27 nhà lãnh đạo các nước thành viên EU đã biểu quyết nhất trí trong vấn đề này. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel đã chúc mừng Ukraine, Moldova và nói: “Chúng ta có chung tương lai”. Còn người đứng đầu EU, bà Ursula Von Der Leyen đã gọi điện thoại cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và cam kết rằng Kiev có thể trông cậy vào sự ủng hộ của Brussels “trên suốt con đường đi tới EU” .
Hai ứng cử viên mới của EU ngay lập tức tỏ rõ thái độ của mình. Nữ Tổng thống Moldova Maia Sandu trong cuộc họp báo ngày 24-6 đã tuyên bố rằng Kishinev sẵn sàng trả mọi giá cho việc được trở thành thành viên của EU. Bên cạnh đó, bà Sandu cũng công nhận rằng, vị thế ứng cử viên gia nhập EU không thể thay đổi đất nước trong thời khắc nhưng củng cố thêm niềm hy vọng rằng Moldova sẽ có cơ hội được tiếp cận với một thị trường mà bà cho là lớn nhất và giàu nhất trên thế giới. Tuy nhiên, phe đối lập ở Moldova lại nghĩ khác, vì với họ, danh nghĩa ứng cử viên gia nhập EU chỉ là “vỏ bọc kẹo chocolate rỗng không” và chẳng thể nào cải thiện được đời sống hiện tại của người dân bình thường ở Moldova. Về phần mình, Tổng thống Ukraine Zelensky mặc dù đánh giá đây là quyết định quan trọng đối với Kiev, giúp Ukraine từ nay không phải cảm thấy mình như “một cây cầu, một vùng đệm, một khu vực ảnh hưởng giữa Đông và Tây”, nhưng vẫn không giấu nổi nỗi lo âu về tương lai của quốc gia mình.
Cũng nên lưu ý một điều, EU đã đồng ý công nhận chính thức Ukraine và Moldova làm ứng cử viên gia nhập EU, nhưng lại bỏ qua nguyện vọng tương tự của Gruzia, cũng là một nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô trước đây. Đánh giá về việc này, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto coi đây là một biểu hiện của việc EU đã hành xử theo “tiêu chí kép”. Còn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Serbia Aleksandar Vulin thì nhận định: Quyết định này của EU yêu cầu trên hết đối với việc gia nhập châu Âu là phải xung đột với nước Nga!
Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế tại Saint Petersburg ngày 17-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh rằng Moscow không chống lại khả năng Ukraine sẽ gia nhập EU, vì khác với NATO, EU không phải là một tổ chức chính trị quân sự. Cho tới hôm nay, Điện Kremli vẫn coi vấn đề đó là “chuyện nội bộ” của châu Âu. Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov đã nhấn mạnh rằng, quan trọng là những quá trình như thế không gây ra thêm vấn đề cho Moscow và không làm tồi tệ hơn những mối quan hệ đã trở nên quá xấu với châu Âu. Còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhận xét rằng, nước Nga không nhìn thấy nguy cơ nào đối với mình trong vấn đề này dù không nuôi ảo vọng về việc EU sẽ thay đổi thái độ bài Nga hiện có. Nguyên Tổng thống Nga Dmitry Medvedev-người hiện đang giữ cương vị Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga-thì bày tỏ thái độ cả quyết hơn khi khẳng định, EU có thể sẽ không còn tồn tại nữa trước khi Ukraine trở thành thành viên (?!)
