Khởi xướng từ ý tưởng còn manh nha tại hội nghị thượng đỉnh G7 năm ngoái, sáng kiến của Mỹ nay không còn là những phác thảo mà đã hiện hình khá cụ thể. Với khoản đầu tư khổng lồ 600 tỷ USD được huy động trong vòng 5 năm, PGII hướng tới mục tiêu phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở ở các nước đang phát triển nhằm cạnh tranh với Sáng kiến “Vành đai và con đường” (BRI) của Trung Quốc.
|
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở lâu đài Elmau thuộc bang Bayern (Đức), ngày 26-6-2022. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Thực tế thì Mỹ không thể tiếp tục chậm chân. Được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng năm 2013, BRI là kế hoạch đầu tư và thương mại nhằm xây dựng cầu, cảng và cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển, từ đó hình thành các hành lang hợp tác kinh tế lớn quan trọng, những tuyến giao thương mà Bắc Kinh gọi là "Con đường tơ lụa thời hiện đại” kết nối Trung Quốc với các châu lục, các quốc gia trải dài suốt từ Đông sang Tây.
Với việc đưa ra cơ chế hợp tác rộng mở, nới lỏng các rào cản thương mại, kinh doanh, đầu tư xuyên biên giới, trái ngược với các cơ chế hợp tác khắt khe do Washington đóng vai trò chủ trì, Bắc Kinh từng bước mở rộng và phát triển quan hệ ngoại giao với nhiều nước, tạo dựng thị trường hướng tâm về Trung Quốc để đẩy lùi sức ép cạnh tranh từ Mỹ và các nước đồng minh.
Theo thống kê, đến cuối năm 2020, đã có 125 quốc gia ký thỏa thuận hợp tác với BRI. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính khoảng 500 tỷ USD đã được đầu tư vào các dự án BRI tại 50 nước trong giai đoạn 2013-2018. Còn theo báo cáo đầu tư BRI của Trung tâm tài chính và phát triển xanh liên kết với Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, tổng trị giá các khoản đầu tư thuộc BRI của Trung Quốc từ năm 2019 đến 2021 là 162,9 tỷ USD. Xét về hiệu quả, WB ước tính đến năm 2030, BRI sẽ giúp 7,6 triệu người trên thế giới thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực và 32 triệu người thoát khỏi mức nghèo vừa phải. “Con đường tơ lụa thời hiện đại” vươn tới đâu, tầm vóc và ảnh hưởng của Trung Quốc lan tỏa tới đó.
Chính vì thế, PGII được Washington hy vọng sẽ là “Cuộc phản công trên mặt trận kinh tế và quyền lực mềm” trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, một giải pháp cạnh tranh tiến tới thay thế BRI, hạn chế ảnh hưởng của đối thủ cạnh tranh Trung Quốc. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã không ngần ngại khi cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) sẽ huy động 300 tỷ euro trong khuôn khổ PGII để xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở thay thế cho các công trình trong BRI của Trung Quốc.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu tác động lớn bởi dịch bệnh, hoạt động thương mại gặp nhiều khó khăn, Chương trình GPII mà Mỹ và G7 vừa công bố lập tức thu hút sự quan tâm của các nước đang phát triển đang khát vốn đầu tư. Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á, chỉ riêng khu vực châu Á đã cần tới 26.000 tỷ USD đầu tư từ năm 2016 đến 2030 để duy trì đà tăng trưởng, xóa đói, giảm nghèo và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nguồn vốn từ GPII được hy vọng sẽ bổ sung sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các nước đang phát triển, giúp họ vượt qua những cú sốc toàn cầu bởi đại dịch Covid-19.
Quảng bá cho nỗ lực của Washington, Tổng thống Joe Biden cho rằng GPII khác biệt bởi dựa trên những “giá trị được chia sẻ”, sự “minh bạch”, tôn trọng quyền của người lao động, môi trường và bình đẳng. Vì thế, nó là “những lựa chọn tốt nhất” cho các nước đang phát triển. Thế nhưng, GPII có thực sự là "những lựa chọn tốt nhất” với các nước tham gia như quảng bá của ông chủ Nhà Trắng? Mặc dù các quan chức ngoại giao Mỹ cho biết sáng kiến trên chủ yếu hướng tới các nước có thu nhập thấp và trung bình, đồng thời khẳng định các quốc gia tiếp nhận dự án “không bị điều khiển từ bên ngoài” nhưng những tuyên bố mang tính phân tuyến rằng PGII sẽ giúp phân rõ ranh giới giữa “các nền dân chủ” và “chủ nghĩa độc tài” khiến nhiều nước cảnh giác về mục đích chính trị của PGII.
Đặc biệt, quan điểm của Mỹ rằng “hãy để các cộng đồng trên toàn thế giới nhận thấy những lợi ích trong quan hệ đối tác với các nền dân chủ! Bởi khi các nước dân chủ chứng minh được tất cả những gì có thể đem đến, tin chắc họ sẽ thắng trong cạnh tranh” cho thấy đằng sau PGII là cuộc đối đầu giữa các siêu cường xung quanh những giá trị mà các bên muốn áp đặt. Nếu cứ theo hướng này, không biết những nước có nhu cầu vốn có phải trải qua “bài kiểm tra” về dân chủ, nhân quyền hay không khi tham gia vào các dự án của PGII?
Cái khó nữa với GPII là lấy tiền ở đâu? 600 tỷ USD trong 5 năm là con số rất lớn và không dễ dàng huy động, nhất là vào thời điểm thế giới, trong đó có các nước G7, vừa chớm bước vào thời kỳ phục hồi sau đại dịch Covid-19 thì đã phải đối mặt với hàng loạt thách thức như lạm phát, khủng hoảng năng lượng, bất ổn từ xung đột Nga-Ukraine. Ngay bản thân Mỹ cũng phải loay hoay tìm nguồn vốn cho nhu cầu hạ tầng rất lớn của mình. Để phục vụ chương trình hạ tầng “Xây dựng lại tốt đẹp hơn” của Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang phải tính đến việc tăng thuế với các doanh nghiệp lớn. Thêm vào đó, “huy động” đối với phương Tây không có nghĩa là viện trợ hay các nước G7 giàu có sẽ mang tiền của mình đổ vào các công trình hạ tầng cơ sở ở các nước đang phát triển. Các nguồn vốn đầu tư sẽ là các khoản vay, các nguồn tiền từ chính phủ hoặc tư nhân được các chính phủ khuyến khích. Tiếp cận “miếng bánh” này đâu có dễ!
Còn nhiều câu hỏi về tương lai của PGII. Thế nhưng có điều mà ai cũng thấy rõ là cuộc đua căng thẳng giữa hai siêu cường Mỹ-Trung không dịu đi mà ngày càng nóng thêm.
TƯỜNG LINH