Hết phải đối phó với đại dịch Covid-19, nguy cơ suy thoái sau dịch bệnh, rồi xung đột Nga-Ukraine khiến phải hơn một năm sau khi lên nắm quyền, ông Joe Biden mới có chuyến công du đầu tiên đến châu Á. Điều này làm dấy lên những suy đoán rằng Washington sao nhãng khu vực này. Tuy nhiên, gạt bỏ những mối nghi ngờ, ông Joe Biden tuyên bố: “Chuyến đi nhằm khẳng định tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” và “tôn vinh quan hệ đối tác không thể thiếu” trong khu vực.
Kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại toàn diện giữa 12 quốc gia vành đai Thái Bình Dương mà Mỹ là người khởi xướng, đồng thời tuyên bố chấm dứt kỷ nguyên của các hiệp định thương mại đa quốc gia, vai trò ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương luôn bị đặt dấu hỏi.
Khác với người tiền nhiệm, ông Joe Biden xác định Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực năng động nhất trên thế giới, là nơi mà lịch sử của thế kỷ 21 sẽ được viết nên. Vì thế, ông Joe Biden luôn tìm cách làm rõ tầm quan trọng của khu vực này trong chính sách đối ngoại của Mỹ, nhất là gắn nó với mục tiêu cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.
|
|
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại cuộc gặp ở Tokyo, ngày 23-5. (Ảnh: Kyodo/TTXVN) |
Chuyến công du tới châu Á là cơ hội thuận lợi để nhà lãnh đạo Mỹ triển khai định hướng đó, khẳng định cam kết với các đồng minh trong khu vực. Thay vì cố gắng tham gia lại TPP mà nay đã trở thành CPTPP-Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, ông Joe Biden chuyển hướng sang triển khai Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), cũng như tìm kiếm sự ủng hộ với sáng kiến này từ phía các đồng minh.
Kết quả chuyến công du cho thấy ông Joe Biden đã khá thành công trong việc gắn kết hai đồng minh quan trọng là Hàn Quốc và Nhật Bản với mục tiêu chiến lược của mình. Cả Seoul và Tokyo đều thể hiện sự quan tâm và sẵn sàng tham gia vào IPEF theo đề nghị của Washington, tập trung vào những lĩnh vực như thương mại, tăng cường chuỗi cung ứng, các vấn đề cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch, thuế và chống tham nhũng.
Bên cạnh việc khẳng định lại cam kết đồng minh chiến lược toàn diện Mỹ-Hàn, Mỹ-Nhật, Washington cùng Seoul và Tokyo đã đạt được những thỏa thuận hợp tác cụ thể theo định hướng của IPEF. Chẳng hạn như với Hàn Quốc, ông Joe Biden đã giành được sự ủng hộ của Seoul với sáng kiến nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng an toàn và linh hoạt, đặt ra các quy tắc của nền kinh tế kỹ thuật số và đầu tư vào các lĩnh vực sạch, hiện đại và tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng. Tập đoàn Hyundai đã quyết định đầu tư thêm 5 tỷ USD vào thị trường Mỹ để phát triển robot và phần mềm công nghệ ô tô tự hành. Tập đoàn Samsung thì nhắc lại kế hoạch đầu tư 17 tỷ USD vào dự án xây dựng nhà máy sản xuất chíp ở thành phố Taylor, bang Texas, Mỹ.
Chuyến thăm châu Á cũng giúp ông Joe Biden tìm kiếm sự cân bằng giữa các mục tiêu chiến lược cũng như giữa các khu vực địa chính trị thiết yếu đối với tham vọng lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Trong khi chính quyền thời Tổng thống Barack Obama tìm cách xoay trục từ châu Âu sang châu Á, thì chính quyền của ông Joe Biden lại cố gắng tích hợp chặt chẽ giữa hai khu vực. Những tuyên bố cũng như động thái của ông Joe Biden trong chuyến công du châu Á phát đi tín hiệu rằng sự quan tâm của Mỹ không chỉ dành cho châu Âu với cuộc xung đột Nga-Ukraine, rằng Mỹ đủ khả năng giải quyết các vấn đề ở cả hai khu vực châu Âu và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cùng một lúc.
Thực tế là bên cạnh việc tìm kiếm sự hậu thuẫn của Seoul và Tokyo trong việc tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga bởi chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine, ông Joe Biden đã đi ngay vào các vấn đề đang “nóng” của khu vực như việc Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên nối lại việc thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cũng như có khả năng tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân mới. Thông qua các thỏa thuận phối hợp hành động chặt chẽ cùng các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản, Mỹ hy vọng có thể gia tăng sức ép, buộc CHDCND Triều Tiên phải ngồi vào đàm phán và nhượng bộ.
Có thể nói 7 tháng sau khi được khởi xướng, những nội dung của IPEF đã phần nào hiện hình rõ nét trong chuyến thăm châu Á đầu tiên của ông Joe Biden. Sự khởi đầu được đánh giá là thuận lợi và điều này có thể mở đường cho sự tham gia tiếp theo vào IPEF của Australia, New Zealand, Singapore, Malaysia và Philippines, những đối tác mà Washington đang hy vọng.
Tuy nhiên, mục tiêu chiến lược của IPEF là nhằm tập hợp lực lượng trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc, nên việc triển khai sáng kiến này của Mỹ luôn gặp phải sự thận trọng từ phía các đối tác, thậm chí cả từ phía các đồng minh. Chẳng hạn, mục tiêu của Mỹ cố gắng siết chặt các tập đoàn điện tử lớn của Trung Quốc thông qua các biện pháp kiểm soát bằng sự phối hợp với các đồng minh không phải sẽ diễn ra dễ dàng. Trên thực tế, dù ủng hộ sáng kiến IPEF của Washington nhưng Seoul cũng lo ngại sự hợp tác của Hàn Quốc với Mỹ để kiềm chế Bắc Kinh có thể khiến các công ty nước này mất thị phần trên thị trường Trung Quốc.
Đó là chưa kể IPEF lại không hướng tới việc mở cửa thị trường. Việc cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan vốn là ưu tiên hàng đầu của các hiệp định thương mại thông thường không nằm trong tầm ngắm của IPEF. Thay vào đó, IPEF chú trọng vào các chuẩn mực, quy tắc và hướng dẫn mới theo quan điểm của Mỹ, những yếu tố không phải cấp thiết ngay với các nước châu Á. Cuộc điều chỉnh chiến lược của Mỹ nhằm giành ưu thế trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc còn nhiều trở ngại.
TƯỜNG LINH