Là hai nước láng giềng, lại là những cường quốc kinh tế khu vực vốn phụ thuộc lẫn nhau nhưng lâu nay, quan hệ Nhật-Hàn luôn trong cảnh “xa mặt, cách lòng”. Gần một thế kỷ đã trôi qua nhưng quá khứ đau đớn bởi những năm tháng dưới ách cai trị hà khắc của đế quốc Nhật Bản giai đoạn 1910-1945 vẫn đè nặng tâm trí người dân Hàn Quốc, đặt quan hệ Nhật-Hàn luôn trong tình trạng căng thẳng.
Mặc dù ngay từ những năm 60 của thế kỷ 20, Tokyo và Seoul đã tiến hành nhiều nỗ lực hòa giải, nhưng mỗi lần như vậy, tranh chấp về lãnh thổ, vấn đề bồi thường cho những người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động hay câu hỏi nhức nhối của bao phụ nữ Hàn Quốc từng bị bắt vào nhà thổ mua vui cho lính Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ hai lại nổi lên, đẩy dư luận hai bên vào cuộc tranh cãi không hồi kết.
|
|
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bắt tay trước khi tiến hành hội đàm tại Tokyo. (Ảnh: Yonhap) |
Năm 2018, cơn sóng ngầm trong quan hệ Nhật-Hàn lại nổi lên sau khi Tòa án tối cao Hàn Quốc ra lệnh cho các công ty Nippon Steel và Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản phải đền bù cho các nạn nhân Hàn Quốc còn sống từng phải lao động cưỡng bức cho các công ty này trong Thế chiến II. Không chấp nhận phán quyết của tòa, cả hai công ty đều từ chối thanh toán, dẫn đến việc Tòa án tối cao Hàn Quốc ra tiếp phán quyết thanh lý tài sản các công ty này ở Hàn Quốc để lấy tiền đền bù.
Trong hành động trả đũa, Nhật Bản quyết định loại Hàn Quốc khỏi danh sách các nước được hưởng chế độ xuất khẩu ưu đãi của nước này. Tokyo cũng thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với những hóa chất mà các công ty Hàn Quốc sử dụng để sản xuất chất bán dẫn và màn hình, khiến Seoul đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và loại Nhật Bản khỏi danh sách các quốc gia có tình trạng thương mại ưu tiên. Căng thẳng cứ thế leo thang và lên tới đỉnh điểm khi Hàn Quốc tuyên bố chấm dứt hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản, một trụ cột trong quan hệ đồng minh giữa hai nước.
Trong khi cuộc tranh cãi xung quanh những vấn đề lịch sử đẩy tâm lý dân tộc lên cao, đem lại cho các chính trị gia Nhật Bản và Hàn Quốc nhiều con bài chính trị để tranh thủ lá phiếu người dân, thì cuộc “thương chiến công nghệ cao” lại giáng những đòn mang tính thảm họa cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn Nhật Bản và các chaebol công nghệ điện tử của Hàn Quốc, như Samsung Electronics, LG Electronics, SK Hynix.., đồng thời dẫn tới sự đổ vỡ hệ sinh thái của chuỗi cung ứng mặt hàng điện tử vốn ràng buộc lẫn nhau giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, yếu tố từng góp phần tạo nên “thần kỳ Đông Á” nửa thế kỷ qua.
Chưa có con số thống kê thiệt hại nhưng với việc Nhật Bản kiểm soát tới 80% nguồn cung ứng các vật liệu bán dẫn, trong khi Hàn Quốc sản xuất tới 70% chip bộ nhớ của toàn thế giới và 90% màn hình OLED-bộ phận quan trọng của màn hình máy tính và TV, mức độ tàn phá về kinh tế của cuộc đụng độ Nhật-Hàn đương nhiên là không nhỏ. Thêm vào đó, Nhật Bản và Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ tư của nhau. Quan hệ song phương xấu đi đương nhiên tác động đến tiềm năng tăng trưởng của hai nước.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên liên quan đến các vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên và sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc đã tạo ra những thách thức mới mà Nhật Bản và Hàn Quốc cùng phải đối mặt. Sự tương đồng giữa Tokyo và Seoul trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc lấy tự do, hòa bình, thịnh vượng làm trung tâm và tầm nhìn của Nhật Bản về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở cũng buộc hai nước phải suy tính giảm bớt căng thẳng. Thêm vào đó, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai cường quốc khu vực. Sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước không chỉ giúp giải quyết các thách thức an ninh của khu vực mà còn trên quy mô toàn cầu. Đây chính là nguyên nhân buộc Tokyo và Seoul phải tính đến việc cải thiện quan hệ.
Với việc Nhật Bản và Hàn Quốc quyết định khôi phục chế độ ưu đãi xuất khẩu với nhau, quan hệ Tokyo-Seoul đang dần tan băng. Khi sóng gió tạm lắng, hai nước ngay lập tức mở các cuộc đối thoại an ninh, kinh tế, đi vào những lĩnh vực chiến lược liên quan đến chất bán dẫn, xe điện và pin, cũng như phản ứng chung nhằm đối phó với các áp lực kinh tế bên ngoài. Nhiều thỏa thuận cụ thể đã được bàn thảo, như việc tăng cường hợp tác giữa các nhà sản xuất chất bán dẫn Hàn Quốc và doanh nghiệp của Nhật Bản, xây dựng cơ sở sản xuất để bảo đảm chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Mới đây, tập đoàn Samsung đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy và cơ sở nghiên cứu chip bán dẫn mới tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, không phải tất cả lực lượng chính trị ở Nhật Bản và Hàn Quốc đều hài lòng với nỗ lực hòa giải giữa Tokyo và Seoul. Các đảng đối lập ở Hàn Quốc cho rằng Tokyo vẫn chưa thực sự hối hận về lịch sử cai trị thuộc địa của họ, cũng như chưa đưa ra lời xin lỗi đủ mức với Hàn Quốc về những tội lỗi trong quá khứ. Tranh cãi chủ quyền xung quanh quần đảo Dokdo (theo cách gọi của Hàn Quốc) hay Takeshima (theo cách gọi của Nhật Bản) cùng việc các lãnh đạo Nhật Bản vẫn tiếp tục đến viếng hoặc gửi đồ lễ đến đền Yasukuni, nơi được coi là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản trong quá khứ, tiếp tục là những vấn đề khiến quan hệ Nhật-Hàn có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Nếu không kiểm soát được tâm lý dân tộc, trạng thái hòa giải hiện nay giữa Tokyo và Seoul có thể chỉ là thời điểm tạm lắng giữa những cơn bão.
TƯỜNG LINH