Trong một quyết định được trông đợi, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa và các đối tác (OPEC+) đã nhất trí tăng sản lượng thêm 648 nghìn thùng/ngày trong tháng 7 và 8, cao hơn 50% so với các tháng trước.
Theo kế hoạch công bố trước đó, liên minh dầu mỏ này dự định chỉ nâng sản lượng thêm 432 nghìn thùng dầu/ngày trong 3 tháng 7, 8 và 9. Vì thế, sự thay đổi của OPEC+ được đánh giá là kịp thời, phần nào đáp ứng tình hình thực tế. Nhưng liệu quyết định này có cắt được “cơn sốt” giá dầu đang làm thế giới chao đảo?Kể từ cuối năm 2021, giá dầu bắt đầu tăng do kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhờ dịch Covid-19 bắt đầu được kiểm soát. Tính đến nay, xu hướng tăng này đã kéo dài 6 tháng liên tiếp, chuỗi tăng giá dài nhất trong một thập kỷ qua. Theo con số thống kê, giá dầu thô quốc tế đã tăng gần 40%, riêng ở Mỹ là 54%. Hôm 2-6 vừa rồi, giá xăng ở Mỹ đã vọt lên tới 4,76USD/gallon (3,785 lít), mức cao nhất mọi thời đại.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine cùng các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu nhằm vào Nga càng làm khủng hoảng giá dầu thêm trầm trọng. Nga là nhà khai thác dầu thô lớn thứ 3 thế giới với sản lượng hơn 10,5 triệu thùng/ngày, trong đó 2,5 triệu thùng được xuất khẩu sang châu Âu mỗi ngày. Do các lệnh cấm vận của Mỹ và châu Âu, sản lượng dầu thô xuất khẩu của Nga trong tháng 5 đã giảm 1 triệu thùng/ngày so với tháng trước đó. Trong khi Nga chưa tìm được khách hàng mới thay thế, châu Âu lại phải chạy đôn đáo tìm nguồn cung khác ngoài Nga, thị trường dầu mỏ bị biến động là điều tất yếu.
Tuy nhiên, bất chấp lời kêu gọi của Mỹ và châu Âu, thậm chí phải đối mặt với nhiều sức ép, OPEC+ vẫn thận trọng với quyết định tăng sản lượng của mình. Thực tế, so với nhu cầu trung bình của thế giới hiện nay là khoảng 100 triệu thùng dầu/ngày, mức tăng 648 nghìn thùng chỉ chiếm hơn 0,6%, một con số rất nhỏ. Nhiều thành viên chủ chốt của OPEC+ như Saudi Arabia hay UAE có khả năng dự phòng nhưng đều từ chối tăng mạnh sản lượng của mình. Vì sao OPEC+ lại thận trọng đến vậy?
Còn nhớ, hồi tháng 4-2020, cơn bão Covid-19 bất ngờ tràn đến khiến nền kinh tế thế giới chao đảo. Từ tăng trưởng gần 3% trong năm 2019, kinh tế thế giới trong năm 2020 suy giảm ở mức -3,5%, kéo theo sự sụt giảm mạnh nhu cầu. Giá các loại dầu thi nhau lao dốc, thậm chí xuống tới -40USD, điều chưa từng có trong lịch sử, khi các nhà cung cấp dầu phải trả tiền cho người mua để họ chuyển dầu đi vì hết nơi chứa. Trong bối cảnh đó, OPEC+ đã phải chấp nhận hy sinh, thông qua quyết định khó khăn là cắt giảm 10 triệu thùng dầu/ngày để cứu giá dầu. Mức cắt giảm này là rất lớn, chiếm tới 10% nhu cầu dầu thô của thế giới mỗi ngày.
