Đó là việc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có cuộc gặp bên lề. Tuy ngắn ngủi, nhưng cũng đủ để đề cập tới những vấn đề quan trọng trong quan hệ giữa Nga và Mỹ. Trước đó, kể từ tháng 2-2022, Ngoại trưởng Mỹ và Nga đã hoàn toàn quay lưng lại với nhau...
FMM đã diễn ra tại New Delhi trong hai ngày 2 và 3-3. Tham dự hội nghị lần này có hơn 40 nhà ngoại giao hàng đầu đến từ các quốc gia, cùng đại diện 13 tổ chức quốc tế. FMM New Delhi đã là một cuộc họp mặt lớn nhất của các ngoại trưởng G20 từ trước tới nay.
|
|
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken trong cuộc gặp tại Geneva (Thụy Sĩ) hồi tháng 1-2022. Ảnh: Getty Images |
Theo đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ, cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ và Nga chỉ kéo dài chưa tới mười phút. Còn Bộ Ngoại giao Nga thì cho biết, vào cuối phiên họp kín FMM, Ngoại trưởng Nga và Mỹ đã “vừa đi vừa nói chuyện” theo kiểu tình cờ và tiện thể. Tuy nhiên, giữa hai người đã không có bất kỳ cuộc hội đàm song phương chính thức nào tại New Delhi. Qua những câu trao đổi nhanh, Ngoại trưởng Blinken đã đề cập đến các nội dung liên quan tới chiến sự ở Ukraine, Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) và việc phóng thích một cựu lính thủy đánh bộ Mỹ bị kết án "hoạt động gián điệp" ở Nga...
Câu chuyện chỉ có thế, nhưng ngày 3-3, đại diện cao cấp của Liên minh châu Âu (EU) về đối ngoại và an ninh Josep Borrell đánh giá, ông đã nhận thấy có một sự “cải thiện nho nhỏ” trên phương diện ngoại giao của phương Tây với Nga. Ông Borrell cũng lưu ý tới việc tại New Delhi, Ngoại trưởng Lavrov đã ở lại phòng họp để chứng kiến cả những ý kiến trái chiều của các đại biểu về hoạt động của các lực lượng vũ trang Nga tại Ukraine trong khuôn khổ chiến dịch quân sự đặc biệt. Trong cuộc họp G20 tháng 7 năm ngoái tại Bali (Indonesia), ông Lavrov đã bỏ ra ngoài phòng họp ngay khi những phát biểu tương tự vang lên trên diễn đàn. Đại diện cao cấp của EU về đối ngoại và an ninh cho rằng, một sự cải thiện như thế dù còn nhỏ nhưng vẫn tốt hơn là không có chút cải thiện nào... Ông Borrell cũng bác bỏ mọi đề nghị về việc khai trừ Moscow ra khỏi G20 vì: “Chúng ta cần phải gìn giữ cơ hội nói hoặc ít ra là nghe”.
Về phần mình, tại FMM, Ngoại trưởng Lavrov ngày 3-3 đã lại nhắc tới quan điểm cho rằng các nước phương Tây chỉ muốn “một thất bại chiến lược đối với Nga”. Ông Lavrov cũng đã buộc tội phương Tây đã và đang gây sức ép với các nước đang phát triển để họ cũng hùa vào “té nước theo mưa” chống lại Moscow. Thực tế là chính đại diện cao cấp của EU về đối ngoại và an ninh cũng đã ủng hộ ý tưởng khuyến khích các nước đang phát triển cùng chống lại cuộc xung đột tại Ukraine. Theo ông Borrell, ông biết rõ về những hệ lụy từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, trong đó có việc làm gia tăng giá lương thực, thực phẩm trên trường quốc tế... Chính thái độ mang màu sắc “trăm dâu đổ một đầu tằm” đối với Moscow của phương Tây khiến Hội nghị Ngoại trưởng G20 ngày 3-3 rốt cuộc cũng không ra được thông cáo chung, như hội nghị các bộ trưởng tài chính và những người đứng đầu các ngân hàng quốc gia của G20 trước đó...
Trao đổi với các nhà báo, ông Blinken từ chối cho biết phản ứng của ông Lavrov trong cuộc trò chuyện bên lề ở New Delhi, nhưng vẫn bày tỏ rằng, ông "có ấn tượng rằng, Moscow sẽ không thay đổi chính sách trong thời gian ngắn"... Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trong trả lời phỏng vấn tạp chí Sputnik cho biết, trước các vấn đề mà ông Blinken nêu ra, ông Lavrov đã đáp lại một cách đầy đủ “theo phong cách quen thuộc của mình”. Tức là chỉ ngắn gọn, hoặc “yes” (có) hoặc “no” (không)... Các bình luận viên chính trị ở Nga cho rằng, Ngoại trưởng Mỹ đã không thành công trong việc áp đặt thái độ của mình trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi với Ngoại trưởng Nga...
Phải thấy rằng, để cải thiện tình hình quốc tế, đặc biệt trong những vấn đề liên quan tới các cuộc xung đột và khủng hoảng hiện nay, cần không chỉ từ một phía thay đổi. Cả Nga lẫn Mỹ đều cần phải làm với một thái độ thực tế và cầu thị nhất. Hoàn toàn không phải chuyện tình cờ khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã cam kết rằng, ông sẽ có thể “xử lý” cuộc xung đột ở Ukraine “trong vòng 24 giờ” nếu ông được tái đắc cử làm nguyên thủ quốc gia. Với ông, đó hoàn toàn không phải là việc quá phức tạp. Theo ông Trump, hiện vẫn tồn tại một khả năng như thế nếu mọi người biết đúng những việc mà họ cần phải làm. Trước đó, chính ông Trump đã tuyên bố rằng, thế giới đang ở bên ngưỡng cửa của một thế chiến vì cách hành xử của đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông Trump nhấn mạnh, ông sẽ ngay lập tức gọi điện thoại tới Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nếu ông tái đắc cử vào ghế Tổng thống Mỹ...
Hiện nay, nếu các quốc gia muốn cùng giải quyết những triệu chứng nan y trong đời sống quốc tế thì cần phải tìm ra phương thức xích lại gần nhau hơn. Theo tờ Le Figaro, đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây đã tuyên bố rằng, ngay từ Bali năm ngoái, mọi việc đã cho thấy rõ, G20 không phải là “một diễn đàn để giải quyết các vấn đề an ninh”. Theo Bắc Kinh, các nước G20 hiện đang duy trì những cái nhìn rất khác nhau đối với vấn đề Ukraine và “hy vọng rằng, các thành viên G20 sẽ tôn trọng các mối lo ngại của nhau và gửi tới tín hiệu về đoàn kết, hợp tác, chứ không phải về sự chia rẽ, những lời buộc tội lẫn nhau”.
HỒNG THANH QUANG