Hiếm có khi nào, Đông Nam Á lại nhộn nhịp như tháng 11 này. Sau hai năm gián đoạn do đại dịch Covid-19, “mùa thượng đỉnh” đã trở lại khu vực với một loạt sự kiện: Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 (từ ngày 10 đến 13-11) tại Phnom Penh, Campuchia; Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali, Indonesia (từ ngày 15 đến 16-11) và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Bangkok, Thái Lan (từ ngày 18 đến 19-11).

Với ASEAN, ngoại trừ Hội nghị thượng đỉnh G20, các hội nghị còn lại là nơi mà Hiệp hội trực tiếp tổ chức và tham gia. Đây là cơ hội để ASEAN thể hiện dấu ấn bằng bản sắc vốn có cùng vai trò trung tâm dẫn dắt các sáng kiến trong khu vực. Thậm chí cả với hội nghị G20, ASEAN vẫn có thể để lại dấu ấn thông qua vai trò của Indonesia với tư cách nước chủ nhà, đồng thời là người đại diện cho quan điểm chung của ASEAN.  

leftcenterrightdel

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và phu nhân đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn cấp cao Việt Nam thăm Thái Lan và dự Hội nghị APEC 2022 . Ảnh TTXVN 

 

Thực tế hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển của ASEAN cho thấy việc giữ vững bản sắc và vai trò trung tâm luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp Hiệp hội làm nên thương hiệu và sự thành công. Sức hút của ASEAN trước hết là khả năng tìm được sự thống nhất trong đa dạng. Dù khác biệt về trình độ phát triển, chế độ chính trị, nét văn hóa, tôn giáo... nhưng ASEAN luôn thống nhất về mục tiêu chung, luôn biết hợp tác và chia sẻ để phát triển. Chính điểm mấu chốt trong nhận thức về sự ràng buộc lẫn nhau này đã tạo ra bản sắc riêng “phong cách ASEAN”, giúp nhân lên nội lực của từng thành viên, đưa ASEAN vượt qua thử thách để trở thành một cộng đồng gắn kết với những cơ hội đầy hấp dẫn.  

Sức hút đó còn ở tiềm năng địa-chính trị và kinh tế của khu vực. Nằm ở vị trí trung tâm, kết nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, Đông Nam Á là nơi có nhiều tuyến hàng hải huyết mạch quốc tế đi qua. Với dân số hơn 650 triệu người, GDP khoảng 3.000 tỷ USD, ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Dự kiến đến năm 2030, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, chỉ xếp sau Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). 

Đối mặt với tình trạng ảm đạm của kinh tế thế giới trước nguy cơ suy thoái, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, lạm phát, khủng hoảng năng lượng... ASEAN đã thể hiện khả năng vượt khó của mình. Với tỷ lệ dân số được tiêm chủng cao cùng các biện pháp phục hồi kinh tế, cỗ máy sản xuất của ASEAN đã nhanh chóng khởi động trở lại, trong khi tiêu thụ nội địa khởi sắc nhờ khả năng thích nghi uyển chuyển rất đặc thù kiểu châu Á. Với tinh thần đoàn kết và nỗ lực bền bỉ của từng nước thành viên và của cả cộng đồng, ASEAN dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 5,3% và 4,9% trong năm 2022 và 2023, mức tăng khả quan so với thế giới.

Những chuyển biến tích cực đó giúp ASEAN có thêm cơ sở để tại các hội nghị thượng đỉnh lần này cùng nhau và cùng các đối tác tìm lời giải cho những thách thức lớn mà thế giới đang phải đối mặt, từ việc phục hồi sau đại dịch, khủng hoảng năng lượng, kinh tế  số và phát triển bền vững đến tình hình chính trị toàn cầu, xung đột Nga-Ukraine, vấn đề Biển Đông... Dự kiến hơn 100 văn kiện về nhiều lĩnh vực hợp tác trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác sẽ được ghi nhận hoặc thông qua, trong đó có Tuyên bố kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN, Tuyên bố ASEAN hành động: Cùng ứng phó thách thức và Tuyên bố nghị sự kết nối ASEAN sau 2025, những định hướng chính sách để thúc đẩy hợp tác kinh tế, phát triển đồng đều, kết nối xuyên suốt và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Hướng tới mục tiêu nắm bắt những cơ hội đang mở ra, ASEAN khẳng định cam kết lâu dài về thương mại mở và tự do để luôn mở rộng cánh cửa cho các nhà đầu tư, ý tưởng sáng tạo và tài năng. ASEAN cũng nỗ lực hướng tới nâng cấp các hiệp định thương mại hàng hóa và các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) hiện có, đặc biệt đẩy nhanh việc thực thi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây là hiệp định đa phương với sự tham gia của ASEAN với 5 nước đối tác có tổng dân số gần 2,3 tỷ người (30,2% dân số thế giới), chiếm 33,6% GDP thế giới và khoảng 30,3% thương mại toàn cầu. 

Trong bối cảnh các nước lớn đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược, can dự ngày càng sâu rộng hơn vào khu vực, làm sao củng cố và duy trì vai trò trung tâm của mình, không chỉ ở châu Á-Thái Bình Dương, mà có thể ở phạm vi lớn hơn trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc, xu thế bảo hộ gia tăng, là thách thức lớn với ASEAN. Đặc biệt, nằm giữa trung tâm của cuộc cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị gay gắt giữa hai cường quốc ở Thái Bình Dương là Mỹ và Trung Quốc, lựa chọn cách quan hệ như thế nào không bị thiên lệch, không phải chọn bên đòi hỏi sự khéo léo và cân bằng của ASEAN.

Thông qua các mối quan hệ đối tác đối thoại với 11 quốc gia và tổ chức quốc tế quan trọng (Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, EU...), ASEAN tranh thủ được sự ủng hộ sâu rộng và hiệu quả cho việc thúc đẩy phát triển và liên kết của ASEAN, mở rộng ảnh hưởng, từng bước khẳng định uy tín, vị thế và vai trò trung tâm. Điều này có thể thấy qua kết quả hàng loạt hội nghị như Hội nghị ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), ASEAN+1 với các nước đối tác, APEC mà ASEAN tham gia. Vai trò nước chủ nhà của Indonesia với hội nghị G20 và Thái Lan với hội nghị thượng đỉnh APEC trong năm nay cũng giúp ASEAN quản lý, cân bằng quan hệ với các đối tác, nhất là các cường quốc.

“Mùa thượng đỉnh” còn chưa kết thúc nhưng với nỗ lực của mình, ASEAN đã gặt hái những kết quả tích cực, góp phần củng cố vị thế của mình như một tổ chức khu vực uy tín, không thể thiếu trong tương lai phát triển của châu Á-Thái Bình Dương.

TƯỜNG LINH