Tình hình đổi chiều khi sang năm 2021, nhất là nửa cuối năm, do đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát. So với con số -3,5% của năm 2020, tốc độ tăng trưởng gần 6% trong năm 2021 cho thấy kinh tế thế giới đã có bước khởi sắc mạnh mẽ. Nhu cầu dầu lửa vì thế cũng tăng theo. Nhưng bài học quá khứ từ sự thiếu thận trọng trong kiểm soát nguồn cung trước đại dịch Covid-19 dẫn tới giá dầu lao dốc khiến OPEC+ phải cân nhắc trong quyết định mức điều chỉnh sản lượng.
Không giống như Mỹ và châu Âu khẳng định giá dầu tăng do quan hệ cung-cầu, đồng thời liên tục gây sức ép đòi tăng sản lượng khai thác, OPEC+ với vai trò đứng đầu của Saudi Arabia lại cho rằng có những nguyên nhân khác đang tác động đến thị trường dầu lửa. Vì thế, Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud cho biết nước này không thể làm gì hơn để kiểm soát thị trường dầu mỏ. Thậm chí, ông Al Saud còn khẳng định không có tình trạng thiếu hụt dầu thô. Theo quan điểm của OPEC+, khoảng cách giữa cung và cầu đang được thu hẹp, và rằng giá dầu cao hiện nay chỉ đơn giản phản ánh sự hoảng loạn của một bộ phận người mua dầu cùng những yếu tố khác. Thậm chí có thành viên OPEC+ còn tuyên bố thẳng: “Sự bất ổn hiện tại không phải do các nguyên tắc cơ bản, mà là do những diễn biến địa chính trị”.
Lập luận của OPEC+ không phải không có lý. Theo một con số thống kê, trong khi chi phí khai thác dầu giảm hơn 5%, thì giá bán lẻ xăng dầu lại tăng 3%. Ngoài ra, tình trạng thiếu công suất lọc dầu trên toàn cầu và vấn đề thuế đánh vào xăng dầu cũng là những nguyên nhân khiến giá nhiên liệu tăng. Thực tế trong 3 năm qua, công suất lọc dầu của thế giới đã giảm khoảng 4 triệu thùng, trong đó có 2,7 triệu thùng giảm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Việc khôi phục công suất của các nhà máy lọc dầu đòi hỏi phải có thêm các khoản đầu tư và cần thời gian. Thêm vào đó, theo OPEC+, lệnh cấm vận dầu lửa nhằm vào Nga là yếu tố chính trị chứ không phải kinh tế đang tác động tiêu cực đến giá dầu.
OPEC+ cũng không thể mạo hiểm bởi dù tăng trưởng trở lại nhưng triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2022 không sáng sủa như dự báo lúc đầu. Một trong những đầu tàu tăng trưởng quan trọng của thế giới là Trung Quốc vẫn đang thực hiện “zero Covid’’, khiến sản xuất có lúc đình trệ như ở Bắc Kinh, Thượng Hải hồi tháng 4 vừa rồi. Tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 dự kiến cũng chỉ ở mức 4,4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức 5,5% mà Bắc Kinh đề ra. Trên quy mô toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã hạ mức tăng trưởng kinh tế thế giới từ 4,5% như dự báo hồi đầu năm xuống còn 4,1%.
Tranh cãi giữa Mỹ và châu Âu với OPEC+ xung quanh yêu cầu tăng sản lượng khai thác dầu thô đã trở thành cuộc cạnh tranh xem ai mới là người nắm vai trò điều phối thị trường dầu lửa thế giới. Chiếm tới 40% sản lượng dầu thô khai thác của thế giới, đương nhiên OPEC+ có nhiều ưu thế. Tuy nhiên, Mỹ và châu Âu là những nền kinh tế và thị trường quan trọng mà OPEC+ không thể không tính đến. Chính vì thế, quyết định tăng có tính nhỏ giọt của OPEC+ được mô tả là “quyết định chính trị” nhằm xoa dịu tâm lý bức xúc của những người đang phải chịu đựng giá năng lượng tăng cao. Nó chỉ là liều thuốc an thần trong “cơn sốt” giá dầu, chứ chưa thể dẫn đến những bước ngoặt trên thị trường dầu lửa thế giới.
TƯỜNG LINH