Thực sự là ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Ferdinand Marcos đã thẳng thừng tuyên bố rằng ông “không thể nhìn thấy một Philippines trong tương lai không có Mỹ là đối tác”. Sở dĩ ông phải nói ngay như vậy vì người tiền nhiệm của ông, cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, trong nhiệm kỳ của mình đã khá mạnh mẽ trong mọi nỗ lực cắt bớt những ràng buộc lịch sử giữa đảo quốc này với Washington. Chính ông Duterte ngay từ năm 2016 đã tuyên bố hủy bỏ Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) mà Philippines đã ký với Mỹ từ năm 1998. Ông Duterte cũng đã chấm dứt các hiệp ước song phương quan trọng khác mà Philippines từng ký với Mỹ.
|
|
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr trình bày Thông điệp quốc gia đầu tiên trước Quốc hội tại Quezon ngày 25-7-2022. (Ảnh: AFP/ TTXVN) |
Nhìn lại lịch sử chưa xa, Philippines từng gần như là một kiểu thuộc địa của Mỹ, với các tầng lớp tinh hoa và trung lưu luôn quay đầu về phía Washington hóng gió, ít ra là trong văn hóa và lối sống. Trong giai đoạn cầm quyền của cố Tổng thống Ferdinand Marcos (cha), đảo quốc này đã là một đồng minh thân cận và ngoan ngoãn bậc nhất của Washington tại Đông Nam Á. Với Tổng thống Ferdinand Marcos (con), thực sự đã có những bước xích lại gần nhau đáng kể giữa Manila và Washington.
Đầu năm 2023, trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Manila, chính quyền Philippines đã cho phép quân đội Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự ở nước này, bên cạnh 5 căn cứ quân sự đã nằm trong tay Washington. Tới tháng 4 vừa qua, Hoa Kỳ và Philippines đã công bố 4 căn cứ quân sự mới dành cho quân đội Mỹ. Ngày 11-4, lần đầu tiên kể từ 7 năm qua, Mỹ và Philippines đã tiến hành nhóm họp các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng tại Washington. Cùng lúc, từ ngày 11 tới 28-4, hơn 17.000 binh sĩ Mỹ và Philippines đã tiến hành cuộc tập trận quân sự chung mang tên Balikatan trên lãnh thổ Philippines. Đây được coi là cuộc tập trận chung thường niên lớn nhất và phức tạp nhất trong vòng 38 năm qua giữa Philippines và Mỹ.
Không những thế, trong chuyến công du sang Mỹ từ ngày 30-4 tới 4-5 của Tổng thống Philippines, hai bên đã khẳng định lại hiệu lực của hiệp ước phòng thủ chung được ký từ năm 1951 với những hứa hẹn sẽ tùy cơ ứng biến cho phù hợp với tình hình mới hiện nay. Một trong những nội dung lớn của hiệp ước đó là yêu cầu Hoa Kỳ phải hành động trong trường hợp quân đội Philippines bị tấn công vũ trang. Tại cuộc gặp ngày 1-5 trong Nhà trắng, Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Ferdinand Marcos đã đồng ý sẽ tăng cường phối hợp quân sự. Phía Mỹ cũng hứa sẽ chuyển giao 3 phi cơ C-130 và xem xét khả năng đưa tàu tuần tra biển tới Philippines.
Trung Quốc dĩ nhiên không thích thú gì với những việc như thế. Tháng 2 vừa qua, Bắc Kinh đã lên án Manila “làm gia tăng căng thẳng trong khu vực” khi đồng ý cho Mỹ sử dụng thêm căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình. Và cũng phải nói rằng, không phải Bắc Kinh không có lý. Ngay hãng tin Reuters trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia cũng cho rằng Washington có thể xem Philippines như một cơ sở tiềm năng để bố trí tên lửa và các hệ thống pháo trong tình huống xảy ra chiến sự. Đại diện của Lầu Năm Góc trong tháng 4 đã không bác bỏ lại những dự đoán như trên mà chỉ lưu ý rằng, hiện nay còn quá sớm để nói về kế hoạch này.
Hơn ai hết, đương kim Tổng thống Philippines hiểu rõ rằng, Manila trong khi tái thiết lại quan hệ với Mỹ theo hướng chặt chẽ hơn, không nên làm cho Bắc Kinh tức giận. Trong xã hội Philippines, cộng đồng người gốc Hoa đang nắm giữ một phần rất quan trọng trong nền kinh tế và có tiếng nói khá nặng ký trong đời sống chính trị-xã hội. Số lượng người Philippines đang làm việc ở Đài Loan cũng khá đông và tương lai của họ rất liên quan tới việc Trung Quốc xử lý vấn đề thống nhất đất nước của mình.
Trong bất luận tình huống nào, Bắc Kinh cũng vẫn là quốc gia mà Philippines cần thiết lập những mối quan hệ nếu không ở mức cao như thời cựu Tổng thống Duterte thì cũng phải cố gắng trong tình trạng gió êm sóng lặng. Không ngẫu nhiên mà ông Ferdinand Marcos đã chọn Trung Quốc là nước đầu tiên ngoài khu vực Đông Nam Á mà ông tới thăm hồi đầu năm 2023. Tại Bắc Kinh, ông Marcos đã nêu rõ phương châm hành động của đảo quốc là sẽ không trở thành kẻ thù của bất kỳ ai và sẽ làm bạn với tất cả. Đấy có lẽ cũng là tinh thần chung của các nước ASEAN trong đối ngoại quốc tế: Không chọn phe và chỉ chọn chính nghĩa trong một thế giới đang liên tục đảo chiều trái phải.
Khi cho phép quân đội Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự ở Philippines, ông Marcos đã nói rằng: “Hoa Kỳ chưa từng đề cập tới việc những căn cứ này sẽ được sử dụng để tấn công. Đó không phải là chức năng của chúng, chúng sẽ không được sử dụng để làm việc đó”. Hơn thế nữa, trong cuộc họp báo khi sang thăm nước Mỹ, Tổng thống Philippines đã nhấn mạnh, “thỏa thuận cho phép Washington sử dụng các căn cứ quân sự ở Philippines nhằm tới mục đích chống lại những hệ lụy của biến đổi khí hậu...”. Ông Marcos cũng nói thêm rằng, Hoa Kỳ không yêu cầu Philippines cung cấp các đơn vị quân đội trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc vì vấn đề Đài Loan.
Xét trên diện rộng, phương châm hành xử của đương kim Tổng thống Philippines trong công tác đối ngoại có lẽ là phải đi theo “trung đạo”, cố gắng làm sao để xây dựng những mối quan hệ tốt với Mỹ, nhưng không làm hỏng những mối quan hệ với các siêu cường khác mà Washington đang rất muốn gây khó dễ, ví như với Trung Quốc hay Nga... Tuy nhiên, đây là việc không hề đơn giản khi những mâu thuẫn mang tính chiến lược giữa các trung tâm quyền lực lớn trên thế giới đang ngày càng trở nên bạo liệt và sâu sắc hơn.
HỒNG THANH QUANG