Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 29 (APEC 29) đã tập hợp lãnh đạo của các quốc gia ở hai bên bờ Thái Bình Dương. Trong đó có những nước từng ký hiệp định về thương mại tự do (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, CPTPP, tức là Hợp tác xuyên Thái Bình Dương sau khi Mỹ “giũ áo ra đi” năm 2017) cũng như các quốc gia được coi như những thành viên tiềm năng như Trung Quốc chẳng hạn. Thậm chí APEC 29 còn long trọng tiếp đón cả các vị khách mời là đại diện cho những nước rất xa Thái Bình Dương như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman-nhà lãnh đạo trên thực tế của Saudi Arabia. Tuy nhiên, cũng có một điều cần lưu ý là Tổng thống Mỹ Joe Biden sau khi kết thúc cuộc gặp G20 đã không từ Indonesia sang Bangkok để tham dự APEC 29 mà bàn giao việc này cho Phó tổng thống Kamala Harris bay từ Washington tới. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đại diện Việt Nam tham dự APEC 29.

leftcenterrightdel

Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC dự Phiên họp hẹp lần thứ nhất. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) 

 

Mặc dù được tổ chức trong “mùa cháy” khét lẹt mùi khói súng của bầu không khí địa chính trị quốc tế nhưng APEC 29 đã tập trung chủ yếu vào các vấn đề kinh tế. Thực sự thế giới ở thời điểm hiện nay đang phải đối mặt với quá nhiều hệ lụy tiêu cực từ việc bùng nổ các mâu thuẫn chính trị cốt tử giữa các trung tâm quyền lực quốc tế dẫn tới gia tăng những nguy cơ theo kiểu "lụt thì lút cả làng". Chính vì thế nên tại APEC 29, các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tới những ám ảnh u tối đối với nỗ lực kiếm tìm sinh kế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là tình trạng lạm phát tăng cao và rủi ro suy thoái kinh tế. Và gần như tất cả đều đã đi tới một nhận thức chung hơn bao giờ hết, tình hình mới đòi hỏi những cách tư duy mới và tiếp cận mới đối với thực tế, toàn diện hơn, cân bằng hơn để vượt qua khó khăn, khắc phục những hạn chế của quá trình tự do hóa thương mại và đầu tư, bảo đảm lợi ích của tất cả các thành phần trong xã hội và các nền kinh tế. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại APEC 29 cũng nhấn mạnh tới việc phải làm sao để lợi ích của thương mại và đầu tư trở nên hài hòa với trách nhiệm bảo vệ môi trường, thúc đẩy chuyển đổi xanh; mang lại việc làm, lan tỏa lợi ích đến mọi người dân; và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học-công nghệ. Để đạt được mục tiêu này, theo Chủ tịch nước ta, APEC tập trung vào 3 hướng lớn. Thứ nhất, phải bảo đảm môi trường thương mại và đầu tư mở, minh bạch, không phân biệt đối xử thông qua việc thực hiện nghiêm túc các hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư, cùng với xóa bỏ các hàng rào kỹ thuật không phù hợp; hỗ trợ các nền kinh tế cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm tính liên tục, tin cậy, bền vững, sáng tạo của các chuỗi cung ứng khu vực, thúc đẩy các sáng kiến liên kết kinh tế khu vực và hướng tới hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương. Việc thứ hai cần làm là phải gắn kết thương mại, đầu tư với các Mục tiêu phát triển bền vững 2030. Cụ thể, trong đầu tư, cần thúc đẩy các dự án năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp thông minh; huy động nguồn lực cho chuyển đổi số. Việc thứ ba, APEC cần hỗ trợ các thành viên xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đào tạo lại và tạo cơ hội việc làm cho người lao động bị đào thải do thay đổi công nghệ, thị trường. Cũng tại APEC 29, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra đề xuất nghiên cứu khả năng hình thành cơ chế đối thoại thường niên giữa APEC với đại diện Liên minh châu Âu (EU), Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), ASEAN và một số tổ chức khu vực khác để tăng cường sự phối hợp giữa các diễn đàn, tổ chức và duy trì đà hợp tác.

Không xóa nhòa những quan điểm chính trị và góc nhìn riêng về các mâu thuẫn đang tồn tại trên trường quốc tế hiện nay, nhưng nhìn chung, các nhà lãnh đạo tham dự APEC 29 đều nhận thức được nhu cầu cần phải đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp chung tay góp sức theo những định hướng tích cực để cùng nhau thoát hiểm. Không ngẫu nhiên mà Tuyên bố chung được thông qua cuối ngày19-11 đã nhấn mạnh một cách rõ ràng quyết tâm đẩy mạnh hợp tác phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm, kết nối toàn diện. “Các Mục tiêu Bangkok” được đặt ra là để nói về mô hình kinh tế sinh học-tuần hoàn-xanh (BCG). Có 4 nội dung chính đã được đề cập tới. Thứ nhất, đó là những đóng góp vào các nỗ lực toàn cầu trong ứng phó toàn diện với các thách thức về môi trường. Thứ hai, phải thúc đẩy thương mại và đầu tư bền vững, bảo đảm các chính sách thương mại và đầu tư có tác động tương hỗ đối với các chính sách môi trường. Hai nội dung còn lại là bảo tồn, quản lý, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và quản lý rác thải bền vững, hiệu quả tài nguyên hướng tới rác thải bằng 0.

Cũng tại Bangkok, các nhà lãnh đạo APEC đã giao các bộ trưởng khẩn trương triển khai một cách toàn diện những nội dung hợp tác trên cả 3 trụ cột hợp tác, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc bảo đảm môi trường thương mại và đầu tư tự do, mở, bao trùm và dễ dự đoán; mở cửa thị trường, tạo một sân chơi công bằng thông qua cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và thúc đẩy các hiệp định khu vực toàn diện và chất lượng cao; gia tăng tỷ trọng dịch vụ của APEC trong thương mại dịch vụ toàn cầu. APEC 29 cũng đã nêu rõ những việc cần phải làm trong tương lai để gia tăng việc kết nối toàn diện trong khu vực.

Một cây làm chẳng nên non. Hơn bao giờ hết, APEC 29 đã cho thấy rõ, tư duy này cần phải ngày càng trở nên phổ cập hơn trong khu vực và trên cả thế giới. Những mâu thuẫn và xung đột chỉ nên là tạm thời, nhất thời. Về chiến lược, chỉ có thực tâm và thực chất hợp tác thì may ra mới không bỏ lỡ những cơ hội thoát hiểm và phát triển.

HỒNG THANH QUANG