Những thông tin được công bố sau khi đã kiểm hơn 90% số phiếu cho thấy, người con trai vị tổng thống thứ 10 của Philippines (cầm quyền trong những năm 1965-1986) đã giành được hơn 30 triệu phiếu bầu, gần như gấp đôi số phiếu bầu cho đối thủ chính là bà Leni Robredo. Một điều thú vị là liên danh với ông Bongbong Marcos trong vai trò ứng cử viên cho chức phó tổng thống lại là con gái của vị tổng thống sắp rời khỏi nhiệm sở, bà Sara Duterte-Carpio (tên thường gọi là Inday Sara).
|
|
Ông Ferdinand Marcos Jr. phát biểu tại thành phố Lipa, tỉnh Batangas. Ảnh: Reuters. |
Điều đáng suy nghĩ là thân phụ của vị tổng thống tương lai ở Philippines vẫn bị coi là một nhà độc tài, đã bị mất chức trên đảo quốc này giai đoạn “dân nổi can qua” năm 1986. Biến động chính trị đó được các nhà viết sử gọi là “cuộc cách mạng quyền lực nhân dân” hay “cuộc cách mạng màu vàng” (do những người tham gia các hoạt động phản đối chính quyền theo kiểu bất bạo động khi đó luôn mang theo những dải ruy-băng màu vàng).
Năm 1980, Bongbong Marcos ở tuổi 23 đã trở thành phó thống đốc tỉnh Ilocos Norte. Ba năm sau, ông lên chức thống đốc của địa phương này và trụ được ở vị trí đó tới năm 1986, khi cha ông bị lật đổ. “Cuộc cách mạng màu vàng” đã buộc cả gia tộc Marcos phải chạy sang tá túc ở Hawaii. Sau khi ông Ferdinand Marcos (cha) qua đời năm 1989 ở Honolulu, Tổng thống Philippines ở thời điểm đó là bà Corazón Aquino đã cho phép các thành viên của gia tộc Marcos hồi hương. Sự trở về của họ trở thành một sự kiện chính trị rầm rộ; họ đã được hơn 1 triệu người ủng hộ chào đón nồng nhiệt từ sân bay về tới tận thủ đô Manila. Tuy nhiên, cho tới hôm nay, bản thân ông Bongbong Marcos cùng thân mẫu của ông là bà Imelda Marcos vẫn phải đối diện với nguy cơ bị bắt giữ ở Mỹ vì vi phạm bản án buộc phải bồi thường 353 triệu USD cho những vi phạm nhân quyền trong thời gian cầm quyền của ông Ferdinand Marcos (cha).
Sau khi hồi hương, ông Bongbong Marcos cùng thân mẫu của mình đều tham gia vào các hoạt động chính trị. Bà Imelda Marcos thậm chí đã ra tranh cử tổng thống Philippines ngay từ tháng 5-1992. Lần thứ hai bà Imelda Marcos tái tranh cử tổng thống là vào năm 1998, nhưng đến phút chót, bà đã tự nguyện rời cuộc đua để dồn phiếu cho ứng cử viên về sau giành được chiến thắng chung cuộc là ông Joseph Estrada. Bất chấp nhiều vụ kiện phải ra tòa, bà Imelda Marcos sau đó vẫn tranh cử thành công vào hạ viện Philippines. Còn ông Bongbong Marcos, chỉ 7 năm sau khi được bầu vào Hạ viện, đã lại trở thành thống đốc tỉnh Ilocos Norte năm 1998 với nhiệm kỳ ba năm. Sau đó, ông còn hai lần tái đắc cử vào vị trí này. Từ năm 2010 tới 2016, ông Bongbong Marcos là thành viên của Thượng viện Philippines.
Tổng thống Philippines đương nhiệm, Duterte, ngay từ tháng 10-2021 đã tuyên bố sẽ không tái tranh cử. Vị tổng thống thứ 16 của đảo quốc đã gửi gắm những mơ ước chính trị còn lại của mình cho người con gái là bà Inday Sara, người đứng cùng liên danh với con trai của vị tổng thống thứ 10 với vai trò ứng cử viên phó tổng thống.
Trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, ông Bongbong Marcos thường xuyên dẫn đầu trong danh sách các ứng cử viên thu hút được nhiều cảm tình nhất của cử tri, mặc dù ông không phải là nhà hùng biện và các cuộc mít tinh ủng hộ ông không phải lúc nào cũng âm vang chuông khánh đủ độ cần thiết. Vị tổng thống tương lai đã không lạm dụng những lời có cánh, không đưa ra những lời hứa hào nhoáng. Đối thủ của ông, bà Leni Robredo cũng sử dụng những công nghệ vận động tranh cử tân kỳ nhất, với một hệ thống tổ chức tình nguyện viên trên mạng và những lần “xuất quân” ra đường phố khá nhộn nhịp, tới hàng trăm nghìn người tham gia. Tuy nhiên nhìn chung, các cư dân trên đảo quốc đã không đủ nhiệt tình để tạo cho bà Leni Robredo ưu thế vượt trội trước ông Bongbong Marcos.
Đã không có nhiều sự khác biệt trong nội dung các chương trình vận động tranh cử vì cả hai đều tuyên bố ủng hộ những gì tốt đẹp nhất cho đất nước. Các chuyên gia nhận xét rằng, điều này nằm trong thông lệ của đảo quốc, khi quần chúng được tập hợp thành đảng phái và phong trào không phải xung quanh những ý tưởng chính trị mà lực hút chính vẫn là những gương mặt chính khách chủ đạo. Lấy người chứ không phải lấy lời làm trọng! Cũng chính vì thế nên trên chính trường đảo quốc này rất hay diễn ra tình trạng các chính đảng thoắt hiện thoắt biến, hoặc tự giải tán, hoặc hòa vào nhau, thậm chí có khi lại chia ba xẻ bốn do các chính trị gia thay đổi theo kiểu "tùy cơ ứng biến".
Trong thắng lợi của ông Bongbong Marcos có phần đóng góp đáng kể của bộ máy thuộc quyền đã tổ chức rất mạch lạc chiến dịch vận động tranh cử với chỗ dựa chủ yếu là các mạng xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, vị tổng thống thứ 17 của Philippines sở dĩ đã đại thắng chủ yếu nhờ những vang vọng từ thời gian cầm quyền của thân phụ mình, vị tổng thống Philippines thứ 10. Có thể nhớ lại rằng, ông Ferdinand Marcos (cha) bị lật đổ vì những lời buộc tội độc tài và tham nhũng. Tuy nhiên, dù đã được nhồi nhét vào tai ngay từ thuở ấu thơ quan điểm này nhưng thời gian càng trôi qua thì càng có nhiều người Philippines quay lại gần hơn với nhận thức, chính giai đoạn cầm quyền của vị tổng thống thứ 10 mới là “những ngày xưa tươi đẹp” trong đời sống đất nước. Các chuyên gia kinh tế từ lâu đã đi tới kết luận, cuộc khủng hoảng tài chính mà Philippines lâm vào trong những năm 1985-1986 không hẳn đã do sự cầm quyền tồi tệ của vị tổng thống thứ 10, mà chủ yếu là do ảnh hưởng từ những định chế tài chính bên ngoài.
Đời cha ít nhiều cũng bị hàm oan thì đời con tất yếu sẽ được gia cố thêm ân sủng của thiên hạ. Chính nhận thức đó của đa phần xã hội đã giúp tân tổng thống Philippines thu được thêm khá nhiều phiếu trong cuộc bầu cử vừa qua. Tuy nhiên, trong bất luận hoàn cảnh nào thì món nợ nước ngoài 9 tỷ USD ở thời điểm những năm 1985-1986 cũng đã là một thảm họa. Và ông Ferdinand Marcos (cha) không thể có kết cục nào khác khi bị vu là đã biển thủ cá nhân khoản tiền lớn như thế.
Do hoàn cảnh gia đình và những quan điểm chính trị được công bố, vị tổng thống mới của Philippines không thể nào là người có nhiều thiện cảm với siêu cường bên kia đại dương, ngược lại với đối thủ của ông là bà Leni Robredo, một nữ chính trị gia thấm nhuần tới tận tóc tơ những cảm xúc thân Mỹ. Các nhà quan sát đánh giá ông Bongbong Marcos có thể sẽ là một vị nguyên thủ theo đuổi một chính sách cân bằng và thân thiện hơn trong khu vực. Cộng đồng Đông Nam Á nhìn chung cũng mong mỏi điều này sẽ là sự thật.
HỒNG THANH QUANG