Thực tế cho thấy, đối với Ukraine và những quốc gia ứng cử viên khác trên “lục địa cũ”, gia nhập EU đang là một giấc mơ rất cuốn hút. Tuy nhiên, danh nghĩa chính thức đó không mặc nhiên làm giảm bớt những vấn đề lắm khi khá nan giải mà họ cần phải giải quyết trước khi được thỏa mãn giấc mộng của mình. Hơn nữa, danh nghĩa ứng cử viên không mặc nhiên khởi động quá trình đàm phán để gia nhập EU. Về câu chuyện này thì còn cần phải đàm phán “chán chê mê mỏi” trong từng trường hợp cụ thể. Thí dụ, đối với quốc gia trên bán đảo Balkan, Bắc Macedonia mặc dù đã nhận được danh nghĩa chính thức là ứng cử viên vào EU từ năm 2005, nhưng phải tới tháng 3-2020 mới được bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức về việc gia nhập EU. Lý do là những bất đồng giữa nước này với hai quốc gia láng giềng thành viên EU là Hy Lạp và Bulgaria. Để tạo nên sự thuần chất và khác biệt cho mình, EU ngay từ những ngày đầu tồn tại đã đặt ra không ít tiêu chí để các nước thành viên buộc phải thích ứng, cả về chính trị, luật pháp, kinh tế và nhiều lĩnh vực khác. Đáp ứng được đúng và đủ những tiêu chí này không bao giờ là việc dễ đối với bất kỳ quốc gia ứng cử viên nào. Thực tế cho thấy, quá trình đàm phán để gia nhập EU rất phức tạp, đến mức “nhiêu khê” và không có một giới hạn thời gian nào cho việc kéo dài con đường đi từ vị thế ứng cử viên tới danh nghĩa thành viên chính thức. Trong số các thành viên hiện hữu trong EU, ngoại trừ 6 quốc gia sáng lập là Đức, Italy, Pháp và các nước thuộc nhóm Benelux là Bỉ, Hà Lan và Luxembourg thì quốc gia chỉ phải chịu làm ứng cử viên trong thời hạn ngắn nhất là Phần Lan (gần 3 năm), còn những quốc gia phải chấp nhận làm ứng cử viên lâu nhất là Cộng hòa Cyprus và Malta (gần 14 năm). Cũng phải nói đến trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ: Quốc gia này trở thành ứng cử viên vào EU từ năm 1999, nhưng trong giai đoạn hiện nay, các cuộc đàm phán với EU về vấn đề này đã bị ngưng trệ vì những bất đồng giữa Ankara với Brussels, xuất hiện từ khi ông Recep Tayyip Erdogan lên làm tổng thống, đã trở nên quá lớn.
    |
 |
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen. (Nguồn: THX/TTXVN) |
Quyết định mới về việc công nhận Ukraine và Moldova làm ứng cử viên gia nhập EU không chỉ sẽ tác động tới hai quốc gia đó mà có thể cả chính hoạt động của EU. Tất nhiên, trong EU hiện nay, không ai đề cập tới việc làm giảm mức yêu cầu của các tiêu chí gia nhập tổ chức này. Tuy vậy, đã có những đề nghị được đưa ra để các ứng cử viên có thể tham gia nhiều hơn vào hoạt động của EU ngay từ khi chưa được kết nạp chính thức. Thí dụ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề nghị đặt ra thêm một danh nghĩa đặc biệt nữa đối với những quốc gia ứng cử viên vào EU ngay từ khi họ chưa thực hiện được đủ các tiêu chí đã định. Ông chủ Điện Elysee cho rằng, những quốc gia như thế có thể tham dự các cuộc họp của EU, nhưng không có quyền bỏ phiếu. Cũng có những đề nghị khác liên quan tới các chi tiết trong hoạt động của EU như, nếu một quốc gia ứng cử viên nào đó hoàn tất việc thực hiện các tiêu chí trong thương mại thì có thể hòa nhập vào thị trường châu Âu trong lĩnh vực cụ thể này. Trước khi bỏ phiếu, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã phát biểu cho rằng, đây có thể coi như một cú hích trong cải cách những thủ tục khi quyết định về các vấn đề chính trị quan trọng trong EU để tránh việc những quyết định như thế bị phủ quyết bởi một số quốc gia thành viên đơn lẻ và giúp EU có thêm khả năng ứng biến nhanh đối với bầu không khí chính trị luôn xoay như chong chóng.
HỒNG THANH QUANG