phúc cũng đã thăm một số học đường quân sự của Nga. Và ngày 3-7 vừa qua, ông Lý đã có cuộc gặp gỡ với Tư lệnh Hải quân Nga Nikolai Yevmenov tại Bắc Kinh. Trong khi đó, thời gian gần đây Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc không hề có cuộc gặp gỡ chính thức nào với người đồng cấp từ Mỹ, Lloyd Austin. Một phần lý do dẫn tới việc này là từ tháng 9-2018, ông Lý đã bị phía Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt vì tham gia vào các giao dịch liên quan đến “việc Nga chuyển giao cho Trung Quốc 24 máy bay chiến đấu Su-35 và thiết bị liên quan đến hệ thống tên lửa đất đối không S-400”. Khi đó, ông Lý còn là Chủ nhiệm Bộ phát triển trang bị Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Cũng nên biết thêm rằng, về học vấn quân sự, ông Lý vốn là kỹ sư tên lửa.

leftcenterrightdel
Tổng thống Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Nga gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc. Ảnh: Sky News 

Theo lời ông Dmitry Mezentsev, Quốc vụ khanh Nhà nước Liên minh Nga-Belarus, nói bên lề Hội nghị an ninh quốc tế lần thứ 11 “Quân đội 2023”, không nên coi chuyến thăm này của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc là một chuyện gì đặc biệt, đó chỉ là một “chuyện thường ngày ở huyện” trong quan hệ giữa 3 nước. Tuy nhiên, trong thực tế, sự kiện này đã cho thấy những bước đi không thể coi nhẹ trong việc tìm kiếm đường chung trên lộ trình quốc tế phức tạp hiện nay giữa 3 quốc gia, đặc biệt là giữa LB Nga với Trung Quốc.

Tại Moscow, ông Lý nói rằng, ông rất vui khi thấy quân nhân Nga quan tâm tới các sản phẩm quốc phòng của Trung Quốc. Trước đó, tại Hội nghị an ninh quốc tế lần thứ 11 “Quân đội 2023”, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu đã ghé thăm phần trưng bày các sản phẩm quốc phòng của Trung Quốc, cũng như của Iran và Ấn Độ. Bắc Kinh đã mang tới trưng bày ở Moscow những máy bay không người lái và các hệ thống phòng không HQ-22E và FK-2000. Theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, các xí nghiệp quốc phòng Trung Quốc trong tương lai sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào những hội nghị như thế. Và ông nhấn mạnh rằng, trong các cuộc đàm phán với phía Nga, ông muốn sẽ đề cập tới những triển vọng hợp tác giữa các lực lượng vũ trang của hai nước: “Đây đã là cuộc gặp thứ ba của chúng tôi trong năm nay. Tôi không hề có một sự tiếp xúc dày đặc như thế với lãnh đạo bộ quốc phòng các nước khác. Điều này chứng tỏ mức độ cao và tính chất đặc biệt trong quan hệ giữa hai quốc gia và hai lực lượng vũ trang. Và điều này cũng nói về quan hệ công việc tốt và tình bằng hữu riêng tốt của chúng tôi”.

Theo các chuyên gia, trong các cuộc hội đàm ở Moscow, hai bên Nga và Trung Quốc đã bàn chủ yếu về việc phối hợp các cuộc tập trận chung, gia tăng số lượng và mở rộng địa bàn. Trong quá khứ, hai bên từng tập trận chung ở Địa Trung Hải. Mới đây, tàu chiến hai nước cũng tiến hành tuần tra chung ở vùng biển gần Alaska. Trong vòng 10 năm trở lại đây, quân đội Nga đã là lực lượng then chốt trong phối hợp tập trận với quân đội Trung Quốc. Tính từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền ở Trung Quốc đến nay, Bắc Kinh đã tiến hành tới 45 cuộc tập trận chung với Moscow.

Cũng theo đánh giá của các chuyên gia, về nguyên tắc mà nói, việc hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc vẫn đang tiếp tục gia tăng nhưng khó có thể gây nên những hệ lụy tiêu cực từ phía phương Tây. Hiện có những thông tin (do phía Mỹ đưa ra) về việc cung cấp những xe bọc thép và phương tiện bảo vệ cá nhân do Trung Quốc sản xuất cho quân đội Nga cũng như có tin về việc xuất hiện những khí tài pháo binh do Trung Quốc sản xuất trong vùng diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, đó có lẽ là những thứ được lấy ra từ nguồn dự trữ có từ trước đây, không phải được nhập thẳng từ Trung Quốc mà theo những đường vòng từ các quốc gia khác, thí dụ như có thể thông qua đường Iran hay một quốc gia nào khác. Ở thời điểm hiện tại, Bắc Kinh vẫn chưa mạo hiểm bước qua “ranh giới đỏ” liên quan tới việc cung cấp trực tiếp vũ khí cho Moscow.

Các chuyên gia cũng cho rằng, nếu trong tương lai có những vụ việc như thế liên quan tới cung cấp vũ khí đáng kể cho Nga từ Trung Quốc thì chắc cũng sẽ xuất hiện những phản ứng trả đũa từ phía Mỹ và Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt đó chắc cũng sẽ chỉ ở một mức độ nào đó, vì nền kinh tế Trung Quốc hiện nay đang có quy mô quá lớn và quá quan trọng đối với phương Tây, họ sẽ không thể làm “quá mù ra mưa” ngay cả khi bắt buộc phải tỏ ra cuồng nộ trước những sự xích lại gần nhau có thể xuất hiện giữa Nga và Trung Quốc.

Thực tế cho thấy, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã đẩy Nga lâm vào thế kẹt trong nhiều mối quan hệ quốc tế. Tại Trung Quốc, trong giới nghiên cứu không phải ai cũng đồng thuận với hành động của Nga tại Ukraine, nhưng Chính phủ Trung Quốc cho tới nay vẫn tỏ thái độ trung dung đối với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine và chủ trương ủng hộ các giải pháp hòa bình để chấm dứt cảnh đầu rơi máu chảy tại Ukraine. Và nhiều chuyên gia Trung Quốc vẫn cho rằng, sự kiện Ukraine vẫn đang là cơ hội để Trung Quốc và Nga có thể xích lại gần nhau hơn trong những nỗ lực đối phó và bác bỏ sự áp đặt nổi trội của phương Tây, đặc biệt là Mỹ, trên trường quốc tế.

Cả hai nước đều đang muốn đẩy nhanh sự xuất hiện một thế giới đa cực, không để cho phương Tây độc diễn trò “múa võ giữa hội chợ” trên trường quốc tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh trong thực tế không muốn vì Moscow mà đánh mất đi những liên hệ kinh tế quan trọng với phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Hơn nữa, trong thực tế, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đang gây ra nhiều bất lợi cho sự phát triển chung của nền kinh tế thế giới, trong đó có cả Bắc Kinh. Tuy nhiên, trong hai cái dở thì phải chọn cái ít dở hơn và vì thế Bắc Kinh vẫn muốn tìm những điểm gần gũi trong hợp tác với Moscow, kể cả trong lĩnh vực quân sự...

HỒNG THANH QUANG