Ông trở thành Tổng thống Pháp đầu tiên đắc cử liên tiếp hai nhiệm kỳ trong vòng 20 năm qua, kể từ khi cựu Tổng thống Jacques Chirac đánh bại ứng cử viên Jean-Marie (cha của bà Marine Le Pen) để tại vị ở nhiệm kỳ thứ 2. 

Việc ông Emmanuel Macron giành chiến thắng phần nào được báo trước, bởi hầu hết các dự báo trước đó đều nhận định đương kim Tổng thống Pháp sẽ tái cử một cách không quá khó khăn. Kết quả thăm dò dư luận sau cuộc tranh luận giữa hai vòng bầu cử Tổng thống Pháp tối 20-4 cho thấy, ông Emmanuel Macron dẫn trước với tỷ lệ ủng hộ là 59% trong số những người được hỏi, so với tỷ lệ 39% ủng hộ bà Marine Le Pen. 

leftcenterrightdel
Tổng thống Pháp đương nhiệm Emmanuel Macron trong cuộc gặp những người ủng hộ, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2, tại Paris, tối 24-4-2022. Ảnh: AFP/TTXVN 


Yếu tố quyết định làm nên chiến thắng của ông Emmanuel Macron là bản thành tích nhiều màu sáng trong 5 năm cầm quyền. Từ năm 2017 đến nay, các chính sách mà ông áp dụng đã bơm thêm nhiều nguồn lực cho người dân, giúp cải tổ thị trường lao động và đẩy lùi thất nghiệp, đồng thời tô điểm hình ảnh nước Pháp trong con mắt của các doanh nhân nước ngoài. 

Thêm vào đó, sau hai năm trải qua đại dịch Covid-19 và hiện phải chịu tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, cử tri Pháp đang ngày càng lo ngại nhiều hơn về những gì diễn ra trong hiện tại, về cuộc sống thường nhật, về các ưu tiên ngắn hạn, thay vì dồn sự quan tâm cho các vấn đề có tính vĩ mô và dài hạn. Trong bối cảnh phức tạp đó, các biện pháp đối phó mà ông Emmanuel Macron đưa ra đã giữ cho nước Pháp khá ổn định.

Nhìn vào lạm phát, khi vật giá ở Mỹ tăng lên thêm 7,5% trong một năm, của châu Âu là hơn 5% thì người dân Pháp may mắn hơn. Theo thống kê của Eurostat, trong 12 tháng qua, tuy đời sống có khó khăn hơn nhưng tỷ lệ lạm phát tại Pháp chỉ là 4,4%. Liên quan đến thị trường lao động, tháng 5-2017, khi ông Emmanuel Macron lên cầm quyền, 9,5% người Pháp trong độ tuổi lao động không có việc làm. Nhưng đến cuối năm 2021, tỷ lệ đó chỉ còn 7,4%. Đây là tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 15 năm vừa qua. 

Những định hướng lớn mà ông Emmanuel Macron vạch ra cho nước Pháp trong tương lai cũng tỏ ra có ưu thế hơn so với đối thủ. Ông chú trọng đến chủ quyền và sự độc lập của nước Pháp, quan tâm đến cải thiện giáo dục và y tế, tạo thêm nhiều việc làm và làm việc nhiều hơn. Để gia tăng sức mua “cho những người thật sự cần đến”, ông cho biết sẽ tăng các khoản trợ cấp xã hội cho người về hưu, sinh viên, gia đình đông con... đồng thời, tiếp tục duy trì “lá chắn giá cả”-hạn chế tăng giá điện ở mức tối đa 4% và cam kết không tăng giá khí đốt. “Lá chắn” này được ông Emmanuel Macron cho rằng, hiệu quả hơn giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng trên nhiên liệu. 

Bổ sung vào các chính sách giúp tăng sức mua, ông Emmanuel Macron nhấn mạnh về nỗ lực tạo thêm việc làm cho người Pháp. Chỉ trong nhiệm kỳ vừa qua của ông, nước Pháp đã có thêm 1,2 triệu việc làm mới, giúp nhiều người khỏi thất nghiệp. Bên cạnh đó, ông Emmanuel Macron còn dự định tăng dần tuổi về hưu từ 62 lên 65 tuổi để giảm gánh nặng cho ngân sách. Dư luận đều có chung nhận xét thành tích kinh tế của ông Emmanuel Macron vượt trội hơn so với hai người tiền nhiệm. Đây chính là chìa khóa giúp ông tiếp tục giữ chiếc ghế tổng thống thêm một nhiệm kỳ.

Với chiến thắng của ông Emmanuel Macron, châu Âu có thể thở phào nhẹ nhõm. Bởi nếu bà Marine Le Pen thắng cử, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dễ rơi vào tình trạng hỗn loạn. Khi nhắc đến liên minh quân sự này, bà Marine Le Pen thường khẳng định NATO là một “tổ chức hiếu chiến” và việc mở rộng về phía Đông của khối này gây ra mối đe dọa đối với Nga. Trên thực tế, điều này có nghĩa là bà muốn Pháp rút khỏi cơ cấu chỉ huy của NATO, quân đội Pháp đang bảo vệ lãnh thổ của NATO ở sườn phía Đông của các nước Baltic và Romania cũng sẽ rút về nước.

Cơn “địa chấn chính trị” với việc bà Marine Le Pen thắng cử đã không xảy ra. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc con đường phía trước của ông Emmanuel Macron sẽ hoàn toàn bằng phẳng. Dù làm được nhiều việc cải thiện đời sống người dân, ông vẫn bị chỉ trích là tổng thống “của người giàu” và quá “thành thị”. Bài học từ khủng hoảng “Áo vàng” cuối năm 2018, khi bạo loạn bùng phát chỉ vì vài xen tăng thêm trong giá nhiên liệu vẫn còn rất nhức nhối. Nếu không thận trọng, sự bất mãn của nhóm người bình dân có thể bùng nổ ngoài tầm kiểm soát và khiến những người cầm quyền phải trả giá đắt.

Đây không phải là lời cảnh báo không có cơ sở, bởi bầu cử tổng thống chưa phải là cuộc chơi lớn cuối cùng trong năm nay. Dù thắng bà Marine Le Pen, ông Emmnuel Macron vẫn còn một thử thách lớn trong hai tháng tới-bầu cử Quốc hội Pháp vào tháng 6-2022. Hiện nay, nền chính trị Pháp đang rơi vào thế chia 3, với 3 lực lượng chính gồm: Phe trung hữu xoay quanh Đảng “Nền cộng hòa tiến bước” (LREM) của ông Emmanuel Macron; phe cực hữu tập hợp các lực lượng từ Đảng “Tập hợp quốc gia” (RN) của bà Marine Le Pen và Đảng “Tái chinh phục” của ông Eric Zemmour; phe cánh tả với trụ cột là Đảng “Nước Pháp bất khuất” (LFI) của ông Jean-Luc Mélenchon, Đảng Cộng sản Pháp (PCF) và Đảng Sinh thái (EELV).  

Chắc chắn, các đối thủ của ông Emmanuel Macron sẽ tìm cách liên kết để giành đa số tại Quốc hội Pháp, buộc ông phải “chung sống chính trị”, tức đưa một thủ tướng từ đảng đối lập lên nắm chính phủ. Nhiều gánh nặng đang chờ đợi trong Điện Elysee. Nhưng trước mắt, với ông Emmanuel Macron, đây là khoảng thời gian có thể tận hưởng hương vị chiến thắng.

TƯỜNG LINH